“Người ta đang quên những ý nghĩa tốt đẹp nhất của âm nhạc”

Vũ Hoàng clip_image001

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, Hình: Uyên Nguyên/Blog hoadam

Sự hời hợt, dễ dãi và tính thương mại hóa đang ngày càng lấn lướt sự nghiêm túc và những chắt lọc, tinh tế vốn có trong âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở Việt Nam … Và một trong những nghệ sĩ tâm huyết với nghề đã từng nhiều lần lên tiếng về hiện tượng trên là nhạc sĩ Tuấn Khanh, hôm nay, anh có cuộc trò chuyện với Vũ Hoàng…

Vũ Hoàng: Xin chào nhạc sĩ Tuấn Khanh, cám ơn anh đã giúp chúng tôi thực hiện chương trình này, thưa nhạc sĩ, nếu nhìn vào bức tranh hiện nay của đời sống âm nhạc trong nước, một cái nhìn khách quan anh có thể gửi đến thính giả đài RFA là gì thưa anh?

N.S Tuấn Khanh: Dạ, chào anh Vũ Hoàng, xin chào quý khán thính giả. Để nói về âm nhạc Việt Nam lúc này, thật khó để có thể nói bằng một câu nói, nhưng trước tiên để diễn đạt cho rõ ràng và dễ hiểu thì tôi muốn kể một câu chuyện là: Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy mất khoảng một năm, tôi có gặp ông và hỏi ông là đánh giá về tình hình âm nhạc Việt Nam hiện nay như thế nào và theo ông nó có gì khác biệt với những người thưởng thức âm nhạc và những người sáng tác nói chung trong giới chuyên nghiệp âm nhạc trước đây thì có gì gọi là khác biệt, thì nhạc sĩ Phạm Duy trả lời một câu ngắn gọn rằng: Nhiều năm trước, chúng ta nghe âm nhạc bằng trái tim còn ngày nay chúng ta nghe âm nhạc ngoài daCâu này cậu cứ nghĩ đi rồi nó sẽ đến từng chút, từng chút một rồi cậu sẽ nhận thấy. Thực sự lúc đó tôi chỉ hiểu được một phần, tôi chỉ nghĩ rằng lúc đó người ta lắng nghe âm nhạc bằng những ngôn từ sâu sắc, những giai điệu hay có sự chọn lọc với những chắt chiu của người nghệ sĩ, cho đến những người biểu diễn và sáng tác đến công chúng và công chúng có một sự hưởng ứng mang tính nhất định như vậy. Thế hệ âm nhạc điện tử tới và người ta thích những cảm giác nhiều hơn những thứ đó, người ta có thể vào vũ trường nghe những tiếng, những nhịp đập của âm nhạc mới, những âm thanh mới, những sound mới… người ta tạo ra những cảm giác mới nhiều hơn là những dòng sáng tác mới.

Nhiều năm trước, chúng ta nghe âm nhạc bằng trái tim còn ngày nay chúng ta nghe âm nhạc ngoài da. Câu này cậu cứ nghĩ đi rồi nó sẽ đến từng chút, từng chút một rồi cậu sẽ nhận thấy

nhạc sĩ Phạm Duy

Nhưng tới ngày hôm nay, tôi còn cảm nhận sâu sắc hơn từ những suy nghĩ của nhạc sĩ Phạm Duy là bởi vì con người hôm nay, “ngoài da” hôm nay chính là sự hời hợt và tính chất thương mại của đời sống ở trong nước ngày càng mạnh tới mức làm cho người ta quên đi những ý nghĩa tốt đẹp nhất của âm nhạc.

Tôi lấy một câu chuyện gần đây trường hợp của một người hát karaoke nổi tiếng trên mạng, người ta gọi anh là ca sĩ Lệ Rơi, đó là một người hát hoàn toàn mang tính nghiệp dư, giải trí, mang tính cá nhân… không có gì gọi là nghệ thuật, nhưng lại được hệ thống thương mại đẩy tới mức tổ chức một buổi biểu diễn riêng, thậm chí dự định ra album riêng, thâu bài hát riêng… Dĩ nhiên, tất cả không nghe những thứ đó như một tác phẩm nghiêm túc, một chương trình biểu diễn nghiêm túc, nhưng nó có thể bán được vé, bởi người ta vào đó không phải là nghe âm nhạc mà là người ta khều nhau mỉm cười, cười ngặt nghẽo, cười lăn lộn và thấy vui với trò đó. Âm nhạc không chỉ là phương tiện trong một thời buổi của thương mại mà còn là phương tiện nằm ở vị trí thấp nhất trong ý nghĩa phương tiện mà hôm nay chúng ta đang thấy. Thật là khó nói về âm nhạc Việt Nam hôm nay thế nào, nhưng tôi có thể nói rằng là nó ảnh hưởng từ rất nhiều thứ, nó ảnh hưởng luôn cả một thế hệ những người trẻ lớn lên trong một nền giáo dục của chế độ cộng sản Việt Nam và chủ nghĩa duy vật, đó là những thứ chạy theo những giá trị tức thời, không biết gọi tên nó là gì và nó dẫn đến âm nhạc là một trong những biểu hiện đầu tiên âm nhạc mỗi ngày suy đồi, suy thoái, ở đây âm nhạc chỉ là một phần trong đó.

Con người hôm nay, “ngoài da” hôm nay chính là sự hời hợt và tính chất thương mại của đời sống ở trong nước ngày càng mạnh tới mức làm cho người ta quên đi những ý nghĩa tốt đẹp nhất của âm nhạc

N.S Tuấn Khanh

Vũ Hoàng: Với những gì anh phân tích thì có thể thấy là giới trẻ hiện nay phần lớn là chạy theo những giá trị ảo, bề ngoài…vậy nếu so sánh với thời gian trước và bây giờ thì nhạc sĩ Tuấn Khanh thấy từ sự thưởng thức cho đến sáng tác đã thay đổi ra sao?

N.S Tuấn Khanh: Tôi muốn nói thế này, ngày xưa với khán giả và những người trong nghề âm nhạc Việt Nam, tôi sẽ bắt đầu nói về trước 1975 và sau 1975. Sáng tác âm nhạc, biểu diễn âm nhạc và lắng nghe âm nhạc là hình thái thưởng thức, chia sẻ, đầy tính nghệ thuật và trân trọng lẫn nhau. Tôi còn nhớ rằng là có những người sáng tác chỉ cần một người ca sĩ hát sai một chữ của họ thôi, khán giả không nhận ra, nhưng người nhạc sĩ đau khổ suốt vì bài hát lỡ ghi âm rồi. Sau năm 1975, với chế độ kiểm duyệt, có rất nhiều bài hát được đưa lên, được duyệt, được ra đời, in đĩa hay phát hành sách…Những nhà kiểm duyệt dựa trên lý trí và sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong suy nghĩ của họ, họ sẵn sàng gạch đi những chữ nào họ cảm giác không ổn theo quan điểm chính trị của họ, tôi đã nhìn thấy những nhạc sĩ vật vã và đau khổ với những con chữ của họ bị cắt đi như vậy, có những người khác chọn lựa bằng cách rút lại không cho phát hành để bảo vệ một chữ của họ mà thôi. Nói như vậy, để quý thính giả hiểu rằng âm nhạc như mỗi phận đời của mỗi người, người ta trân trọng nó hết sức vậy đó. Nhưng cho đến ngày hôm nay, trào lưu tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc du nhập vào Việt Nam, với những ngôn ngữ đơn giản, chủ yếu là tạo ra một thông điệp mang tính gần gũi của lứa thiếu niên, pha trộn sự hài hước, bất chấp những quy tắc về ngữ pháp, do đó dẫn đến chuyện âm nhạc cũng xuất hiện ngôn ngữ gọi là “ngôn tình trong âm nhạc.” Tôi có thể dẫn một vài từ mà quý vị sẽ ngạc nhiên “từ trên trời rơi xuống, anh yêu em dài lâu” hay“anh biết yêu em một lần, anh biết yêu em hai lần, rồi thể nào cũng yêu em nhiều lần” có những ngôn ngữ mình không thể hiểu được người ta viết thế để làm gì và nếu có sửa cả câu thì bài hát vẫn không thay đổi được ý nghĩa đó, chỉ ở trong tình trạng ngôn tình đơn giản vậy mà thôi.

Điều đó mình không trách được trào lưu hay sự tiếp xúc văn hóa từ Trung Quốc đưa qua, bên cạnh đó, đời sống văn hóa và lối giáo dục của Việt Nam hiện nay qua nhiều năm là một sự tác động ghê gớm lên giới trẻ và dẫn đến tình trạng là giới trẻ cảm thấy họ chia sẻ và thích ngôn ngữ gần gũi đó, hời hợt đó, có thể gọi là giẫm đạp lên các quy tắc ngữ pháp cũng như bẻ gẫy tất cả những quy tắc của tiếng Việt cũ, nhưng họ có cả một thế hệ chia sẻ với nhau. Còn những thế hệ còn lại họ ôm lại những gì trân trọng nhất và họ nhìn bất lực vì không biết thế nào để can thiệp những điều đó.

Nhiều thập kỷ trước người ta có những trò chơi của Sơn Đông Mãi Võ bởi những trò đó vui lạ, vẫn phải tốn tiền để vui lạ với những chuyện đó, nhưng nó sẽ phải thay đổi thường xuyên. Ngày nay, sân khấu reality show cũng giống sân khấu của Sơn Đông Mãi Võ như vậy, nhưng số tiền và quy mô bỏ ra lớn hơn rất nhiều

N.S Tuấn Khanh

Vũ Hoàng: Cám ơn những chia sẻ của anh, những qua cuộc trò chuyện với anh khiến Vũ Hoàng thấy là hiện nay những cuộc thi tìm kiếm tài năng, tìm kiếm ca sĩ nở rộ, nhưng thực chất những người đó sẽ trở thành ca sĩ thực thụ hay không thì còn là một câu hỏi bỏ ngỏ, quan điểm của anh về những chương trình này như thế nào?

N.S Tuấn Khanh: Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế phát triển nóng, tức là trong một thời gian ngắn và đột nhiên khá giả, dẫn đến việc thưởng thức, chi tiêu và tất cả mọi thứ muốn ngang bằng với những quốc gia phát triển, nhưng giá trị đó chỉ mang tính tức thời chứ không lâu dài. Tôi còn nhớ có những chương trình trò chơi trên sân khấu, reality show từ nước ngoài mang về với tiền bản quyền rất cao mục đích thu hút quảng cáo, kiếm được nhiều tiền và làm những chương trình mới lạ. Khởi đầu, nó có vẻ rất tốt đẹp bởi nó còn tuân theo các quy tắc của các nhà tổ chức nước ngoài đem đến, nhưng khi họ mua với giá rẻ hay từ các nhà sản xuất thứ 3…thì họ bắt đầu bóp méo những thứ đó và cho rằng làm sao có càng nhiều lượng khán giả coi, càng nhiều sự kiện bất kể đó là scandal hay không với mục đích là để thu hút lấy được quảng cáo dựa trên số người coi. Nói một cách nào đó, cho đến giờ phút này Việt Nam từ nhiều năm trước, nhiều thập kỷ trước người ta có những trò chơi của Sơn Đông Mãi Võ bởi những trò đó vui lạ, vẫn phải tốn tiền để vui lạ với những chuyện đó, nhưng nó sẽ phải thay đổi thường xuyên. Ngày nay, sân khấu reality show cũng giống sân khấu của Sơn Đông Mãi Võ như vậy, nhưng số tiền và quy mô bỏ ra lớn hơn rất nhiều.

Lúc nãy anh có nói rằng có những ngôi sao được tìm ra từ những chương trình tìm kiếm tài năng, đó chỉ là những tên gọi để giới thiệu cho mục đích thâu tóm tiền bạc, thương mại của các chương trình mà thôi. Một nền công nghiệp biểu diễn ở VN hiện nay chưa hoàn toàn có, cho nên những cách “tìm kiếm tài năng” chỉ là việc thu hút khán giả, để rồi sau đó chấm dứt chương trình những người từ hạng nhất cho đến hạng mười đều vô vọng tìm con đường của mình bởi vì bản thân VN không có nhà sản xuất lớn, cũng như không có hệ thống phát hành lớn và cũng không biết làm sao để vượt qua điều đơn giản nhất là giải quyết được nạn ăn cắp bản quyền… Những điều như vậy là những bất cập cho chúng ta thấy rằng khi một quốc gia không tổ chức đủ một hệ thống công nghệp biểu diễn để bảo toàn chính bản thân mình thì việc tìm ra những tài năng chỉ là những trò chơi “đánh trống bỏ rùi” mà thôi.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn nhạc sĩ Tuấn Khanh rất nhiều và hi vọng sẽ được trao đổi với anh về những vấn đề âm nhạc trong một chương trình không xa.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn