Bi kịch trí thức - Bi kịch dân tộc

Liên Sơn

clip_image002(VNTB) - Lịch sử là những khúc quanh được lặp lại. Trong thời điểm hiện nay, khi đất nước có quá nhiều sự kiện diễn ra và đầy rẫy những tiêu cực về các mặt, khi mà tính độc lập và tự do còn gây ra nhiều tranh cãi, khi mà tính đúng – sai của chính quyền gắn với sự hoài nghi không dứt, thì chúng ta thử trở về tìm hiểu xem, cái gì đã đang và sẽ diễn ra đối với trí thức Việt. Tìm hiểu, luận giải cốt cũng để hình dung bi kịch của trí thức từ xưa đến nay chuyển biến ra sao, như thế nào? Hệ lụy lẫn con đường nào để thoát ra khỏi tấn bi kịch đó.

TRÍ THỨC LÀ GÌ?

Theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam: Trí thức là tầng lớp xã hội làm nghề lao động trí óc […] phát triển cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật. Trí thức không phải là giai cấp riêng. Trí thức nói chung, thường nhạy cảm với cái mới, tiếp thu và truyền bá những tư tưởng cách mạng, tiến bộ trong nhân dân, có vai trò rất lớn đối với sự phát triển lịch sử, nhất là trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật ngày nay… [1]

Wikipedia cũng có một định nghĩa đáng chú ý: Trí thức là người có kiến thức sâu xa về một hay nhiều lĩnh vực hơn sự hiểu biết của mặt bằng chung của xã hội vào từng thời kỳ.

Tầng lớp này có một vai trò lớn trong xã hội, họ “nghiên cứu, phân tích, và chỉ trích các cuộc tranh luận cũng như các hoạt động công cộng, để gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội”. Và thông qua đó, “thái độ của họ có thể là ra mặt ủng hộ những dự định cải tổ hay chống chúng” ở phương diện chính phủ.

Giới trí thức đã tạo ra, hoặc đồng tình hoặc chỉ trích ý thức hệ.

Như vậy, dù ở định nghĩa nào đi chăng nữa thì ngoài tính đầu óc trong lao động thì tầng lớp trí thức buộc phải luôn ở trạng thái động, nhằm đảm bảo rằng họ đã – đang và sẽ “nuôi dưỡng, bảo vệ, truyền bá những giá trị phổ quát của nhân loại và sử dụng chúng như những trung giới trong các quá trình vận động biện chứng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội” và xét theo đúng bản chất thì họ sẽ “đứng về phía những giá trị phổ quát, bất kể nó đang ở phía bên này hay bên kia” như tác giả Giáp Văn Dương từng nhận định. [2]

Chỉ có như vậy, tầng lớp trí thức mới thực sự trở thành “cơ quan nhận thức của cơ thể xã hội”.

Còn ngược lại, những người chỉ đáp ứng được một trong hai điều kiện đó nên được gọi là cận-trí-thức (hay dân gian ví von là trí ngủ).

BI KỊCH TRÍ THỨC VIỆT NAM

Xét trên quan điểm về trí thức như trên và trong sự giới hạn của bài viết. Xin bàn về bi kịch trí thức Việt Nam từ thời điểm giao thời giữa Nho và Âu học đến hiện nay. Thông qua việc đưa ra điểm chính về tính bi kịch mà trí thức Việt gặp phải trong từng thời kì.

Và chúng ta sẽ không thể tránh khỏi bất ngờ khi nhận ra bi kịch lớp sau lại là sự lặp- lại ngẫu nhiên hoặc cố tình của bi kịch lớp trước.

Đầu tiên, trí thức Việt Nam rất nhạy cảm với thời cuộc, nhưng lại không thể thay đổi được thời cuộc chuyên chế - ngu Trung

Đây là thời điểm mở màn của tấm bi kịch của Trí thức Việt Nam và để lại di chứng cho đến ngày hôm nay. Nó bắt nguồn từ trong buổi giao thời giữa nền Nho học và Âu học, khi mà nền tư bản Tây Âu chuyển sang giai đoạn độc quyền, nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh làm tăng nhu cầu về thị trường tiêu thụ hàng hóa, nguồn cung nhiên liệu, nhân công và thuộc địa.

Trong khi đó, Việt Nam lúc này đang được trị vì bởi nhà Nguyễn với hệ thống tư tưởng Nho giáo. Pháp bắt đầu những trận đánh đầu tiên tại Đà Nẵng (1858). Trận đánh đó làm bừng tỉnh không ít sĩ phu, quan lại yêu nước. Làm nổi lên ý thức về nhu cầu canh tân nhằm tránh họa mất nước. Lớp trí thức này phần lớn là những người đã có điều kiện đi công cán nước ngoài, giúp họ nhìn thấy được thực tiễn sinh động của nền văn minh Tây Âu, điều đó càng thúc đẩy họ hăng hái, mạnh dạn đưa ra tư tưởng canh tân từ nội trị đến văn hóa, xã hội. Trong đó, nhấn mạnh đề xướng học tập, mô phỏng những kỹ nghệ, tổ chức xã hội của thế giới bên ngoài. Một trong những trí thức như vậy có thể kể đến là Nguyễn Trường Tộ.

Là một danh sĩ, lại là một người Công giáo nên ông được Pháp ưu ái chiêu dụ, cho xuất dương. Lại là phiên dịch cho Pháp, nên Nguyễn Trường Tộ, dù không thuộc hệ thống quan lại triều Nguyễn nhưng cũng sớm hiểu ra hiểm ý của Pháp, nhưng quan trọng hơn là, ông sớm nhận ra khuynh hướng vận động chung của thế giới lúc bấy giờ, nhất là việc các nước Tây Âu đang “bao chiếm suốt từ Tây Nam đến Đông Bắc […] không đâu là không chiếm đất và nô dịch dân những nơi đó” [3]. Chính sự nắm bắt quan trọng như vậy, nên từ năm 1861 cho đến khi mất đi (1871), ông liên tục gửi cho triều đình Huế các bản điều trần và phúc trình thời sự. Từ “Bàn về hòa” (Hòa từ) năm 1861 cho đến “Việc nông chính” năm 1871. Có tổng thảy 58 bản điều trần đề xuất canh tân quốc gia ở nhiều lĩnh vực, từ chính trị, tài chính, học thuật cho đến nội chính, ngoại giao. Tất cả những lần cố gắng “tấu” đó hoặc không nhận được phản hồi, hoặc sự phản hồi đó là sự nghi kỵ của vua, quan dù rằng ông đã hết sức “Trần tình”.

Sự chậm chạp, bảo thủ cực đoan của triều Nguyễn lẫn giáo điều Nho giáo để đẩy chủ quyền quốc gia đến tình thế bị xâm hại nghiêm trọng, nhất là khi Pháp cho tiến hành đánh chiếm sáu tỉnh Nam Kì. Thế nhưng, mặc cho Nguyễn Trường Tộ hết lời khuyên can, thậm chí là bàn trực tiếp với Tự Đức (1871) về phương lược ngoại giao, quân sự, nhưng đổi lại là thái độ thờ ơ, dẫn đến những quyết định thiếu khôn ngoan, bị động. Từ việc hủy bỏ việc sứ bộ đi các nước đến việc gạt bỏ kế sách đánh úp Pháp để tịch lại sáu tỉnh Nam Kì.

Biết thì nói, nhưng nói lại không ai nghe, cơ nghiệp tổ tiên, cha ông mở cõi bị rơi vào tay nước ngoài ngay trước mắt khiến Nguyễn Trường Tộ qua đời trong uất hận tại quê nhà (Xã Đoài – Nghệ An) vào năm 1871: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận/ Tái hồi đầu thị bách niên cơ” (Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận/ Ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm)”.[4]

Uất hận đó không phải là uất hận riêng cho việc mất nước mà uất hận cho chính cái thời thế đảo điên (mọi sự vận động trong khi nền chính trị quân chủ chuyên chế lại tìm cách đứng yên), khiến họ có cơ hội xuất dương để học tập, nhưng tước mất ở họ cơ hội được lắng nghe và áp dụng chính sách canh tân ấy trong nước. Lại thêm vua quan lại coi khinh Tây Âu với cách gọi miệt thị là bọn Bạch Quỷ, man di mọi rợ, tư tưởng nội hạ ngoại di (coi bên trong là văn minh, bên ngoài là mọi rợ) chiếm ngự triều đình Huế nên từ vua đến quan phần lớn đều giống như ở tính chất thủ cựu, chỉ chuộng tầm chương trích cú, tự cho mình hay, tiếp tục chính sách “bế quan tỏa cảng” với mớ chữ thánh hiền. Khiến cho những lời tấu đúng, điều trần xác thực tế lại trở nên “phi lý” trong tai vua và đám cựu thần đang “thủ cựu bài tân”.

Sự coi khinh đó, nghi kỵ đó không chỉ dành cho lớp người có yếu tố Công giáo như Nguyễn Trường Tộ mà ngay cả đối với những danh sĩ, chưa một lần xuất dương như Nguyễn Lộ Trạch cũng không ngoại lệ.

Nguyễn Lộ Trạch là một danh sĩ có kiến thức sâu, và tầm nhìn rộng đã nghiêng hẳn về con đường thực dụng. Chính vậy nên các Hội thi được tổ chức ông không tham gia, nhưng lại nhân đó mà dâng kế sách cho triều đình. Cụ thể, vào năm 1877, khi kỳ thi Hội ở Huế lấy chuyện “Sứ Pháp vào chầu, hòa hiếu hợp lễ” làm đề thi, ông đã dâng bản “Thời vụ sách” vạch rõ kế hòa nghị của Pháp đồng thời khuyên triều đình “gấp lo tự cường tự trị” để cứu nước. Nhưng triều đình Huế tỏ không quan tâm. Đến 1882, ông lại một lần nữa nhắc nhở triều đình “phải biết tự cường, tự trị, đồng thời phải biết mật giao với các cường quốc thù địch của Pháp...” [5] nhưng lại bị vua Tự Đức phê “Ngôn hà quá cao” rồi thôi. Tháng 04 năm đó, ông tiếp tục dâng “Thời vụ sách” lần 2, nêu lên sách lược cứu nước gồm 5 điều, trong đó có việc luyện binh, mua sắm vũ khí; đưa con em ra nước ngoài học khoa học thực nghiệm và cơ khí phương Tây; mở rộng ngoại giao với các nước châu Âu... Nhưng tiếp tục bị triều đình lờ đi.

Đến năm 1892, dưới triều Thành Thái, nhân kỳ thi Hội ông lại viết tiếp bài “Thiên hạ đại thế luận” bàn về tình thế các nước Á Đông trước nguy cơ thôn tính của Tây phương và yêu cầu từ bỏ tệ qua liêu, thói hư danh, chấn chỉnh chính trị, pháp luật, giáo dục.

Những gì mà Nguyễn Lộ Trạch làm chính là biểu hiện của lớp trí thức có lòng yêu nước thương dân, họ sẵn sàng tiếp nhận luồng gió Tây Âu tuy xa nhưng đầy mới lạ, lại nhận ra đó là phương cách giữ nước. Những sách lược mà Nguyễn Lộ Trạch đưa ra là chính là phương cách mà Nhật Bản thời kỳ Tokugawa đã từng áp dụng, để đưa đến một cuộc Canh tân thành công vào thời kỳ Minh Trị. Thế nhưng triều đình phong kiến tại Việt Nam lúc bấy giờ lại không đủ cái “tầm” để nhìn ra điều đó, nên bỏ qua vì cho đó là chuyện xa vời. Đó là căn bệnh của triều đình nhà Nguyễn, cũng là căn bệnh chung muốn yên ổn mà cai trị, truyền ngôi báu đời của Nho giáo Việt Nam.

Sự bó buộc về mặt tư tưởng đã không ủng hộ những cái đầu óc thực nghiệp. Vì thế nên mới có chuyện khi Phan Thanh Giản (vốn thuộc phe chủ hòa, đại thần triều Nguyễn) cùng đoàn đi đàm phán với Pháp trở về (1863), ông cũng nhanh chóng tâu những điều tai nghe – mắt thấy, đồng thời lấy ý xin canh tân, nhưng bị quần thần cho là “tâng bốc người ngoại quốc và làm giảm uy thế của mình”. Để rồi, ông phải xót xa: “Kêu tình đồng bang mau kịp bước. Hết lời năn nỉ, chẳng ai tin”.

Bi kịch của trí thức như Phan Thanh Giản, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Xuân Bảng, Phạm Phú Thứ, Trương Vĩnh Ký, Đặng Huy Trứ, Trương Gia Mô… “Nguyễn Trường Tộ chính là đã ở vào một thời đại với một ông vua nhu nhược, với những quan lại vô trách nhiệm, với một tầng lớp sĩ phu lỗi thời, lạc hậu” [6]. Họ không thiếu kiến thức thực tế, không thiếu tầm nhìn, không thiếu cả lòng yêu nước. Chính những điều này khiến họ thức thời mà cố gắng không ngừng trong việc tấu mối họa lẫn cơ hội đến từ trời Tây. Nhưng nền tư tưởng Nho giáo vào cuối thế kỷ 19 dù đã lạc hậu, thậm chí phản động nhưng lại sống dai dẳng khi được đa số vua quan thủ cựu bám víu lấy, để duy trì sự ổn định của hệ thống chuyên quyền.

Hệ thống chính trị quân chủ chuyên chế đã không cho những trí thức đó được một điểm tựa nào cả ngoài sự vận động của chính bản thân. Nhưng bản thân những nhà trí thức ấy lại gặp phải một mâu thuẫn nội tại – đó là khuôn phép Nho giáo với đạo Vua-Tôi. Tôn quân, trung vua là ái quốc (Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung). Vua là thánh nhân, lời vua là thánh chỉ. Cái quan điểm đó dẫn đến một thể chế cực đoan, bảo thủ “ngoài áp chế không có gì là tôn chỉ; ngoài phục tòng, không có gì là nghĩ xa”. Thành ra, tư tưởng dù có đi xa, dù được phép cựa quậy, nhưng lại không thể thoát ra được. Thành ra, lúc này cũng chưa có sự phê phán “Trung quân” (mãi đến đầu thế kỷ 20, phong trào Duy Tân dưới sự lãnh đạo của Phan Chu Trinh mới bắt đầu đả phá nó).

Mọi tấu sớ, điều trần dù hay đến đâu cũng là chờ vua đề ngự, thành ra chủ động ban đầu lại biến thành bị động về sau. Trong khi số người được phái ra nước ngoài công cán ít hơn rất nhiều với số quần thần chỉ ngày ngày chăm bẵm việc trị trong nước. Vì thế giỏi như Tự Đức, cũng chỉ là ông vua hay chữ mà thôi. Khuynh hướng thực nghiệp thất thế trước mớ chữ Vàng của đám vua quan thủ cựu. Và những trí thức thời kỳ này hiểu về thời thế bao nhiêu, văn minh Tây Âu bao nhiêu lại bị Nho giáo làm vướng víu, khiến cho họ trở nên cô độc, lạc lõng giữa thời thế bấy nhiêu.

Đó là bi kịch của thể chế ràng buộc, trí tuệ - sự nhạy cảm bị co hẹp vào chữ Trung. Thành ra, hao tâm, tổn sức, kỳ vọng sự đổi mới, nhưng khi lâm chung, cũng chỉ biết uất hận. Nhất là, trước mắt họ: “…yến tước xử đường, mẫu tử tương bộ, hú hú nhiên kỳ tương lạc, tự dĩ vi an …” [7] (nhà cháy đến nơi mà mẹ con chim én, chim sẻ ở góc đầu nhà vẫn mớm cho nhau, ra chiều vui vẻ tự cho là yên ổn lắm). Kết quả nước nhà bị mất vào tay Pháp.

Bi kịch thứ hai của giới trí thức là họ nhìn ra hướng đi bền vững cho dân tộc nhưng quần chúng không theo.

Ngay những kiến nghị, điều trần của giới trí thức cuối thế kỷ 19 bị triều đình Huế bỏ ngoài tai. Khiến cho nước nhà lần lượt mất 3 tỉnh miền Đông Nam Kì (1861), 3 tỉnh miền Tây Nam Kì (1867) rồi đến Hòa ước Harmand (1883) và cuối cùng là Hòa ước Patenotre (1884) - chính thức công nhận quyền bảo hộ của Pháp tại Việt Nam. Nhà Nguyễn với vua quan chuộng hư văn, chê thực nghiệp, ruồng bỏ những “Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch”, nay co cụm lại vùng đất kinh kỳ và hoàn toàn mất tính thực quyền.

Cũng vào đầu thế kỷ 20, ở Đông Á đang diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, đó là với sự vận động Duy Tân ở Trung Quốc và một nước Nhật Bản hùng cường đã được các trí thức cuối thế kỷ 19 – đầu 20 hướng đến. Lại thêm sách báo (tân thư) với nội dung cổ xúy tư tưởng dân chủ phương Tây truyền vào Việt Nam (trào lưu dân chủ tư sản) khiến cho tinh thần lớp tri thức như “nắng hạn được mưa”, họ hồ hởi đón nhận luồng gió mới từ Tây Âu qua Nhật Bản, Trung Quốc mà giới trí thức trước từng một thời tiếp cận nhỏ giọt. Một trong số các trí thức tiêu biểu bị lôi cuốn trong sự vận động đó chính là Phan Châu Trinh, một nhà thơ, văn, chí sĩ thời cận đại.

Bản thân ông nhận thức rằng, “không thể như trăm năm trước nữa cứ đóng cửa mà trị dân, dù không tiến bộ cũng có thể ngồi mà giữ nước” [8], do đó, các ông liên tục phê phán tư tưởng nội hạ ngoại di của Nho giáo. Thậm chí, “Tây Hồ (tức Phan Châu Trinh) hết sức vạch trần tội ác của bọn vua chúa... hại dân hại nước” [9].

Trong đó, ông thực hiện sự phê phán vào cái ngôi quyền Nho giáo, điều mà trước đây, những nhà Nho yêu nước cuối thế kỷ 19 vẫn chưa làm được: “Tám mươi năm trở lại đây, vua thì dốt nát ở trên, bầy tôi thì nịnh hót ở dưới; hình pháp dữ dội, luật lệ rối loạn, làm cho dân không còn biết sống theo cách nào” [10].

Sự vạch trần đó giúp ông đoạn tuyệt với Nho giáo, ông cùng với các trí thức cùng thời như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp phát động phong trào Duy Tân để thay đổi gốc rễ văn hóa, ý thức hệ, để khắc phục và triệt tiêu những “nhược điểm trong nền văn minh và trong con người Việt Nam”, thực hiện quá trình dân chủ, tự cường rồi mưa cầu độc lập qua khẩu hiệu: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Vì thế mà phong trào đã “Duy Tân” ở mọi góc cạnh của đời sống, từ bỏ lối học khoa cử, tập trung cho thường thức và thực nghiệm, dạy tiếng Việt, Pháp, Hán văn cho đến chấn hưng công thương, khai mỏ, lập đồn điền, cắt tóc, xuất dương du học…

Sự ra đời của Đông Kinh Nghĩa Thục – mô hình trường học cải cách, cổ động yêu nước cũng từ phong trào này ra. Sự nảy sinh này cũng là để “biết nước ta mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ dày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý, thì ta phải cố sức sửa đổi luân lý, bồi đắp đạo đức của ta.” [11] Biết đó để “tự lực khai hóa”.

Tuy nhiên, dù nỗ lực để Canh Tân quốc gia, trong đó trọng điểm là thực hiện vấn đề Chấn dân khí, tức là nâng cao dân trí - ý thức của dân chúng, tuy nhiên cho đến cuối đời, những nỗ lực “Duy Tân” của ông cũng không giúp cho dân tộc thay đổi thời cuộc. Vấn đề thất bại ngoài sự chống phá của chính quyền Pháp, thì còn một lý do thuộc về chính người dân, mà Huỳnh Thúc Kháng trong Điếu văn đưa tiễn Phan Châu Trinh đã từng nhắc đến: “Tiếc cho người nước mình còn đang mê mộng, đồng chí với tiên sinh chẳng được mấy người. Vì vậy mà tấm lòng bị phân hóa ra uất ức, uất ức hóa nên đại bệnh huống gì những điều mắt thấy tai nghe dể làm cho tiên sinh cảm xúc mà đau được, chết được, thương ôi!” [12]

Điều này cũng được nhà văn Nguyên Ngọc đồng cảm khi ông “nghĩ có thể người cùng thời cũng chưa hoàn toàn hiểu hết tư tưởng của ông và từ đó cả chủ trương của ông - đó cũng là một bi kịch trong đời ông và có thể cũng là bi kịch của dân tộc - nhưng ít nhiều họ cũng đã cảm nhận ra dù chưa thật rõ rệt cái mới đó” [13].

Như vậy, phong trào thất bại ngoài yếu tố Pháp ra còn có cả yếu tố lịch sử cũng như thời đại đã vượt qua tầm nhìn của ông. Khiến cho quần chúng hứng khởi nhưng vì chưa quen thuộc đối với nhận thức, thói quen, phong cách sống của hơn 1.000 năm tích tụ, từ lối tư duy “trọng nông ức thương” chuyển sang “quốc thương”; từ “tầm chương trích cú” chuyển sang “Văn minh tân học sách” rồi lại phê phán lề lối cũ, hô hào diễn thuyết, lập hội… quay ngoắt 180 độ lại với cửa Khổng sân Trình, đoạn tuyệt tư tưởng “trung quân – ái quốc” nên lại hóa lạ, lại không theo ngay được. Chứ không phải là ông không vươn tới ý thức hệ tư sản, vượt qua ranh giới ý thức hệ như các bài giảng lịch sử đã nêu.

Cũng bởi “Cái nông nỗi mất nước của ta chính là một tấn kịch nhỏ trong tấn kịch Ðông - Tây xung đột nhau..” [14]

Tuy nhiên, sự nhiệt thành của ông và những người bạn đã tích cực góp phần vào việc khơi dậy tư tưởng dân chủ, mở ra cách nhìn mới về vấn đề dân tộc, dân chủ, dân quyền. Thúc đẩy yêu cầu về thực nghiệp đến lớp trí thức loại ông nghè, ông cống. Lan tỏa giá trị đổi mới về văn hóa, gốc con người. Phong trào cũng đã kịp tạo ra những cá nhân yêu nước thương nòi, trọng nghĩa đồng bào, chuộng thực nghiệp, dám mạo hiểm vì quốc gia – dân tộc.

Bi kịch thứ ba là bi kịch của trí thức hệ Cộng sản, nơi cái Tôi cá nhân bị tước đoạt, chủ nghĩa tập thể nhân danh lên ngôi.

Sự thất bại của phong trào Duy Tân có những lý do khác nhau, nhưng lại một lần nữa, nước Việt lại từ chối đường hướng dân chủ, tự cường để rồi lịch sử lại đưa những người Cộng sản lên vũ đài chính trị cao nhất, và tạo ra một bi kịch kéo dài đến tận ngày hôm nay.

Bản thân bi kịch này có hơi hướng của bi kịch thứ nhất lẫn thứ hai nếu xét trên phương diện chữ Trung của “trí thức” và sự bất lực của họ trong vòng quay của chuyên chế chính trị. Nhưng rõ ràng, lần này lớp trí thức được dẫn dụ một cách khéo léo hơn, khiến cho họ tạo cái tròng cho chính mình trong tương lai. Đó là một bi kịch chua chát.

Bi kịch này bắt đầu từ ngay thời kì đầu - khi chủ nghĩa Cộng sản đang gây dựng mầm mống tư tưởng và tổ chức tại Việt Nam. Rõ nét nhất là thông qua khẩu hiệu trong các công hội đỏ, nông hội đỏ, tự vệ đỏ thuộc chính quyền Xô Viết (Nghệ Tĩnh): Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ. [15] Khẩu hiệu đỏ này nhanh chóng bị nhận xét trong chỉ thị về vấn đề thanh Đảng Trung kỳ (20/05/1931) là: thanh trừng trí phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ, như vậy thì lấy gốc đâu mà đào, xem rễ ở đâu mà trốc, quả là một ý nghĩ mơ hồ, một chỉ thị võ đoán và là một lối hành động quàng xiên chi tướng.

12 năm sau, ý nghĩ mơ hồ đó nhanh chóng trở nên được hệ thống hóa một cách chặt chẽ hơn trong quản lý trí thức thông qua bản Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), một bản đề cương được đánh giá là “sức mạnh tinh thần vĩ đại đã trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ, động viên giới trí thức, khoa học, văn học, nghệ thuật Việt Nam đương thời vào cuộc chiến đấu quyết liệt cho sự toàn thắng của cách mạng dân tộc dân chủ, bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa mới của Việt Nam.”[16]

Chính đề cương này đã đặt trí thức dưới lá cờ Đảng, mọi yếu tố chuyên môn của trí thức đều phải phục vụ cho cách mạng và mục tiêu độc lập. Điều này nhìn chung là hợp lý, nhất là để tránh sự phân tán tư tưởng trong quá trình tập hợp lực lượng để tiến hành một cuộc kháng chiến trường kì – nhằm mục tiêu độc lập dân tộc.

Tuy nhiên, bi kịch của Trí thức bắt đầu rõ ràng khi Đảng bắt đầu quên trả cho người trí thức một không gian tự do của họ. Sự việc càng tồi tệ hơn khi mối quan hệ giữa những người Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc được thắt chặt vào 18/1/1950, mở màn cho sự du nhập sâu hơn chủ nghĩa Mao vào nền chính trị - văn hóa – xã hội Việt Nam. Điều này thể hiện rõ nét thông qua khái niệm “Chỉnh huấn” tư tưởng, đường đi dành cho giới trí thức Việt Nam.

Kết quả là, một năm sau (11/05/1951), lớp chỉnh huấn tư tưởng dành cho trí thức ra đời đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc (11/05/1951) với câu nói nhấn mạnh “Lớp chỉnh huấn này mở đầu cho cuộc chỉnh Đảng” báo hiệu tấn bi kịch của Trí thức Việt Nam về sau. Cái điều mà nhà thơ Xuân Diệu tự hào rằng: Chỉnh huấn tức là cưu mang, giúp đỡ bạn chọn lấy con đường tư tưởng đúng, tránh cho bạn cái thảm hại gãy đổ, mở cho bạn con đường sống vinh hiển. […] Chỉnh huấn là một lồng ấp diệu kỳ làm cho tâm hồn mới của anh được tự nở… Chủ nghĩa Mác – Lênin. [17]

Sự “tự nở” mà Xuân Diệu nhắc đến đó chính là sự tự ý thức và luôn cảnh giác con đường mà lớp trí thức phải đi, đó là con đường thẳng tắp, và nó được hướng dẫn bởi những làn đường mang tên “chỉnh huấn”. Từ nay, người trí thức mất đi cái riêng biệt để đi vào cái chung, mọi thứ phục vụ cái chung. Nơi mà bản thân nó dần dần bị lạm dụng để rồi triệt tiêu cả tinh thần Độc lập của trí thức, khiến họ từ con người trí thức trở thành công cụ trí thức, phần nhiều cho hoạt động tuyên truyền. Không một ai ngờ vực sự chuyển biến từ cái chung cho mục tiêu giành độc lập, lý tưởng Chủ nghĩa Xã hội dần tiến đến cái chung cho sự lãnh đạo của Đảng trong một thời gian dài.

Tầng lớp trí thức trở thành công cụ cho cuộc chiến, họ phục vụ vô điều kiện với mệnh lệnh từ trên ban xuống và hành động vô thức trong lý tưởng chỉ đạo. Mọi cái đứng ngoài cuộc chiến, chủ nghĩa đều bị xét xử.

Chính điều đó, khiến cái Tôi – cái Riêng (cái Tôi) bị phê phán và cái chung (Tập thể hoặc nhân danh tập thể) lên ngôi trong mọi lĩnh vực của văn hóa, khoa học. Yếu tố Đảng trở nên mãnh liệt, chi phối mọi hành vi của giới trí thức.

clip_image004

GS Trần Đức Thảo một hình mẫu của bi kịch trí thức Việt Nam.

Phong trào “Nhân văn – Giai phẩm” ra đời trong một dịp ngẫu nhiên (hay sắp đặt?) và được lãnh đạo Cộng sản cho phép. Ngay lập tức, Trần Dần (người phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu trước đó) cùng Hoàng Tích Linh, Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Tử Phác… đệ trình Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hoá (04/1955) với đề nghị “yêu cầu tự do sáng tác, trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ, thủ tiêu hệ thống chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội” [18]. Nói vắn tắt, họ đang đòi lại cái mà Đảng đã vay mượn trong thời kỳ khó khăn.

Cái khao khát sự tự do đó của giới trí thức được Trần Đức Thảo khái quát: Tự do không phải là cái gì có thể ban ơn. […] Người trí thức hoạt động văn hoá, cần tự do như khí trời để thở. Có tự do thì mới đẩy mạnh được sáng tác văn nghệ, nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Phát triển tự do là nhu cầu thiết thân đồng thời là nhiệm vụ số một của người trí thức cũng như của toàn dân. Hình thức tự do là tự do cá nhân. [19]

Tự do của Trần Đức Thảo, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang… chính là tự do của người trí thức, chống lại sự áp đặt – nắn tư tưởng tầng lớp trí thức - một biểu hiện của nô lệ hóa trí thức nhằm phục vụ có mục đích của Đảng.

Nhưng có lẽ, Trần Đức Thảo và những người bạn trong “Nhân văn – Giai phẩm” quên đi báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” của Trường Chinh vào tháng 07/1948, trong đó ông Chinh nhấn mạnh: Không phải chỉ cần phê bình những khuynh hướng sai lầm về tư tưởng, học thuật, nghệ thuật của ta mà thôi; phải phê bình và nhất là chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch. Cuộc đấu tranh về văn hoá và tư tưởng không thể tách rời cuộc đấu tranh về chính trị, quân sự và kinh tế được. [20]

Kết quả, “những họng súng đã sẵn sàng nã đạn vào nhóm người trong phong trào Trăm Hoa Đua Nở, bên cạnh đó là tầng lớp trí thức bị nghi là không chịu quỳ gối tuân phục trước các ông Trời Marxist-Leninist.” [21] Phong trào bị bị đánh và khép vào tội xét lại, chống Đảng, Trostky, đầu cơ cách mạng, cơ hội chính trị… và hàng loạt từ ngữ nặng nề khác mà báo chí cũng như giới trí thức Đảng giáng vào khi luận tội họ. Họ - những con người xuất sắc đại diện cho văn hóa, khoa học của Đảng trước đây bị… kết tội, không phải từ sự phán xét của tòa án, mà từ chính những người cùng một chiến tuyến trước đây.

Như Xuân Diệu, sự nhạy cảm, lãng mạn, trữ tình của nhà thơ đã biến thành sự nhạy cảm chính trị và giai cấp ghê gớm khi ông phê phán kịch liệt phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm vì cho rằng có “tính chất phi chính nghĩa, tính chất chống Đảng, chống chế độ của báo Nhân văn và các tập sách Giai phẩm”. Ông nhấn mạnh “đấu tranh tư tưởng là đấu tranh quyết liệt, không nhân nhượng. […]không cho nó thở, không cho nó sống.” Cũng bởi vì ông đang đứng ở vị trí người Trí thức dưới sự dẫn đường của lá cờ Đảng, nên ông khắc nghiệt khi nhấn mạnh: “Đối với những tư tưởng lạc hậu, chúng ta giúp đỡ, chăm nom, cải tạo, nhưng đối với những tư tưởng chống Đảng, chống chế độ, chúng ta không thoả hiệp, bắt phải quy hàng”.

Ngay trong địa vực Thơ, nơi làn gió Thơ Mới với cái Tôi đã làm nên Xuân Diệu cũng bị ông Đảng hóa: “thơ của ta phải có tính đảng, phải trung thành không lay chuyển với sự nghiệp của Đảng, của nhân dân”, và ông không giấu diếm sự thật đằng sau đó “thật đúng như vậy rồi, đấu tranh cho thơ cũng là đấu tranh cho tư tưởng, cho Đảng” [22]

Nó dập tắt cả tinh thần phản biện, cái Tôi – Những đòi hỏi được coi là “sự việc thực là cụ thể, lẽ thực là tha thiết”.

Đầu tháng 06/1958, hơn 800 văn nghệ sĩ trong Hội nghị BCH Hội Liên Hiệp VHNT Việt Nam đã hoan ngênh kết quả thắng lợi của đấu tranh chống Nhân Văn – Giai phẩm. Còn những trí thức tham gia dù ít (tranh biếm họa) hay nhiều (xã luận) đều bị tước đi cái quyền công dân trên chính đất nước mà họ đã từng cống hiến hết mình chỉ vì đòi hỏi… sự tự do trong lĩnh vực của chính họ.

Kết thúc một thời điểm hiếm hoi trong đấu tranh đòi tự do – vốn một thời giới trí thức phải nhún nhường, chịu lui, để cái chung lên ngôi, vì mục tiêu độc lập, sau lại bị Đảng cố tình bỏ quên… kể cả trong thời bình.

Bi kịch thứ tư, chính là nền hòa bình nhưng trí thức vẫn là đối tượng phục vụ Cách mạng

Chính sách độc tôn tri thức và biến trí thức thành những công cụ không hơn không kém kéo dài mãi cho đến ngày hôm nay (2014). Dù rằng, hệ quả nó để lại là khiến cho tầng lớp trí thức bị đánh mất năng lực, tính sáng tạo lẫn cả sự dấn thân của mình.

Điều này đã được cảnh báo từ thập niên 50 của thế kỷ trước và nay vẫn tiếp tục hiện diện trong đời sống của trí thức. Đó là hiện tượng “trong địa hạt khoa học tự nhiên, sự xâm phạm của những cán bộ chính trị vào địa hạt chuyên môn như thế cố nhiên là rất trở ngại cho công tác chuyên môn, nhất là công tác nghiên cứu khoa học. Trong địa hạt khoa học xã hội thì mối tệ cũng không kém” [23].

Bởi vậy nên sau ngày thống nhất (1975), giới trí thức tiếp tục lén lút tìm cái cái tự do của mình. Tất nhiên không dễ dàng gì khi mà cả nước đang sôi sục “quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Thời kỳ mà “bắt chủ nghĩa tư bản phải phục vụ chủ nghĩa xã hội, bắt nhà tư bản phải cày trên mảnh đất vô sản” [24]– Những sự cởi mở đều bị nghi kỵ dù dưới hình thức bày tỏ nào. Cái nghi kỵ mà một thời nhà thơ Hữu Loan đã phải gằn lên: “Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc?” [25]

Sự xung đột giữa chế độ mới với trí thức miền Nam cũng là một điều đáng chú ý sau giai đoạn thống nhất này khi mà vượt biên trở thành một sự lựa chọn lớn. Lý do, họ vừa rơi vào vòng cải tạo để rồi sau đó không được sử dụng trong bất kỳ lĩnh vực gì thuộc về nhà nước. Kể cả con cái của họ cũng vậy, vấn đề lý lịch là rào cản và dư âm nó vẫn còn trong hệ thống nhà nước hiện nay.

Điều này phản ảnh qua mục “Trí thức miền Nam sau 75” của nhà báo Huy Đức (Bên Thắng Cuộc). Trong đó có nhắc đến câu chuyện về hệ thống nước máy thành phố Hồ Chí Minh năm 1977 bị đục, khi ông Võ Văn Kiệt mời các trí thức đến hiến kế, trong đó có ông Phạm Bửu Tâm (vốn là một nhà giáo uy tín) đã nói thẳng: Từ ngày mấy anh về, cái đầu trí thức khoẻ, vì cái gì cũng đã có mấy anh nghĩ hết. Nước là chuyện mấy anh, đâu phải chuyện tụi tui.

Đó là di chứng nặng nề mà Đảng hóa trí thức đã tạo ra. Để củng cố cho quyền lực lãnh đạo của Đảng.

Thế nên mới có chuyện: Những năm ấy, các trí thức Sài Gòn vẫn nhận được điện thoại từ Văn phòng Thành ủy hỏi xem: Có công trình khoa học chào mừng 3-2 hay 19-5 không? [26]

Vẫn một tư duy hóa Đảng Trí thức, thế nên, lớp trí thức “chế độ cũ” đã rầu, thì lớp trí thức phục vụ cho “Bắc Việt” lại rầu không kém, họ rầu vì sự vỡ mộng về cái mà chế độ đối đãi với mình và sự bó chặt và cố tìm cách chi phối, định hướng chính trị trong lĩnh vực họ đang hoạt động sáng tạo.

Những con người đang muốn bứt mình ra khỏi cái không gian bức bối, ảm đạm đó và tìm lại chút dư âm của phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Nơi họ nhận ra rằng “văn chương không cần những người chỉ viết như nô bộc hay giải khuây”.

Họ nhận ra mình là công cụ của Đảng quá lâu, nhất là khi hòa bình lập lại thì điều này trở nên thật phi lý.

Họ bằng cách này hay cách khác từ bỏ phục vụ dưới lá cờ Đảng với niềm tin yêu và sự mãnh liệt, đã nhanh chóng “từ giã ý thức hệ” để “đi tìm cái tôi đã mất”.

Sự từ giã đó đi từ cảm nhận sự phản bội, và họ cố gắng tìm cách ly khai với Đảng để nhận ra rằng “về tinh thần và tư tưởng, tôi thấy mình hoàn toàn tự do, hoàn toàn được giải phóng. Bây giờ, trên đầu tôi không còn bị kẹp chặt bởi cái “kềm sắt” của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, của đảng cộng sản nữa.” Nó cho phép những con người trí thức được phép “suy nghĩ rất thoải mái, không bị một sự hạn chế nào khi tư tưởng của tôi đã thực sự được giải phóng - tư tưởng đã bay bổng.”[27]

Sự bẻ ngoặt đó bi kịch ở chỗ họ thừa nhận sự trói buộc bấy lâu “không phải từ trên trời rơi xuống, lúc đầu không do ai áp đặt. Nó là sản phẩm lịch sử của nhân loại trong cơn “Khủng hoảng do tăng tốc” (thế kỷ 18-19) của con tàu Văn minh”.

Cái sản phẩm đó đã khiến cho “Tầng lớp trí thức chả có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái đầu cũng bị nhà nước trưng thu luôn, vì từ nay họ chỉ được nghĩ được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, của một đường lối nếu họ không muốn giẫm vào vết chân của nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm”.

Sự nhẫn nhịn và chịu đựng, sự cam tâm cho một mục tiêu cao cả là nền độc lập – tự do đã biến họ thành công cụ của vấn đề giai cấp, cướp đoạt đi của họ cái địa hạt thuộc về văn hóa, khoa học. Nhưng thực ra họ bị lừa gạt bởi “cái chủ trương rất quyến rũ, rất “văn nghệ”, nhất là với giới trí thức, của chủ nghĩa Mác “cải tạo thế giới, cải tạo con người” nhưng sau cùng, họ mới nhận ra là “hoá ra chuyện không đâu, nói cho vui, bây giờ người ta cũng hay nhắc đến để chế giễu một học thuyết xã hội chứa đầy những hoang tưởng.”

Nhiều người trong số lớp người trí thức ấy đã bỏ qua cả một tuổi xuân để hy sinh và cống hiến để rồi đón nhận cái phũ phàng nơi thực tại – nơi Đảng chối bỏ sự trả lại quyền được nói – viết – nghĩ của họ. Những Trần Độ, Trần Xuân Bách, Hoàng Văn Hoan, Hoàng Minh Chính, Trần Mạnh Hảo, Dương Thu Hương, Bùi Tín, Tô Hải, Nguyễn Hộ, Tống Văn Công, Dương Thu Hương, Hoàng Minh Chính, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Gia Kiểng, Lữ Phương, Trần Khải Thanh Thủy, Vũ Thư Hiên, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng…

Tất nhiên, họ bị trả giá cho hành vi nhìn lại của mình, ngay cả khi cái độ tuổi nông nổi đã trôi qua rất lâu. Lớp người tri thức ấy một phần bị cô lập, theo dõi, giam lỏng nơi quê hương; bị phần bị bắt giam hoặc đưa ra nước ngoài với các hình thức khác nhau. Họ trở thành tù nhân lương tâm; bất đồng chính kiến ngay đối với lý tưởng mà họ từng theo đuổi dù rằng nhà nước chưa bao giờ chấp nhận “tội danh” đó.

Yếu tố xã hội chủ nghĩa bao khuôn một cách dai dẳng, kể cả khi đất nước được Đảng xác định là nền kinh tế tri thức nhưng điều đó không ngăn Đảng cố biến tầng lớp trí thức trở thành “tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa”. Thế nên bao nhiêu năm qua, 3 cấp học đầu tiên trong mỗi buổi lễ chào cờ đều có câu: Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại – sẵn sàng [28]. Lên cao hơn (TC-CĐ-ĐH) là khóa học chính trị đầu năm, cuối năm với một chương dài về sự lãnh đạo của Đảng, về Chủ nghĩa xã hội…. Thành ra, đội ngũ trí thức nhìn “hùng hậu” với khoảng 1,5 triệu người bao gồm những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, hàng ngàn giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, hàng chục ngàn thạc sĩ, hoạt động trên tất cả các ngành nghề, trong đó đông đảo nhất là khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa… nhưng xã hội lại vận động chậm chạp cũng vì thế.

Tất nhiên, nếu có thế hệ vỡ mộng, thế hệ nhìn lại, thì cũng sẽ có thế hệ dấn thân - tự tìm cách bước ra cái khuôn phép đó với sự trợ lực của internet – mạng xã hội. Tầng lớp trí thức này nhìn thấy sự im lặng đó trả giá quá đắt về mặt chủ quyền, quốc gia và tính tự chủ của người công dân. Họ buộc lên tiếng để đòi lại những gì đáng ra thuộc về họ - những giá trị cơ bản về dân quyền. Lên tiếng để họ sử dụng lại cái tri thức trong vai trò trí thức để bảo vệ nó bằng những luận điểm, luận cứ khoa học thay vì nhìn Đảng che giấu nó đi như một điều gì đó đáng kinh sợ.

Kiến nghị 72 bùng nổ như là sự quay trở lại của các trí thức Đảng về lại địa hạt khoa học tự nhiên, khoa học xã hội của mình. Nó cho thấy cái quyền được nói – được tham gia – được thực hiện các hành vi tự do căn bản, trong giá trị chung của loài người. Họ đứng ra bảo vệ cho lập trường của chính mình với những luận điểm chắc chắn.

Lúc đầu, vẫn thấy đâu đó một thái độ giữ kẽ, và chờ đợi. Nhưng rồi những Nhóm mở miệng với thơ Tự Do, Nguyễn Đắc Kiên với phê phán tư tưởng toàn trị của ông Tổng, đến Nhã Thuyên quay trở lại tìm hiểu sâu về tinh thần của nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” đã làm bùng lên trở lại tinh thần quyết liệt của Trí thức. Họ không muốn bị chỉ đạo, làm thay, họ không muốn sự xen ngang của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong các công trình khoa học của họ.

Tinh thần đòi trả tri thức lại cho trí thức biểu hiện ngày một quyết liệt hơn. Đi từ Kiến Nghị, Thư ngỏ, Tâm thư… cho đến các cuộc tọa đàm, hội thảo về các vấn đề đất nước. Từ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho đến đi tìm về tư tưởng Phan Châu Trinh, gợi mở nền Giáo dục khai phóng với Cánh Buồm, gần đây là cùng ngồi lại để tìm hiểu “Thoát trung về Văn hóa”. Những Hội đoàn độc lập từ Văn đoàn; Công đoàn; Hội nhà báo Độc lập; Hội phụ nữ nhân quyền; Hội tù nhân lương tâm… ra đời cũng báo hiệu cho sự tập hợp tầng lớp Trí thức với sự tự do thực sự mà các nhà Duy Tân thế kỷ 20 chưa làm được.

Tất nhiên, Đảng không muốn bỏ rơi sự độc quyền mà mình gầy dựng bấy lâu. Nhất là sự độc quyền chân lý thông qua sự độc quyền trí thức. Nhưng đôi khi các nhà tuyên huấn trở nên lạc giọng, khi quên rằng thời kì khói lửa chiến tranh bao trùm, chính sách cộng sản thời chiến đã buộc trí thức phải dồn vào cuộc chiến theo mục đích được đặt ra bởi các nhà chính trị đã chấm dứt. Vì lẽ đó mà lời ông Nguyễn Phú Trọng hay lời trên báo QĐND, Nhân Dân tuy hai mà một. Những lời lẽ mang hàm ý đe dọa đó trở nên mất sức sống trước một Nhã Thuyên được bao quanh bởi những người ủng hộ, những Hội đoàn độc lập đầy sức sống với tôn chỉ sự thật, đa chiều và phản biện. Chính yếu tố phản biện, các dòng thông tin trái chiều và những lớp trí thức dám dấn thân đã làm sôi nổi trở lại tư cách trí thức trước một lớp trí thức Đảng. Điều mà trước đây còn nhiều hạn chế.

Nó cho thấy nhu cầu đòi hỏi Đảng phải trả cho Trí thức không gian nghiên cứu (bao gồm nghĩ, nói, viết…) về lại chính nơi của nó. Để đảm bảo tính sáng tạo, tính lao động và tính thúc đẩy xã hội. Nó cũng cho thấy Đảng vẫn còn tồn tại những con người tuyên huấn, cố tình gây ra sự khủng hoảng thừa trong khoa học với tư tưởng, giữa sáng tạo với nhiệm vụ.

Và như thế, nó có sự tương đồng trở lại với thời điểm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Thấy lại một Trần Dần, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang sôi nổi đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình vốn bị Đảng “tịch thu” ngang nhiên. Nhưng lần này, trí thức Việt có lẽ đã chuẩn bị kỹ hơn cho một cuộc chiến, là chấp nhận sự dấn thân để bước ra khỏi đối tượng phục vụ của Đảng. Tuy nhiên, không có nhiều, sự sôi nổi đôi khi vẫn mang tính nhất thời, còn nhiều lắm những tri thức mà Boxitvn phải thừa nhận rằng: điều chua chát là cho đến nay trí thức – chúng tôi muốn nói chủ yếu đến lớp trí thức trong khuôn – vẫn là đàn cừu dễ chăn, bị đánh thì cũng chỉ biết chạy, vẫy đuôi và kêu be be [29].

“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”

Có thể thấy, thời điểm nào trí thức cũng gặp phải bi kịch, và hầu hết mà nói phần lớn là do trí thức mà nên. Đủ sự nhạy cảm nhưng lại dễ bị dắt mũi. Nó nguy hiểm khôn cùng khi bi kịch của trí thức chính là bi kịch của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà ta tìm thấy một Việt Nam cuối thế kỷ 19 – đầu 20 ở hiện tại về mặt chủ quyền, ngu trung, dân khí. Hay một cách hành xử với trí thức theo phong cách thập niên 60 của thế kỷ 20 ở thời điểm 201x, đó là muốn trí thức phải tự do trong khuôn Đảng. Nó một cách trắng ra, thì đó là sự tước bỏ quyền “nghiên cứu, phân tích, và chỉ trích các cuộc tranh luận cũng như các hoạt động công cộng, để gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội”. Hay nói đúng hơn, tước quyền được đứng về phái giá trị phổ quát của nhân loại.

Hiểu rõ cái bi kịch của người tri thức về mặt khách quan lẫn chủ quan để nhận ra rằng không ít những trí thức chấp nhận sự tước đoạt phi lý đó cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

Trở thành những con cừu kêu bebe…

Do vậy, muốn thoát khỏi bi kịch dân tộc thì đòi hỏi sự đấu tranh không ngừng của cá thể trí thức cho đến một tập thể trí thức, sự đấu tranh đó là sự tìm về của trách nhiệm và nghĩa vụ chân chính của một người trí thức. Để hiểu rằng, trí thức không phải là những cái máy ngày qua ngày nạp đi – nạp lại những kiến thức cũ như chuyện người thợ giữ một kiểu bào quanh năm suốt tháng, mà phải luôn luôn động. Động để hiểu quốc gia đang dịch đến đâu, thế giới xoay như thế nào. Để biết mình phải làm gì để giữ cái vị trí là lực lượng đi đầu trong mọi vấn đề của xã hội. Nhằm đảm bảo sự thúc đẩy xã hội trên các phương diện.

Động trong trí thức cũng chính là cách hành xử của một nhân cách độc lập, điều chỉ có ở “con người tự trọng”. Có tự trọng mới thành con người đáng giá để có sự quan hệ với người khác, với đất nước, với nhân loại. Nhưng muốn khẳng định được cái nhân cách đó thì bản thân người trí thức phải “được giải thoát khỏi tình trạng phụ thuộc… vào gia thế, vào họ, vào làng, khỏi mặc cảm vào ân huệ, để không phải sống chờ đợi, ỷ lại, tìm cách tự bảo vệ bằng dối trá, che đậy, hay tìm ô dù để nấp bóng.”[30]

Động trong tầng lớp trí thức cũng là để tránh phạm phải những khuyết điểm mà Việt Nam Quốc sử khảo (1908) từng nêu ra, đó là: hay nghi kỵ lẫn nhau; coi trọng những điều xa hoa vô ích, biết lợi cho mình chứ không biết hợp quần; tiếc của riêng mà không nghĩ đến lợi chung; biết thân mình mà không nghĩ đến việc nước.

Chỉ có như thế, trí thức mới có thể đủ tư cách định hình tương lai của dân tộc này. Tránh được cái họa biết trước nhưng lại bất lực kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến nay và để lại hệ lụy bi đát cho quốc gia, dân tộc.

Hệ lụy đó không những là hệ lụy của mất nước, mất chủ quyền, cũng những năm tháng tang tóc vì chiến tranh – loạn lạc mà còn là hệ lụy của một đất nước đang bán tài nguyên, buôn chất xám với giá rẻ mạt, chủ quyền bị xâm phạm trắng trợn, đời sống tinh thần thì trụy lạc, giả tạo với rượu bia/ ca hát; trong khi vật chất thì ô nhiễm; đời sống kinh tế thì ngày càng thua kém vài chục đến hơn thế kỷ với các quốc gia khu vực và trên thế giới…

Vậy nên, hãy quyết tâm đấu tranh với chính mình, cùng hợp quần lại để làm nên một “Tân Việt Nam” như Phan Bội Châu từng chỉ ra: “Dựng công lao lại cho núi sông mà bảo lấy tâm lực của một vài người làm để làm, quyết không thể nào làm được! Chi bằng hãy kết đoàn thể, liên tính tình, tập trung mưu kế, hợp tiền của, vứt bỏ hết lòng ghen ghét nhau, cùng nhau một đường sống chết.”[31]

Chỉ vậy thì mới mong kết thúc BI KỊCH TRI THỨC VIỆT – Mới mong giải được cái BI KỊCH DÂN TỘC đang có nguy cơ quay trở lại.

L.S

Nguồn: ijavn.org

Tài liệu tham khảo

[1]bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/Lists/GiaiNghia/View_Detail.aspx?TuKhoa=tr%C3%AD%20th%E1%BB%A9c&ChuyenNganh=0&DiaLy=0&ItemID=2036

[2]tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=5099&CategoryID=42

[3]vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/thien-ha-dai-the-luan

[4]tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c160/n2419/Ve-nhan-vat-Truong-Vinh-Ky-doi-dieu-tran-tro-moi-tren-mot-cong-trinh-bien-khao-cu.html

[5]ditichlichsuvanhoa.com/index.php?option=com_dttc&task=view&id=460

[6]vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=13703.45;wap2

[7]hobuivietnam.com.vn/index.php?nv=News&at=article&sid=315

[8]tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c116/n963/Vai-cam-nhan-gia-tri-minh-triet-cua-Dong-Kinh-Nghia-Thuc.html

[9]Phan Bội Châu niên biểu, Nxb Giáo dục, 2002

[10]huc.edu.vn/chi-tiet/872/.html

[11]vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1o_%C4%91%E1%BB%A9c_v%C3%A0_lu%C3%A2n_l%C3%BD_%C4%90%C3%B4ng_T%C3%A2y

[12] vietnamvanhien.net/PhanChuTrinh.html

[13]ytuongsangtao.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/phan_chau_trinh_hien_dai_mot_cach_la_lung/default.aspx

[14]phamquynh.wordpress.com/2012/08/17/

[15]btxvnt.org.vn/cms/?m=16&act=view&id=124

[16]123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/tulieuvedang/details.asp?topic=168&subtopic=463&leader_topic=981&id=BT581155508

[17]vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn0nnnmnmn31n343tq83a3q3m3237nvn#phandau

[18]bichkhe.org/home.php?cat_id=147&id=1113

[19]viet-studies.info/TDThao/TranDucThao_NoLucPhatTrienTuDoDanChu.htm

[20]123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/tulieuvedang/details.asp?topic=168&subtopic=463&leader_topic=981&id=BT2861157752

[21]viet-studies.info/NMTuong/NMTuong_HoiKy.htm

[22]hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&id=12885&tmpl=component&task=preview&lang=vi&site=0

[23]viet-studies.info/GiaoDucKhaiPhong_HoangDung.htm

[24]viet-studies.info/LuPhuong/LuPhuong_VietNamDoiMoi_1979_1986.htm

[25]bbc.co.uk/vietnamese/culture/2010/03/100320_huuloan_orbit.shtml

[26]Bên Thắng Cuộc, Huy Đức.

[27]viet-studies.info/NguyenKhai_DiTimCaiToiDaMat.htm

[28]gocnhinalan.com/bai-cua-khach/tr-thc-min-nam-sau-75.html

[29]lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=1170&Itemid=69

[30]boxitvn.blogspot.com/2014/08/nhan-ky-niem-101-nam-ngay-sinh-nguyen.html

[31]vieclam.laodong.com.vn/giao-duc/con-nguoi-tu-do-nhan-ai-la-dich-den-cua-giao-duc-nhan-cach-178323.bld

[32]procontra.asia/?p=2213

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn