MỘT VÀI CẢM NHẬN VÀ TRAO ĐỔI về chùm bài viết "NÓI THẬT CHO NHAU NGHE !" trên mạng boxitvn.net

Tuyết Sơn

Tôi đã gắn bó với boxitvn.net từ khi nó mới ra đời. Thú thật là tôi không thể đọc kỹ hết các bài trên đó, nhưng vẫn có thể nêu được nhận xét khái quát là: rất ấn tượng, vì tính trí tuệ và tâm huyết. Gần đây, tôi theo đọc sát chùm bài với tiêu đề ra mắt là "NÓI THẬT CHO NHAU NGHE !", đăng liên tiếp trên trang mạng này. Tôi cũng đã có ngay thiện cảm với các câu chuyện trong đó, vì trước hết chúng đều có được phẩm chất chung của trang mạng, như tôi đã nêu ở trên (trí tuệ và tâm huyết), thêm vào đó còn có thể là: rất thẳng thắn, trung thực, và mạnh dạn, đến mức dũng cảm nữa! Tôi nói như vậy có thể bị coi là khen quá lời, nhưng không phải thế đâu, vì phải nhìn vào vị trí xã hội của những người cầm bút này – họ chỉ là những phó thường dân – mà viết được như thế, dám viết như thế thì phải biểu dương chứ ! Mươi lăm hôm trước đây, mục chuyện "Nói thật cho nhau nghe " lại ra tiếp câu chuyện thứ 10 của nhóm, đứng tên tác giả Mạnh Trí : "Xã hội dân chủ, văn minh không chấp nhận mọi hình thức bưng bít thông tin !". Tôi đã đọc ngay và rất thích, nhưng cũng có một số nhận xét muốn trao đổi lại với tác giả. Thật may mắn cho tôi, nhờ một sự tình cờ mà tôi biết được và gặp được chính người chấp bút bài viết: bác Mạnh Trí. Tôi phải gọi là bác để sát đúng với độ chênh lệch tuổi giữa hai chúng tôi. Ấn tượng trước tiên về mặt hình thức của bác là bộ râu dài, bạc trắng, đầu hói, nom xa như một ông tiên. Qua thăm hỏi xã giao, thấy có thể tin nhau được, chúng tôi đã có buổi chuyện trò ngắn như sau:

- Bác ạ, tôi và bạn bè tôi rất thích đọc mục chuyện "NÓI THẬT CHO NHAU NGHE !" của các bác trên boxitvn.net

- Vì sao các anh lại thích những loại câu chuyện như thế ?

- Vì nó đúng quá, nó thật quá, nó hợp lòng người quá. Nhiều dân mạng chúng tôi đọc xong đã tâm sự với nhau là sao giống với suy nghĩ của bàn dân thiên hạ đến thế, dân ta cũng nghĩ như vậy mà không nói lên được, và cũng chưa dám viết như vậy !

- Thế các anh có góp ý gì cho chúng tôi không ?

- Có chứ bác, nhưng trước hết tôi xin được hỏi bác: Vì sao các bác viết báo mạng ? Trong các bài viết, các bác nói quá thẳng và quá thật, như thế là trái với "phép nước" do Đảng quy định đấy, các bác không sợ người ta ghép cho cái tội phản động à ?

- Thế anh hiểu thế nào là phản động ?

- Theo cách hiểu của chúng ta thì phản động là chống lại cách mạng (không phải là cách mạng XHCN đâu), tức là chống lại sự thay đổi tiến bộ, hay như cách nói hiện nay là chống lại đổi mới(theo cách hiểu phổ quát của thế giới) !

- Đúng là vậy, nhưng nhà cầm quyền lại ghép tất cả những người hay nói và viết (và đọc nữa) để tham gia phản biện xã hội, đấu tranh cho dân chủ, như chúng ta, cái tội gần như các điều khoản mà luật của họ quy định là chống Nhà nước, chống phá chế độ..., cốt nhằm ngăn cản, đe dọa, đàn áp, bắt bớ... dân yêu nước rất tùy tiện !

- Dân ai mà chả thấy tính bảo thủ, chủ thuyết độc quyền toàn trị, thói tham lam, vụ lợi, ... của lãnh đạo đất nước hiện nay là phản lại đổi mới, ngăn trở sự phát triển tiến bộ của đất nước, đó mới chính là phản động.

- Đúng ra là trong một xã hội dân chủ, văn minh thì dân phải có quyền được biết, được bàn, được nói, mà cụ thể hơn là phải được quyền đối thoại với Nhà nước một cách trực tiếp, công khai, dân chủ, về những việc đại sự của đất nước, những việc có liên quan đến lợi quyền của dân. Nhưng ở nước ta thì Nhà nước lại không thích và không dám đối thoại với dân đúng thật tâm và có thực chất. Bởi vậy dân phải tìm cách để được biết, được bàn, được nói với nhau và với lãnh đạo, dù chỉ là gián tiếp. Đó là phải sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có mạng internet, để viết và đọc các thông tin. Những việc làm đó là rất chính đáng, rất Con Người, nhằm phục vụ cho lợi ích bản thân mỗi người dân và lợi ích của cộng đồng, là những việc sáng ngời chính nghĩa, thì sao lại phải sợ, kể cả không được sợ trước bạo quyền đang đội lốt "nhân dân"! Mà việc trao đổi thông tin thì phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc trung thực và khoa học, tức là phải nói thật, nói thẳng, nói đúng.

- Cảm ơn bác đã trả lời thẳng thắn. Bây giờ tôi xin được trao đổi một vài ý kiến đối với bài viết gần đây (về chuyện bưng bít thông tin) của các bác. Những điều cần nói thì các bác đã nói rồi, trong đó có điều rất rõ và có điều còn ẩn ý, khó nhận ra ngay. Vì vậy tôi chỉ dám xin phép nhấn mạnh lại một vài điều mà theo nhận thức của tôi có thể là chưa thật rõ và chưa đủ mạnh. Bác cho phép chứ ạ ?

- Chúng ta đã thỏa thuận, xin anh cứ tự nhiên !

- Cần phải nói rõ: Mục đích của việc bưng bít thông tin là lừa dối dân để tiếp tục những đường lối, chủ trương mờ ám, sai lầm, thiệt hại đến lợi ích của dân của nước. Bản chất của việc làm này là xấu xa, bất minh, vì lợi ích riêng của Đảng, chứ không thể gọi là đàng hoàng, minh bạch, đúng phép nước, vì lợi ích chung của đất nước! Khi thực thi thủ đoạn này, giới chức cầm quyền đã phạm một ngộ nhận rất tai hại, cho cả chính họ: Họ tự tin là mình luôn ở thế "thượng phong" với dân, nên cứ việc độc quyền chi phối thông tin (nắm giữ, che giấu, nhào nặn, tung ra tí ti theo mục tiêu chính trị từng lúc...), dân không có quyền chống lại. Như thế là chính họ đã tự gây ra thêm sự đối đầu với dân, tự làm mất chỗ dựa ở nơi dân. Họ tự cho là mình làm đúng mà không thấy chính đó lại làm bộc lộ ra rất rõ điểm yếu rất cơ bản của họ làkhông có tính chính danh, chính nghĩa. Họ cố tình không nhìn lại các bài học lịch sử để thấychỉ khi ở thế bí, thế yếu mới phải che giấu sự thật, chỉ có kẻ xấu, chống lại lợi ích của dân, mới phải che giấu việc xấu đang làm, mới đang tâm lừa dối dân!

- Tôi rất đồng tình, anh nhấn mạnh thêm là rất tốt. Xin anh cứ tiếp tục !

- Cũng phải vạch trần một mánh lới của họ khi thực thi thủ đoạn bưng bít thông tin lâu nay với dân là cố tình làm lẫn lộn hai việc rất khác nhau: bưng bít sự thật dân có quyền biết và giữ bí mật quốc gia. Họ đã bóp méo khái niệm "bí mật quốc gia" để tự cho mình có quyền bưng bít mọi thông tin mà dân có quyền được biết. Chúng ta kiên quyết đòi hỏi luật pháp phải quy định rõ và phải công khai danh mục các loại thông tin được coi là bí mật quốc gia, và các loại thông tin mà dân có quyền được biết, đi cùng với hình thức thông tin cho dân (chẳng hạn những loại thông tin nào khi dân hỏi thì nhà chức trách phải trả lời, những loại thông tin nào chưa cần dân hỏi cũng phải công khai..., bằng đối thoại trực tiếp, đối thoại qua đại biểu của dân, trả lời bằng văn bản, trả lời trên báo chí...).

- Các anh có tin là họ sẽ không thay đổi, dù dân có góp ý, dân có đấu tranh đòi quyền được thông tin ?

- Xét bản chất của thể chế toàn trị hiện nay, bản chất Đảng cầm quyền đã và đang tha hóa, thì chúng ta có thể dự đoán là sẽ chưa có thay đổi. Trước mắt là như vậy, nhưng việc đấu tranh vẫn cứ phải làm, làm kiên trì, để từng bước giành lại quyền cơ bản đó của người dân, như ở mọi nước dân chủ, văn minh khác trên thế giới. Không được phép nản lòng! Trong cuộc đấu tranh lâu dài này, chúng ta cần phải biết tận dụng những điều khoản về quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp sửa đổi 2013 đã quy định (dù trong Hiến pháp đó còn nhiều điều phản tiến bộ). Lại cũng cần biết phát huy thế mạnh của công cụ internet trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Phải kiên quyết chống lại các thủ đoạn của giới cầm quyền nhằm ngăn chặn quyền tự do thông tin và tính đa dạng, đa chiều của các nguồn thông tin trên internet, với cái cớ là để bảo vệ an ninh văn hóa, an ninh chính trị !

- Tôi thấy hình như trong tờ giấy chuẩn bị của anh còn nhiều cái gạch đầu dòng, chắc là anh còn nhiều ý kiến cần trao đổi ?

- Vâng, đúng là còn nhiều ý khác nữa tôi muốn trao đổi với bác, nhưng cũng không cơ bản lắm, nên có thể trao đổi tiếp sau này, khi cần. Tôi thấy còn có vấn đề sau đây rất quan trọng, cần trao đổi ngay hôm nay với bác. Đó là một nhiệm vụ mới đặt ra cho chúng ta trên con đường đấu tranh cho dân chủ, xây dựng một xã hội dân sự: Đất nước ta nhất định phải làm một cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa, làm đích thực triệt để.

- Anh nói lại xem nào? Chúng ta phải làm một cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa nữa à ? Ngày trước chúng ta đã từng làm nó trong một tổ hợp có 3 cuộc cách mạng rồi kia mà ?

- Bác nhớ rất đúng, ngày ấy chúng tôi đã phải học làu làu những lý luận về 3 cuộc cách mạng mà. Nhưng rồi thì đã làm được gì đâu, kể cả từ sau đó, nhiệm kỳ nào cũng có định hướng về công tác tư tưởng – văn hóa, năm nào cũng có chương trình công tác tuyên giáo, rồi liên tiếp lại có các Nghị quyết TW 5 khóa VIII và Nghị quyết TW 9 khóa XI) về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc! Đúng là hiện tình đất nước buộc phải làm một cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa hoàn toàn khác, khác về chất, nếu không muốn đổ vỡ! Như mọi người đều đã thấy rõ, và đúng như các bài viết của các bác về văn hóa Việt. Một nền văn hóa đang bị tha hóa toàn diện, trong đó tư tưởng đang thực sự bế tắc. Các giá trị văn hóa cốt lõi đều bị biến dạng, nền tảng tư tưởng thì vay mượn, chắp vá, con người mới thì hư hỏng về mọi mặt, từ lý tưởng cho đến đạo đức và lối sống..., và biểu hiện rõ nhất, cao nhất là một sự khủng hoảng về chủ thuyết phát triển đất nước.

- Để đổi mới đất nước thì có rất nhiều việc phải làm kia mà, cớ sao anh lại chọn là cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa ?

- Theo nhận thức của tôi thì tất cả những bất cập nói trên đều sinh ra từ sự bế tắc, sự tha hóa về văn hóa! Bởi "mất văn hóa là mất tất cả", như các bác đã viết đấy sao! Nhưng đây là một việc lớn, rất lớn, của cả nước, của toàn dân, nên chi phải nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, để đã làm là thành công. Thú thật là tôi cũng chưa có suy nghĩ đầy đủ và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cuộc cách mạng đó (ý nghĩa, mục tiêu, cơ sở triết lý, nội dung, đối tượng, phương thức triển khai, lộ trình các bước...). Hôm nay tôi mới nêu vấn đề với các bác để chúng ta sẽ cùng mọi người có chung mối quan tâm tiếp tục suy nghĩ.

- Tôi thấy ý kiến vừa rồi của anh rất có chiều sâu, tôi xin chân thành tiếp nhận để cùng nhau nghiên cứu.

- Xin cảm ơn bác! Nhưng tôi cũng xin phép được nói thêm một điều nữa thôi, đó là những băn khoăn, lo ngại của tôi về sự ngoan cố, đeo bám dai dẳng của những thói xấu cũ thời toàn trị trong hoạt động tư tưởng và văn hóa, khi mà đất nước tiến hành cuộc cách mạng nói trên. Có cách gì để từng bước khắc phục, trước khi vào cuộc?

- Anh nói rõ hơn xem nào ?

- Đó là thói bưng bít thông tin, như các bác đã bàn, luôn đi kèm với kiểu giáo dục, tuyên truyền áp đặt, nhồi sọ. Chính "quỷ kế" này đã góp phần ngu dân hóa rất nhanh. Và hình như họ đã rất thành công? Chúng ta nhìn rõ là dân ta đang ngu dốt đi (trước sự dối lừa, lòe bịp của họ) mà chúng ta chưa làm gì được để chống lại! Mà không phải chỉ dân thường ít chữ nghĩa đâu, tôi thấy có không ít các vị trí thức, các quan chức trung cao cấp... cũng vẫn đang u mê ngụp lặn trong cái mớ luận điệu lừa dối đó. Họ luôn mồm nói về định hướng XHCN, về sự tất yếu của điều 4 Hiến pháp, về kẻ thù "diễn biến hòa bình”... rất không ngượng mồm!

- Không phải thế đâu anh bạn trẻ ạ, anh mới chỉ thấy được một phần, và không may lại là phần đen mờ nhất đấy! Chắc chắn những đối tượng mà anh gặp chỉ là những kẻ tôi đòi, đang hưởng lộc đậm của cái thể chế toàn trị này, chứ không thể là người dân lao động lương thiện trong đông đảo đồng bào ta. Cũng có thể có nhiều đối tượng khác a dua, ăn theo, nói leo... chỉ vì "miếng cơm manh áo", chứ thực bụng họ cũng như chúng ta thôi. Bởi lẽ thực tiễn bao giờ cũng là tấm gương soi của chân lý mà, họ và bà con ruột thịt của họ, quê hương làng xóm của họ cũng đang sống trong thực tiễn đó, chứ có được ở thiên đường đâu, mà vui sướng, mà phấn chấn, mà reo mừng, mà lạc quan!

- Về mặt tư tưởng, đối với đông đảo người dân thì có lẽ vẫn chưa thoát ra khỏi cái "ánh hào quang" của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, của sự sáng suốt, tài tình và công lao của ĐCSVN. Làm sao để giải phóng được tư tưởng cho dân, trả lại sự sòng phẳng về sự đúng – sai của thứ lý luận giáo điều, bảo thủ đó?

- Anh nói chỉ đúng một phần thôi, dân ta chưa hiểu được một cách thật sâu, thật chắc về chủ thuyết đó, chứ không phải chưa nhìn ra những hạn chế của nó trong thực tiễn. Bởi vậy khi vấp phải các mánh lới tuyên truyền quỉ quyệt thì rất dễ bị "ăn quả lừa". Chính xã hội dân sự sẽ làm được việc hóa giải kịp thời các điểm nút đó. Nhưng đó cũng là việc lâu dài, phải phấn đấu dần dần, không thể sốt ruột!

- Chúng ta chuyện trò với nhau đã hơi nhiều rồi, bác nhỉ? Tôi rất vui về buổi gặp gỡ đầu tiên này, và vui hơn là từ nay sẽ được tiếp xúc với "giới hiểu biết", để có thể "nâng cánh ước mơ" cho mình trên con đường dài đi tìm tự do, dân chủ, công bằng, văn minh ! Cảm ơn bác và cảm ơn trang mạng boxitvn rất nhiều!

- Xin chúc anh đạt được ước mơ đẹp !

Tháng 8 năm 2014

T.S

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn