Bất tuân dân sự và bất bạo động Cẩm nang biểu tình Hồng Kông

Nguyên tác Anh ngữ: Phong Trào OCLP

Chuyển ngữ: Hà Giang/Người Việt

LTS - Cuộc biểu tình tại Hồng Kông trong tuần vừa qua, kéo dài hơn một tuần, có khi lên đến cả trăm ngàn người tham dự, tạm kết thúc với dự định sẽ có cuộc đối thoại giữa người biểu tình và chính quyền. Ðiều khiến nhiều người trên toàn thế giới ngạc nhiên, và khâm phục, là không hề có bạo loạn xảy ra. Vài ngày trước khi bắt đầu biểu tình, giới lãnh đạo phong trào Occupy Central with Love and Peace (OCLP) cho phổ biến một “cẩm nang” ngắn, nêu lên tinh thần bất bạo động của cuộc biểu tình cùng các hướng dẫn căn bản trong trường hợp bị bắt. Tòa Soạn chuyển ngữ toàn bộ cẩm nang này để gởi đến độc giả.

Bất tuân dân sự

(1) Triết lý

1. Bất tuân dân sự là hành vi phản kháng sự bất công bằng cách từ chối tuân theo luật, nghị định hay mệnh lệnh. Bất tuân dân sự không sử dụng đến bạo lực. Thay vào đó, họ biết trước và chấp nhận những hậu quả pháp lý do sự phản kháng mang đến. Hành vi phản kháng vừa cho thấy cách hành xử văn minh, vừa tỏ thái độ bất tuân, không hợp tác với giới nắm quyền không công bằng, và ý chí mong muốn thay đổi xã hội bằng những cuộc đấu tranh liên tục. Bất bạo động không đồng nghĩa từ chối chống lại cái ác, mà là trực diện với cái ác bằng phương pháp bất bạo động.

2. Dùng bạo lực để chống bạo lực không chỉ làm tăng thêm sự sợ hãi, tạo lý do để nhà cầm quyền đàn áp, và củng cố địa vị của kẻ độc tài. Bất tuân dân sự là dùng thương yêu để thắng hận thù. Người tham gia sẽ phải đối mặt với đau khổ bằng một thái độ cao quý, để thu phục lương tâm của kẻ đàn áp, và giảm thiểu sự thù hận do hành vi tàn bạo gây ra. Quan trọng hơn cả, bất bạo động sẽ thu hút được sự cảm thương của người bàng quan (công luận), làm nổi bật sự thiếu chính nghĩa của việc đàn áp có hệ thống của tổ chức sử dụng bạo lực. Sự hy sinh của người đấu tranh là cách làm công chúng thức tỉnh.

3. Mục tiêu tối thượng của chiến dịch (Occupy Central - Chiếm Giữ Trung Tâm) là để thiết lập một xã hội trong đó mọi người bình đẳng, vị tha, thương yêu và quan tâm lẫn nhau. Chúng ta đấu tranh để chống lại hệ thống bất công, chứ không chống lại cá nhân. Chúng ta không tiêu diệt hay làm bẽ mặt nhân viên công lực; thay vào đó, chúng ta phải chiếm được sự tôn trọng và cảm thông của họ. Chúng ta không chỉ cần phải tránh dùng bạo lực để đối đầu, mà còn cần phải tránh để cho lòng thù hận nẩy mầm trong trái tim.

4. Ðể dành được sự cảm thông và ủng hộ của quần chúng, người tham gia chiến dịch Chiếm Giữ Trung Tâm phải tuyệt đối tuân theo nguyên tắc bất bạo động. Mọi người không được xô xát hay đấu khẩu với nhân viên thực thi pháp luật, và không được làm tổn hại đến tài sản công cộng. Khi đối mặt với bạo lực, bạn có thể tìm cách che thân, nhưng không được phép chống lại. Khi đối diện với bắt bớ, bạn có thể tạo thành một chuỗi người và nằm xuống đất để làm cho việc bắt bớ khó hơn, nhưng không được vùng vẫy mạnh. Người biểu tình cần có thái độ hòa nhã, duy lý với một tư cách cao đẹp. Họ cần phải liên tục tự nhắc nhở mình phải có tiêu chuẩn đạo đức cao hơn người ra tay đàn áp, để dành được sự ủng hộ của xã hội.

(2) Nguyên tắc biểu tình bất bạo động

1. Triệt để sử dụng phương pháp bất bạo động. Khi đối diện với nhân viên thi hành công lực và người phản đối cuộc biểu tình, không làm cho ai bị tổn thương, về tinh thần cũng như thân thể, hoặc làm tổn hại tài sản của bất cứ ai.

2. Dũng cảm đối diện với nhà chức trách và chấp nhận hậu quả của hành vi bất tuân dân sự của mình. Không dùng mặt nạ để che mặt.

3. Không mang theo vũ khí hay bất kỳ vật gì có thể dùng làm vũ khí.

4. Khi bị bắt, hãy tạo thành một chuỗi xích và nằm xuống đất để tỏ thái độ bất hợp tác. Không giẫy giụa mạnh để tránh bị thương tích.

5. Dũng cảm đối mặt bạo lực. Không tìm cách tấn công lại, mà di chuyển tới nơi an toàn và yêu cầu nhóm y tế và đồng đội giúp đỡ.

6. Ðể dễ dàng đưa tin cho đám đông, không ai, ngoại trừ người có nhiệm vụ, được cầm loa. Ðừng dựng cờ hay biểu ngữ lớn, tầm nhìn có thể bị hạn chế.

7. Lãnh đạo của cuộc biểu tình có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Hãy chuẩn bị sẵn sàng cho việc thay đổi lãnh đạo và duy trì trật tự cho đến phút cuối.

8. Tôn trọng các quyết định của tổ chức OCLP. Mọi bất đồng sẽ được xem xét sau khi cuộc biểu tình hoàn tất. Tránh các hành vi có thể làm gián đoạn cuộc biểu tình.

Những vấn đề pháp lý

(1) Hướng dẫn pháp lý

OCLP là một phong trào bất tuân dân sự bất bạo động với mục đích truyền cảm hứng cho người khác, cho họ nhìn thấy những điều bất công trong luật pháp hay hệ thống chính trị hiện thời, và khuyến khích mọi người tham gia hỗ trợ dẹp bỏ những bất công đó. Người dấn thân vào phong trào bất tuân dân sự thách thức những bất công này bằng cách thực hiện một số hành vi bất hợp pháp trong một khuôn khổ giới hạn, và tự nguyện chấp nhận hậu quả pháp lý của việc mình làm. Sự dấn thân này chứng minh quyết tâm của người dân Hồng Kông trong việc đòi quyền phổ thông đầu phiếu, bất chấp việc phải chịu đựng hậu quả pháp lý, và cũng để khuyến khích những người chưa dấn thân tham gia.

Mặc dù sẵn sàng chịu hậu quả pháp lý về hành vi bất tuân dân sự của mình, chúng ta cũng phải hiểu rõ luật lệ hiện hành, để bảo vệ quyền cá nhân cũng như tập thể, và để cẩn trọng trong mọi hành động ngõ hầu giảm thiểu những xung đột và hậu quả không cần thiết.

1.1 Những điều khoản công tố viên có thể dùng để kết tội người biểu tình:

1. Làm tắc nghẽn nơi công cộng: Ðiều 4A của Pháp Lệnh Vi Phạm Tóm Tắt, Cap. 228, Luật Hồng Kông.
2. Tụ tập không có giấy phép: Ðiều 17A của Pháp Lệnh Trật Tự Công Cộng, Cap. 245, Luật Hồng Kông.
3. Tụ tập trái phép: Ðiều 18 của Pháp Lệnh Trật Tự Công Cộng, Cap. 245, Luật Hồng Kông. [*]
4. Gây rối nơi công cộng: Ðiều 17B của Pháp Lệnh Trật Tự Công Cộng, Cap. 245 của Luật Hồng Kông. [*]
[*] Người tham gia sẽ không vi phạm luật này nếu họ duy trì đúng tinh thần đấu tranh bất bạo động mà OCLP đề ra.

1.1.1 Làm tắc nghẽn nơi công cộng

Theo điều 4A của Pháp Lệnh Vi Phạm Tóm Tắt , Cap. 228, Luật Hồng Kông: “Bất kỳ người không được ủy quyền hoặc có lý do hợp pháp, bày ra hoặc bỏ trên đường những đồ vật cản trở, gây phiền hà hoặc nguy hiểm, hoặc có thể cản trở, gây phiền hà hoặc gây nguy hiểm, cho bất kỳ người đi bộ hay xe đang lưu thông nơi công cộng, sẽ bị phạt $5,000 hoặc phạt tù 3 tháng.”
Trong trường hợp bị truy tố và kết án với tội danh này, sẽ bị ghi vào hồ sơ phạm tội. Hầu hết người vi phạm lần đầu tiên sẽ chỉ bị phạt tiền.

1.1.2 Tụ tập không có phép:

Ðiều 17A(3)(a) của Pháp Lệnh Trật Tự Công Cộng, Cap. 245, Luật Hồng Kông.

Ðiều 7 của Pháp Lệnh Trật Tự Công Cộng quy định rằng một cuộc họp mặt trên 50 người chỉ được phép khi đã nộp Thư Không Phản Ðối tới văn phòng cảnh sát trưởng, theo Ðiều 8 của Pháp Lệnh Trật Tự Công Cộng. Theo Ðiều 9 của Pháp Lệnh Trật Tự Công Cộng, Cảnh Sát Trưởng có quyền không cho phép tổ chức bất kỳ cuộc họp công cộng nào nằm trong danh sách được liệt kê ở Ðiều 8 với lý do an ninh quốc gia hay an toàn công cộng, trật tự công cộng hay bảo vệ quyền và tự do của người khác.

Theo Ðiều 17(3)(a) của Pháp Lệnh Về Trật Tự Công Cộng, Chương 245, Luật Hồng Kông, Occupy Central là một cuộc tụ tập trái phép và “những cá nhân nào, khi không có thẩm quyền hoặc lý do, cố tình tham gia hoặc tiếp tục tham gia, hay tổ chức hoặc tiếp tục tổ chức những hành vi tụ tập trái phép... là phạm tội và phải - (i) bị kết án bởi bồi thẩm đoàn, với mức án 5 năm tù giam; và (ii) bị kết án bởi chánh án mà không thông qua hội thẩm, mức phạt tiền cấp 2 và mức án 3 năm tù giam.”
Trong trường hợp bị truy tố và kết án với tội danh này, hồ sơ lý lịch của người biểu tình sẽ bị ảnh hương. Hầu hết người vi phạm lần đầu tiên sẽ chỉ bị phạt tiền, hoặc bị tù giam trong vài tuần, nhưng cũng có thể nhận án treo.

1.1.3 Tụ tập trái phép:

Theo Ðiều 18 của Pháp Lệnh Về Trật Tự Công Cộng, “Khi tụ tập từ 3 người trở lên, hoặc có những hành vi làm mất trật tự công cộng, đe dọa, lăng mạ hay khiêu khích người khác, với mục đính hoặc cố ý làm cho người khác sợ rằng họ sẽ phá vỡ an ninh trật tự, thì bị xem như tụ tập trái phép: - (a) bị kết án bởi bồi thẩm đoàn, với mức án 5 năm tù giam; và (b) bị kết án bởi chánh án mà không thông qua hội thẩm, mức án phạt phạt tiền cấp 2 và mức án 3 năm tù giam.”

Nếu người tham gia phong trào Occupy Central chỉ đứng hoặc ngồi trên lòng đường mà không làm gì cả, duy trì tinh thần bất bạo động, bình tĩnh và hòa nhã, thì nguy cơ vi phạm luật tụ tập trái phép rất nhỏ.

1.1.4 Gây rối nơi công cộng:

Ðiều 17B của Pháp Lệnh Về Trật Tự Công Cộng quy định rằng, “(1) Bất kỳ người nào tụ tập ở nơi công cộng, có hành động gây mất trật tự chung, với mục đích cản trở việc thực hiện mục đích của cuộc tụ tập công khai đó, hoặc kích động người khác có hành vi tương tự, sẽ bị buộc tội và bị truy tố với mức phạt tiền cấp 2 và với mức án 12 tháng tù giam” hoặc “(2) Bất kỳ người nào có những hành vi gây mất trật tự hay phá rối ở nơi công cộng, hay sử dụng, phân phát, trưng bày biểu ngữ có nội dung hăm dọa, sỉ nhục hay lăng mạ, với mục đích khiêu khích, gây rối an ninh trật tự, hoặc là vì những hành vi đó mà việc gây rối an ninh trật tự có thể xảy ra, sẽ bị buộc tội và sẽ bị truy tố với mức phạt tiền cấp 2 và với mức án 12 tháng tù giam.”

Tương tự trường hợp tụ tập trái phép, nếu người biểu tình duy trì tinh thần bất bạo động thì nguy cơ vi phạm luật tụ tập trái phép là rất nhỏ.

(2) Hướng dẫn cho người bị bắt

2.1 Trước khi tham gia

1. Chọn sẵn một người liên lạc trong trường hợp khẩn cấp, người này không tham gia vào cuộc tuần hành và cho người này biết tên họ của bạn (cả tiếng Anh và tiếng Trung Hoa) cùng số thẻ căn cước, để người này có thể liên lạc với OCLP và dàn xếp hỗ trợ pháp lý cho bạn, khi mất liên lạc với bạn hoặc khi biết tin bạn bị bắt.

2. Thảo sẵn một tin nhắn - “text message” (với đầy đủ tên tuổi của bạn, cả tiếng Anh và tiếng Trung Hoa) cùng số thẻ căn cước, để bạn có thể gửi gấp text message này đến đường dây nóng hỗ trợ của OCLP ngay khi bị bắt.

Chuẩn bị trước một bộ quần áo đơn giản và một áo khoác ấm.

3. Nếu có bệnh kinh niên, hoặc nhu cầu y tế đặc biệt, nên mang chứng nhận y tế theo người.
4. Khi bị bắt giữ, tất cả giấy tờ và đồ đạc cá nhân của bạn sẽ bị cảnh sát cầm giữ, do đó đừng mang theo người những dữ kiện riêng tư không cần thiết.

5. Ðiện thoại mang theo người không nên chứa những dữ kiện nhạy cảm về cuộc biểu tình hay các dữ kiện cá nhân quan trọng.

2.2 Khi bị bắt giữ

Trước khi bắt một ai đó, trước hết, cảnh sát sẽ thông báo cuộc tụ tập hay tuần hành là trái phép, tuyên đọc những điều khoản liên quan trong Pháp Lệnh Trật Tự Công Cộng, và kêu gọi người tham gia biểu tình giải tán, nếu không sẽ phải đối mặt với hành động tiếp theo của cảnh sát.

Nếu người biểu tình không chịu giải tán, cảnh sát sẽ đọc lời cảnh báo cuối cùng, tuyên bố cuộc biểu tình là trái phép, và tuyên bố họ sẽ thực thi pháp luật. Cảnh sát sẽ bao vây đoàn người biểu tình, và có thể sẽ không cho phép ai được rời khỏi khu vực trước khi họ giải tán đám đông.

Khi cảnh sát bắt đầu giải tỏa khu vực, nếu cuộc biểu tình không có xung đột hay bạo lực, thì cảnh sát chỉ được quyền sử dụng vũ lực tối thiểu để giải tán người biểu tình.

Trước khi bắt người biểu tình, cảnh sát sẽ hỏi xem họ có tự nguyện lên xe cảnh sát không. Nếu người biểu tình tự nguyện lên xe, cảnh sát sẽ không sử dụng vũ lực; nếu người biểu tình cố gắng nằm lại, cảnh sát sẽ bắt người này bằng một nhóm 4 người nắm 2 chân và 2 tay của người biểu tình. Trong khi khiêng người biểu tình, dù người đó có chống lại hay không, cảnh sát vẫn sẽ khóa tay họ bằng cách bẻ hoặc xoắn cổ tay. Vào lúc này, người biểu tình nên thả lỏng cơ thể để tránh bị thương tích và không cho cảnh sát có lý do chính đáng để sử dụng vũ lực mạnh hơn. Trên đường ra xe cảnh sát, tổ chức OCLP sẽ có những người tình nguyện đứng ngay hiện trường để thu nhận tên của người bị bắt giữ (nếu họ không bị ngăn cản bởi cảnh sát). Hãy làm theo yêu cầu của những người tình nguyện này và nói to tên tuổi của mình, để họ có thể giúp dàn xếp việc hỗ trợ pháp lý.

Khi đã bị bắt lên xe cảnh sát, tùy theo tình thế, cảnh sát có thể bắt đầu tiến trình lập danh sách người bị bắt. Bạn có thể hỏi cảnh sát xem họ đang chuyển mình đến bót nào.

Khi đến bót cảnh sát hoặc trung tâm tạm giam, cảnh sát sẽ bắt đầu chia người biểu tình thành từng nhóm để lập danh sách, ghi tên tuổi, chiều cao, nghề nghiệp, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của từng người. Cảnh sát sẽ cho biết lý do tại sao bạn bị bắt giữ, để người bị bắt biết sự vi phạm mà mình bị truy tố trong tương lai. Cảnh sát sẽ hỏi bạn có cần liên lạc với người thân hay không, và bạn tùy ý chọn có muốn liên lạc hay không.

Trong lúc ghi danh, cảnh sát sẽ cung cấp túi ny-lon để người bị bắt bỏ tài liệu và đồ dùng cá nhân vào. Sau khi được niêm phong, người bị bắt có thể mang túi ny-lon theo mình, và các túi này sẽ không được mở ra nếu không có sự đồng ý của người bị bắt, và lời tuyên bố của cảnh sát khi họ được trả tự do. Túi ny-lon này tuyệt đối không được mở ra trước khi người bị bắt được thả. Người bị bắt có thể xin nhiều túi ny-lon và bỏ từng phần của dụng cụ (ví dụ điện thoại, pin và SIM card) vào nhiều túi ny-lon khác nhau.

Sau khi ghi danh và niêm phong túi ny-lon, cảnh sát sẽ đưa người bị bắt vào phòng chụp hình. Nếu có quá nhiều người bị bắt cùng một lúc, cảnh sát có thể đơn giản hóa thủ tục bằng cách chụp hình ngay trong lúc ghi danh. Sau đó cảnh sát sẽ lấy khẩu cung và cho phép người bị bắt gặp luật sư. Người bị bắt có quyền yêu cầu được lấy khẩu cung trước mặt luật sư của mình. Nếu có quá nhiều người bị bắt cùng một lúc, cảnh sát có thể không lấy khẩu cung ngay, nhưng sẽ phải sắp xếp để người bị bắt gặp mặt luật sư.

Thủ tục bắt giữ đến đây là kết thúc. Trong trường hợp người bị bắt chỉ bị cảnh cáo (thường xảy ra nếu bạn chỉ là người tham gia biểu tình) và không phải đóng tiền thế chân, cảnh sát sẽ thả người bị bắt ra sớm nhất có thể. Nếu cảnh sát bắt phải đóng tiền thế chân, (thường xảy ra với thành viên tổ chức), người bị bắt có thể chọn đóng tiền thế chân hay ở lại bót cảnh sát trong 48 tiếng. Người bị bắt có quyền được đóng tiền thế chân, hay được đưa ra tòa trong thời gian sớm nhất. Dù trong trường hợp nào, người bị bắt không thể bị giam quá 48 tiếng, nếu không có lệnh của tòa án.

Nếu người bị bắt muốn nộp tiền thế chân, cảnh sát phải thả anh ta ra ngay sau khi đóng tiền, nhưng sau khi được thả, anh ta cần phải trình diện ở bót cảnh sát thường xuyên theo điều kiện do cảnh sát đặt ra. Không có một quy tắc nhất định cho số lần và thời gian trình diện, cảnh sát có quyền truy tố người bị bắt.

Nếu người bị bắt muốn ở lại bót cảnh sát trong 48 tiếng, cảnh sát sẽ phải quyết định có truy tố hay không, và đưa họ ra tòa ngay lập tức. Nếu cảnh sát quyết định thả người ngay, cảnh sát vẫn sẽ giữ quyền truy tố, nhưng người bị bắt không cần phải trình diện thường xuyên và cũng không phải trả tiền tại ngoại.

Từ lúc bắt đầu bị cảnh sát bắt giữ, tất cả những quyền của người bị bắt sẽ được áp dụng (xem chương kế tiếp: sau khi bị bắt giữ). Khi đến bót cảnh sát, người bị bắt có thể yêu cầu đi phòng vệ sinh và có thể yêu cầu cảnh sát cung cấp thức ăn.

2.3 Sau khi bị bắt giữ

Trong khi bị bắt giữ, hãy cố gắng nhớ số ID của viên chức bắt giữ mình, lý do bị bắt và tội danh.

Bạn chỉ cần cung cấp cho cảnh sát số điện thoại, địa chỉ, và số thẻ căn cước của mình.

Sau khi bạn bị bắt, mọi điều bạn nói đều có thể được dùng làm bằng chứng để truy tố bạn sau này, ngay cả khi bạn nói chuyện ngoài khuôn khổ cuộc thẩm vấn chính thức (ví dụ trong xe cảnh sát, hoặc khi đang đợi ở bót cảnh sát v.v...)

Khi bị lấy khẩu cung, bạn không bắt buộc phải nói gì, và bạn có thể nói “tôi không có gì để nói” để trả lời các câu hỏi của cảnh sát.

Bạn có thể yêu cầu được liên lạc với thế giới bên ngoài, và trong trường hợp bạn liên lạc được với số liên lạc khẩn cấp (đã chuẩn bị sẵn) thì hãy cho người này biết bót cảnh sát đang giam giữ bạn, và tội danh, cũng như yêu cầu được hỗ trợ pháp lý.

Bạn có thể yêu cầu cảnh sát cung cấp cho bạn một danh sách luật sư.

Cảnh sát có thể đòi khám xét cơ thể bạn, nhưng nếu không có lý do chính đáng, cảnh sát không có quyền đòi bạn cởi bỏ quần áo để khám.

Bạn có thể yêu cầu được nghỉ ngơi và yêu cầu cảnh sát cung cấp thức ăn.

Bạn có thể yêu cầu được gặp bác sĩ, theo dõi tình trạng sức khỏe, và yêu cầu bất kỳ trợ giúp y tế nào cần thiết.

Bạn sẽ được nhận một thông báo dành cho những người bị bắt giữ, và dựa vào đó bạn có thể biết rõ quyền của người bị bắt giữ.

Người bị bắt có quyền được đóng tiền thế chân và đưa ra tòa trong thời gian sớm nhất. Trong mọi trường hợp, người bị bắt không thể bị tạm giam quá 48 tiếng nếu không có sự chấp thuận của tòa án.

2.4 Hướng dẫn về việc lấy khẩu cung

Nếu bạn bằng lòng để cảnh sát lấy khẩu cung, thì lời khuyên của chúng tôi dành cho bạn là hãy đợi đến khi có luật sư đến để tham gia cùng với bạn. Một người bị bắt có quyền từ chối cung cấp thông tin cho cảnh sát cho đến khi luật sư của mình đến nơi.

Bạn không cần phải trả lời bất kỳ câu hỏi nào, trừ khi bạn tự nguyện trả lời. Cảnh sát sẽ ghi lại lời khai của bạn để giữ làm bằng chứng. Nếu thấy có điều gì sai sót hay thiếu hụt, hoặc những điều không có cơ sơ, bạn phải lập tức yêu cầu cảnh sát sửa đổi lời khai - nếu không, bạn có quyền từ chối ký vào bản cung khai.

Cảnh sát không được đe dọa người bị bắt để ép cung.

Người bị bắt có quyền ngừng trả lời thẩm vấn nếu thấy người không được khỏe.

–––-

Trang phục và đồ dùng cần thiết (cho cuộc bất tuân dân sự)

1. Những thứ cần thiết

- Thức ăn cho những bữa ăn nhẹ, nhưng thường xuyên, để dễ tiêu hóa và bảo tồn năng lượng. Mang đủ thức ăn cho 2-3 ngày. Ban tổ chức sẽ cung cấp thêm thức ăn.

- Nước uống

- Thức ăn khô, như bánh quy, trái cây khô, các energy bars...

- Thức uống có chất điện giải (electrolytes drink)

- Thẻ y tế (với chi tiết về bệnh kinh niên, nếu có, và địa chỉ liên lạc khẩn cấp)

[*] Những người có bệnh kinh niên được cố vấn là không tham gia các cuộc biểu tình dài ngoài trời.

2. Chăm sóc sức khỏe

- Hành trang gọn nhẹ và an toàn

- Mang áo ấm và áo chống gió, 1 bộ quần áo để thay đổi

- Mang giầy thể thao cho dễ di chuyển

- Mang goggles để bảo vệ mắt, và tránh đeo kính áp tròng

- Mang dù và áo mưa

- Nước rửa, băng sát trùng, khăn tắm lớn, chai nhựa rỗng lớn (cho nam giới)

3. Công cụ

- Ban tổ chức sẽ cung cấp cẩm nang và bảng hướng dẫn tại chỗ

- Giấy và bút (để ghi lại những điều quan trọng)

- Ðiện thoại di động (để gửi text message), pin dự phòng, đồ xạc, túi chống nước

- Tiền mặt (để đi taxi về nhà buổi tối)

- Túi ngủ (không nên mang theo lều), ghế du lịch

- Ba lô lớn và các túi nhỏ

Nguồn: nguoi-viet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn