Một vài nhận xét về Tập Cận Bình

Đoàn Hưng Quốc

Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo tài giỏi. Nhận xét này không phải nhằm ca tụng họ Tập nhưng chính vì lo cho Việt Nam: lịch sử cho thấy đất nước sẽ gặp nhiều nguy hiểm khi Trung Hoa có vị hoàng đế hùng tâm thao lược trong khi Việt Nam đã hội đủ những yếu tố mà nhà bác học Lê Quý Đôn hơn 200 năm trước đã cảnh báo "Có năm nguy cơ mất nước nếu không ngăn chặn được, đó là: Trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt".

Về đối nội nay không ai còn nghi ngờ quyết tâm làm đến nơi đến chốn của họ Tập, đả hổ diệt ruồi thanh toán cả những đối thủ nguy hiểm nhất trên thượng tầng quyền lực như Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai.

Đa số mọi người nhận xét Tập Cận Bình dùng chiêu bài chống tham nhũng để triệt hạ các phe phái thù địch trong chính trường. Cho dù ý kiến nói trên đúng hay sai nhưng vẫn chưa ai rõ ý đồ của họ Tập nên còn là đồn đoán. Bù lại ai cũng thấy rõ nhà cầm quyền Bắc Kinh hiện phải đối đầu với hai vấn nạn nghiêm trọng cho tương lai của đảng cộng sản và đất nước Trung Hoa: tệ nạn tham nhũng và nhu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế từ xuất cảng sang tiêu thụ nội địa. Hai việc này lại liên hệ chặc chẽ với nhau do thay đổi mô hình kinh tế tức đụng chạm đến quyền lợi của các nhóm lợi ích, cho nên họ Tập phải tập trung quyền lực trong tiến trình chuyển đổi. Khuyết điểm của Tập Cận Bình chính nơi tư duy không thoát khỏi khuôn khổ duy trì và củng cố cho chế độ Cộng Sản nên không ai nghĩ rằng sau này họ Tập sẽ nới lỏng quyền lực nhằm mở rộng dân chủ. Trái lại Bắc Kinh đang bóp nghẹt tiếng nói đối lập, khuấy động tinh thần dân tộc bài ngoại, tuyên truyền cổ vũ tính độc tôn của đảng cộng sản, xét xử tham nhũng theo lề lối thanh trừng trong đảng thay vì một cách công khai - tất cả các điều này chính là mầm mống cho toàn trị và tôn sùng lãnh tụ trong tương lai. Dù sao dư luận hiện nay cũng công nhận rằng họ Tập dám nói dám làm. So với Việt Nam cũng đối đầu với hai hiểm hoạ tham nhũng và mất chủ quyền đất nước thì giới cầm quyền chỉ biết dấu mặt đấm đá tranh giành quyền lợi mà không đưa ra được chính sách lớn nào cho quốc gia.

Trong đối ngoại họ Tập không công khai thách đố Hoa Kỳ mà cũng không loại bỏ chủ trương “vùi ánh đèn trong đống trấu” của Đặng Tiểu Bình. Trái lại chính sách của họ Tập thực tiễn (realism) và trục lợi (mercantilism): nơi nào có quyền lợi trực tiếp về địa chính trị như ở biển Đông thì phô trương thanh thế hù dọa, còn tại những khu vực sôi động như Trung Đông, Afghanistan, Bắc Phi, Nam Âu thì nép mình né tránh để Mỹ chủ động và tiêu hao lực lượng, trong khi Bắc Kinh giữ im lặng thu về mối lợi kinh tế như khai thác tài nguyên và bán ti-vi tủ lạnh cho Iraq và Afghanistan.

Tập Cận Bình không cường mãnh thô bạo như Putin công khai gây hấn với Tây Phương nên thủ lợi trong mọi hoàn cảnh: nước Nga bị cô lập thì ký hợp đồng khí đốt khổng lồ nhưng ép giá cực rẻ, còn giá dầu thô xuống thấp thì Nga bị thiệt hại về kinh tế phải trông chờ vào khối BRIC – mà chủ yếu là Trung Quốc – cứu vớt trong khi Hoa Lục vẫn có lợi khi nhập cảng nhiên liệu giá rẻ để giúp nền kinh tế đang chậm lại.

Tại Biển Đông họ Tập theo chính sách cây gậy và củ cà-rốt. Một mặt Trung Quốc phô trương hù dọa bằng sức mạnh quân sự, nhưng mặt khác vẫn thúc đẩy mậu dịch và đầu tư vào các nước láng giềng nhằm siết chặt gọng kìm kinh tế. Tâm lý các nước Á Châu lo ngại rằng Trung Quốc đang lên trong khi Hoa Kỳ mất dần vị thế hàng đầu nên không ai muốn cá cược với con ngựa về nhì, do đó họ Tập chờ đợi các nước Á Châu mòn mỏi tự đi đến kết luận rằng mọi thái độ phản kháng đều vô vọng - “resistance is futile” trong phim Star Trek, và rồi “bất chiến tự nhiên thành” không nổ tiếng súng mà vẫn thống lĩnh khu vực. Qua chính sách đối nội – đối ngoại, kinh tế - quân sự như đã nêu thì người viết sẽ không ngạc nhiên nếu họ Tập ra tay chiếm cứ biển Đông trong thời gian tại vị.

Hùng tâm của họ Tập là trở thành nhân vật thứ ba trong lịch sử Trung Quốc hiện đại: Mao Trạch Đông thống nhất Hoa Lục; Đặng Tiểu Bình canh tân quốc gia; Tập Cận Bình thực hiện giấc mộng Trung Hoa để đất nước giàu có, ổn định và thành cường quốc đứng đầu trên thế giới. Nhiều người mong thấy họ Tập thất bại, nhưng người viết viện dẫn câu nói của người Mỹ thêm một lần nữa rằng “hope for the best, prepare for the worst” dù mong mỏi chuyện không xảy ra nhưng vẫn phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất: người Việt không thể bi quan hay lạc quan mà phải nhìn vào thực tế trên để tìm ra câu trả lời: Thay đổi làm sao để tồn tại bên cạnh người láng giềng khổng lồ mà vẫn giữ vững chủ quyền lãnh thổ?

Đ.H.Q.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn