Hội Nhà văn Việt Nam phục vụ cho ai?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-05-09

Đại hội VIII Hội Nhà văn Việt Nam

Những bất cập của Hội Nhà văn Việt Nam một lần nữa cho thấy sự tùy tiện, gia trưởng và phe nhóm trong tổ chức này qua việc gạch tên 9 thành viên của họ với lý do đã tham dự vào một tổ chức khác là Văn đoàn Độc lập mà Hội Nhà văn và cho rằng tổ chức này có biểu hiện vi phạm pháp luật.

“Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”

Trên nguyên tắc Hội Nhà văn Việt Nam không khác gì những tổ chức xã hội dân sự khác, trong đó bao gồm Văn đoàn Độc lập, thế nhưng do được nhà nước cung cấp kinh phí nên nó nghiễm nhiên trở thành một cơ quan chính phủ, vì vậy gọi nó là quốc doanh cũng không thể nói là không chính xác. Cương lĩnh của Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định “đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng” cho nên cũng không thể nói nó là một tổ chức Xã hội dân sự và lại càng không thể nghĩ rằng nó sẽ bảo vệ quyền lợi của hội viên hơn quyền lợi của Đảng.

Kinh phí mà nhà nước rót cho Hội Nhà văn Việt Nam được Ban chấp hành hội toàn quyền phân phối trong đó không ít tiền dùng vào việc lôi kéo người vào phe nhóm của mình qua các sinh hoạt thường niên như trại viết văn hay đi thực tế để sáng tác. Bên cạnh đó là các chương trình hoành tráng cố tạo hình ảnh một tổ chức có những nhà văn điển hình nhưng nếu nhìn thật kỹ thì mọi vở kịch mà Hội Nhà văn Việt Nam dàn dựng đều thiếu hẳn vai chính, tức là tác phẩm nổi bật, vì vậy sân khấu này chỉ diễn cho hội viên của nó xem và điều đáng buồn là những hội viên có tâm, có tài năng sáng tác hầu như quay lưng lại với những cuộc vui được thể hiện dưới tay tổng đạo diễn là nhà văn Hữu Thỉnh.

Không ít hội viên tự trọng đã hoặc âm thầm hoặc công khai từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam vì họ thấy tấm thẻ hội viên đã mất ý nghĩa và bị xã hội chỉ trích. Đồng tiền đóng thuế của dân bị lạm dụng nhưng kết quả mà Hội mang lại cho đời, cho cộng đồng là một con số không tròn trĩnh.

Hơn mười năm trước, nhà thơ Ý Nhi đã chính thức gửi đơn rút tên ra khỏi hội cho thấy sự lạm quyền, phe phái, lệ thuộc vào nhà nước cùng những hành vi không đáng có của người cầm bút đã vượt giới hạn của sự chịu đựng. Nhà thơ Ý Nhi chia sẻ việc rút tên ra khỏi hội của bà:

“Vâng, việc này nó đã xảy ra từ năm 2002. Có những vấn đề của Hội nhà văn mà mười mấy năm nay mình chưa cập nhật và cũng chưa nhận thức hết. Như tôi nói trong đơn lúc bấy giờ là tôi bất tín nhiệm Tổng thư ký, tôi cảm thấy anh Hữu Thỉnh là người không trung thực cho nên chữ tôi dùng “Biến hình trùng” (*) là cái chữ chính xác của một nhà thơ Hà Nội nói về anh là đúng, tức là người nay nói tròn mai nói méo, mốt nói dài làm mình có cảm giác một người như thế mà lãnh đạo một cái hội mà mình tham gia thì tôi thấy nó xúc phạm tới cá nhân mình.

Nói chung nhà văn làm việc người ta hoàn toàn độc lập chẳng có cái hội nào có thề giúp cho nhà văn viết hay hoặc là một nhà văn bất tài trở thành có tài, điều đó là không có. Tuy nhiên nó rất cần tính chất tương trợ giữa những nhà văn với nhau nhưng rất tiếc tôi chẳng thấy họ hỗ trợ gì được cho mình hết, tất cả mọi việc mình làm. Có một cái dở là không bảo vệ nhau. Ví dụ như có một nhà văn nào có vấn đề gì đấy ở đâu đấy thì Hội nhà văn chả bao giờ bảo vệ người ta cả, thậm chí còn làm những việc tệ hơn, khai trừ người ta chẳng hạn. Tôi không nhớ rõ những trường hợp cụ thể đâu nhưng mà có những điều như thế. Tôi nghĩ cái hội đó nó tồn tại đối với tôi nó không cần thiết. Tôi không cần họ”.

clip_image002

Cuộc gặp gỡ của nhóm Văn đoàn Độc lập Việt Nam tại Sài Gòn hồi tháng 1 năm 2014.

Mặc dù đã rút tên từ 13 năm về trước nhưng nhà thơ Ý Nhi vẫn bị gạch tên chung với 8 nhà văn nhà thơ khác đó là Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Ý Nhi, Hiền Phương, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Thân, và Phạm Đình Trọng.

Chưa kể việc Hội Nhà văn Việt Nam có thể bị Văn đoàn Độc lập kiện ra tòa vì tội đã cáo buộc tổ chức này phạm pháp, ngay cả việc gạch tên những hội viên của nó đã là một biểu hiện vi phạm pháp luật khi trong điều lệ của hội không có khoản nào chế tài hội viên nếu họ tham gia vào một tổ chức khác song song với nó.

Thái độ ngồi trên pháp luật này ngay lập tức bị một hội viên của hội là nhà văn Võ Thị Hảo phản ứng bằng cách rút tên ra hỏi hội ngay ngày hôm sau để chứng tỏ rằng sự chính danh của Hội Nhà văn Việt Nam đang bị hoen ố vì hành vi áp đặt độc đoán đối với hội viên. Nhà văn Võ Thị Hảo nói với chúng tôi:

“Thật ra từ lâu tôi đã không sinh hoạt trong Hội Nhà văn Việt Nam rồi nhiều khi tôi đã muốn xin ra khỏi hội nhà văn nhưng cũng ngại vì không muốn ồn ào, thế nhưng vừa rồi là giọt nước làm tràn cốc nước, tôi thấy mình không thể nào ở lại cái hội này nữa và tôi từ bỏ, từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi thấy việc mới đây Hội Nhà văn Việt Nam đã từ chối vai trò của các anh chị đó, họ là những nhà văn có nhân cách và có tài, nhưng điều đó tôi không ngạc nhiên bởi vì nó bộc lộ đúng bản chất của Hội Nhà văn Việt Nam không quan tâm đến nhân cách, tài năng của các nhà văn họ chỉ quan tâm làm sao làm vui lòng nhà cầm quyền mà thôi bởi vậy nên họ chối bỏ những hội viên có tài. Hội nhà văn này nó đã đi theo cái quyền lợi của một nhóm người họ muốn có chỗ ngồi trong Hội Nhà văn, họ muốn làm vui lòng nhà cầm quyền để họ được ở lại cho nhiệm kỳ sau”.

Vui mừng“được” gạch tên

Hai nhà thơ “được” gạch tên trong danh sách là Nguyễn Duy và Đỗ Trung Quân vui mừng thấy rõ. Cảm giác của cả hai là trút được sự bực mình, lòng tự trọng bị xâm hại và nhất là có ai đó gỡ giúp tấm bảng tên của Hội nay đã lấm lem trên lưng áo của mình. Nhà thơ Đỗ Trung Quân cho biết:

“Khi tôi nhận được tin này tôi vui tới nỗi thông tin nó ngay tại chỗ. Cái niềm vui này thật ra nó không phải là sự thách thức ai cả. Dù gì đi nữa tôi nghĩ Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà văn thành phố ít nhất có một thái độ rõ ràng, không mập mờ như lâu nay có nghĩa rằng đã không lên tiếng về bất cứ trường hợp nào của tôi. Tuy nhiên tôi xin đính chính một điều: nhà văn Hữu Thỉnh chủ tịch hội có nói là lâu nay không đụng đến vì anh thuyết phục được ba người tôi không nhớ ba nhân vật đó là ai nhưng tôi chưa bao giờ được anh thuyết phục, chưa có một cuộc gọi nào mà toàn bộ là do an ninh phụ trách văn hóa họ nhắc nhở. Tôi có trả lời là chuyện rút khỏi Văn đoàn Độc lập hay không là quyền của tôi do đó tôi không đồng ý bất cứ một sự hăm dọa nào.

Hội Nhà văn Việt Nam hoàn toàn không hề có thông tin về hội viên của mình. Sau khi Văn đoàn Độc lập thành lập chỉ vài tháng sau trên blog Quê Choa khi đó vẫn còn nhà văn Nguyễn Quang Lập chính thức nói rằng anh không tham gia nên chuyện gạch tên anh Nguyễn Quang Lập vì tham gia Văn đoàn Độc lập thì điều đó sai, cho thấy họ không hề có thông tin gì về nhà văn của mình cả”.

Nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ suy nghĩ của ông:

“Chuyện đó nó xảy ra tôi nghĩ cũng bình thường thôi bởi vì đối với anh em bọn tôi mình làm cái công việc của mình là viết văn thôi chứ còn thực ra cũng không có quan tâm đến cái chuyện phe này phái nọ. Họ làm việc đó thì cái dở thuộc về họ thôi, nó thiếu sự tôn trọng nghề nghiệp, làm cái kiểu chính trị hóa văn chương như vậy chả ra làm sao cả, rất là tầm thường.

Ông Hữu Thỉnh có lẽ là người đang chịu búa rìu dư luận nhiều nhất vì  đại diện cho Hội Nhà văn Việt Nam trong vai trò Chủ tịch. Thật ra không phải đến bây giờ dư luận mới chú ý đến ông mà cung cách làm việc của ông đã làm cho người cầm bút ngạc nhiên từ rất lâu vể trước. Họ ngạc nhiên vì ông đã tận tâm với Hội như là căn nhà riêng của mình nhưng ông lại âm thầm tạo một hàng rào vững chãi chống lại mọi giá trị mà một nhà văn phải có.

Từ nhà văn Võ Thị Hảo cho đến nhà thơ Ý Nhi, cùng có chung lý do để họ rời bỏ Hội vì nhân thân và tư cách của ông Hữu Thỉnh. Từ nhà thơ Nguyễn Duy cho tới nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo đều có cái nhìn tiêu cực về nhà văn này qua trách nhiệm mà ông đang nắm giữ. Hầu như ai từng vào Hội Nhà văn Việt Nam cũng đều có cảm giác nhà văn Hữu Thỉnh là một cán bộ văn hóa, đại diện cho nhà nước để lái tất cả người trong Hội vào một mục đích chung: Tận tâm phục vụ cho đảng thay vì cho con người, cho xã hội hay đất nước thông qua ngòi viết.

Nhận xét về điều này nhà văn Võ Thị Hảo chia sẻ:

“Hội Nhà văn Việt Nam thực chất là một hội mang tính chất chính trị hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề tự do sáng tác. Những vấn đề như nỗi đau của người dân thì họ luôn né tránh. Những nhà văn bị xúc phạm, bị oan ức như những người trong Nhân văn giai phẩm, những nhà văn bị tịch thu tác phẩm thì họ luôn né tránh không quan tâm đến. Chẳng hạn như nhà văn Bùi Ngọc Tấn ông mất đi mà vẫn chịu hàm oan và ông đã nhiều lần bảo Hội Nhà văn Việt Nam cần phải có một tiếng nói cần phải có cuộc hội thảo nhận định vể cuốn “Chuyện kể năm 2000”, làm rõ những oan ức của ông ấy, bị bắt đi tù như vậy nhưng Hội Nhà văn Việt Nam không làm.

Tôi thấy Hội Nhà văn Việt Nam càng ngày càng tỏ rõ cái tính nô lệ cho độc tài cộng sản mà thôi còn tính chất thuộc nghề nghiệp thì họ không quan tâm tới và vì thế tôi thấy càng ở trong Hội Nhà văn Việt Nam thì cảm thấy mình đã ủng hộ một cái hội như vậy mình cảm thấy không hài lòng với chính mình”.

Lý giải về việc vẫn còn rất nhiều cây viết trẻ rất háo hức khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo cho biết:

“Các anh em trẻ thì họ vẫn hăng hái vào bởi vì nghe cái tên Hội Nhà văn Việt Nam thì nó có vẻ oai lắm, nhưng thực ra cái hội này là hội quốc doanh chứ không phải hội nhà văn. Nhà nước bỏ tiền ra tổ chức để các nhà văn vào nhằm chính trị hóa và quản lý họ thế thôi. Về mặt  tinh thần những nhà văn bị bắt thì Hội có bao giờ đứng ra nói một lời nào đâu. Gần một chục ông trong Hội Nhà văn bị giam cầm, tù tội mà Ban lãnh đạo hội đâu có nói gì chỉ có điều là họ vỗ tay tán thành bắt thằng đó là đúng thôi chứ họ có nói một lời nào bênh vực cho hội viên của họ bao giờ đâu.

Trong khi dân còn đói khổ thiếu thốn lắm mà lấy tiền của dân đi liên hoan đi trại viết, tổ chức những chuyện tào lao, tổ chức những hội nghị quốc tế to lớn để truyền bá dịch tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài mà có ma nào nó dịch? Mình có tác phẩm nào đàng hoàng đâu mà nó dịch? Toàn những tác phẩm tuyên truyền cho Đảng thì văn học cái gì? Một nền chính trị dùng thủ đoạn để mà đoạt quyền, cầm quyền nhưng trong văn học phải chân thành trong trái tim mình cái chân thiện mỹ. Sao lại lấy cái chân thành đi phục vụ cái thủ đoạn. Văn học phục vụ chính trị là lấy cái chân thành, cái thật thà phục vụ cho dối trá. Làm gì có cái nền văn học thổ tả như vậy”.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều tổ chức xã hội dân sự ngoài quốc doanh thành hình, có lẽ nhìn thấy trước sự lớn mạnh không thể thay đổi của những tổ chức cầm bút trong đó có Văn đoàn Độc lập, một tổ chức mới xuất hiện với lời kêu gọi về “quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm”, đã khiến Hội Nhà văn Việt Nam đi một nước cờ sai lầm. Gạch tên những người không còn muốn đi chung con đường với mình là thái độ không thuyết phục đối với người cầm bút, những người chuyên viết điều nhân nghĩa cho xã hội qua tác phẩm chứ không qua bất cứ một hội nhóm tầm thường nào.

(*)Trùng biến hình trần được coi như một cơ thể đơn bào đơn giản nhất, kém tiến hóa nhất trong tất cả các động vật nguyên sinh. Cơ thể trùng biến hình trần gồm một khối chất lỏng nguyên sinh và nhân. Chúng di chuyển nhờ dòng chất nguyên sinh dồn về một phía tạo thành chân giả. Vì thế cơ thể trùng biến hình trần luôn biến đổi hình dạng.(Wikipedia)

M.L

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/vn-writer-asso-serv-to-whom-ml-05092015071516.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn