Ngày đầu tiên trên chặng đường 10 năm

Thái Văn Cầu

Chuyên gia Khoa học Không gian, Hoa Kỳ

clip_image002

Ngày 30 tháng 4 năm 2015 đánh dấu 40 năm ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam, thống nhất đất nước, từ Lũng Cú, Hà Giang đến mũi Cà Mau.

Trong hơn một tháng qua, có nhiều bài viết, bài phỏng vấn, từ nhiều phía, về sự kiện này. Có bài so sánh Việt Nam với Đức hay với Triều Tiên, nước đã hay đang bị chia cắt, so sánh Việt Nam Cộng hoà với Hàn Quốc, Singapore, Thailand, nước có nền kinh tế tương đương nhau, trong cuối thập niên 1960 - đầu thập niên 1970. Có bài trở lại đề tài ý nghĩa của ngày 30 tháng 4: “giải phóng” hay “quốc hận”?

Mục đích của bài này là nhằm nhận định khó khăn, thử thách của Việt Nam, và đóng góp ý kiến vào một quá trình cần thiết để vượt qua.

Con người

Do con người thuộc vốn quý nhất của một nước, không thể không xét khác biệt trong cái giá cho sự thống nhất giữa Đức và Việt Nam: gần 1.500 mạng người Đức, hơn 2.000.000 mạng người Việt Nam. Sau khi thống nhất, không như ở Đức, hàng trăm ngàn quân nhân, viên chức Việt Nam Cộng hoà, bao gồm hàng chục ngàn chuyên gia, bị tập trung vào trại học tập cải tạo hay bị sa thải; hàng chục ngàn người chết trong trại học tập. Do chính sách đối xử phân biệt, khoảng 2.000.000 người Việt Nam phải rời nước, đi định cư ở nước khác; khoảng 200.000 người chết khi vượt biên.

Do không có hệ thống tam quyền phân lập, quyền làm người liên tục bị vi phạm, bất chấp quy định trong cam kết quốc tế và trong Hiến pháp Việt Nam. Trong 3 năm gần đây, có 260 người chết khi bị công an tạm giữ; chưa tới 20 trường hợp làm người chết được đưa ra luật pháp xét xử.

Giáo dục

Đối diện với nền giáo dục hình thức, lạc hậu, yếu kém, hàng trăm hội nghị, hội thảo về cải cách giáo dục không tìm được lối ra vì cốt lõi của vấn đề bị né tránh: giáo dục là nhằm đào tạo những thế hệ có tư duy độc lập, trên cơ sở tôn trọng sự thật, tôn trọng phản biện; giáo dục là để phục vụ con người, không phục vụ một tầng lớp, một hệ tư tưởng nào. Ở thời điểm năm 2013, Việt Nam có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ trong dân số 90 triệu người, tỉ lệ tiến sĩ, thạc sĩ cao nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng có con số nghiên cứu khoa học công bố trên tập san quốc tế thấp nhất khu vực.

Kinh tế

Sau 40 năm hoà bình, sau 20 năm bình thường hoá quan hệ với Mỹ, nước có nền kinh tế và công nghiệp hàng đầu thế giới, kinh tế Việt Nam còn bấp bênh, công nghiệp phát triển kém cỏi. Trong giai đoạn 2001-2014, nợ công tăng từ 12% đến trên 65% GDP, quá ngưỡng an toàn, trong khi năng suất lao động giảm từ 4,1% xuống 3,2%, thấp nhất khu vực; trong giai đoạn 2008-2011, chênh lệch giàu nghèo tăng từ 8,9 lần đến 9,2 lần; trong giai đoạn 2012-2014, theo báo cáo quốc tế, chỉ số tham nhũng tăng từ 116/177 đến 119/175.

Đạo đức-văn hoá

Nền giáo dục không lành mạnh, hệ thống luật pháp không nghiêm minh, dẫn đến một xã hội băng hoại, suy đồi. Một lãnh đạo Việt Nam, ông Mai Chí Thọ, năm 2000, bày tỏ buồn đau trước mức độ tội ác trong xã hội; ông cho rằng “me Tây”, “me Mỹ” trước 1975 vẫn biết xem nặng giá trị đạo lý hơn một số người sau 1975. Với tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên tăng nhanh, riêng năm 2014, Việt Nam có 150.000 trường hợp nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, cao nhất khu vực.

An ninh quốc phòng - Biển Đông

Không phải “thực dân Pháp”, “đế quốc Mỹ”, mà Trung Quốc là nước, trong 60 năm nay, chiếm giữ một phần lãnh thổ Việt Nam ở biên giới cực Bắc, ở Hoàng Sa-Trường Sa.

Từ năm 2000, hàng năm Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh cá ba tháng trong vùng biển Việt Nam; Trung Quốc đang tích cực xây dựng cấu trúc quân sự, đảo nhân tạo ở Hoàng Sa-Truờng Sa, làm bàn đạp tấn công Việt Nam khi cần thiết. Sự thiếu quyết tâm của Việt Nam trong sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc khiến Trung Quốc không ngừng leo thang hoạt động phi pháp và khiến khả năng chiếm giữ tạm thời thành chiếm giữ vĩnh viễn của Trung Quốc ở Hoàng Sa-Trường Sa gia tăng.

Trong hơn 20 năm, FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam chỉ chiếm 1,5% tổng vốn FDI nhưng Trung Quốc nắm 90% tổng thầu EPC ở những công trình trọng yếu như điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất, v.v. Do cam kết trong Thông cáo chung Việt-Trung năm 2001, Việt Nam cho khai thác bauxite ở Tây Nguyên, bất chấp hiểm nguy cho an ninh quốc phòng, môi sinh môi trường, v.v., bất chấp phản đối của chuyên gia, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người có liên hệ với nghiên cứu khai thác bauxite trong thập niên 1980.

Nan đề của dân tộc và vai trò của tuổi trẻ

clip_image004

Việt Nam đang đối diện với khó khăn, thử thách chưa từng thấy trong lịch sử?

Thực trạng và trường hợp điển hình đề cập ở trên cho thấy, ở thời điểm 40 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đang đối diện với khó khăn, thử thách chưa từng thấy trong lịch sử. Để khắc phục cần công sức và trí tuệ của toàn dân.

Trong 40 năm nay, mọi quyết định về chính sách, quốc sách cho Việt Nam, nằm trong tay một thiểu số lãnh đạo, không đến từ chọn lựa của công dân, thông qua bầu cử tự do và công bằng. Thực trạng hiện có là hệ quả tất yếu của lãnh đạo chủ trương đặt quyền lợi phe nhóm lên trên quyền lợi đất nước. Sự sinh tồn của dân tộc không cho phép thực trạng này kéo dài lâu hơn nữa.

Tuổi trẻ là người lãnh đạo tương lai của đất nước. Họ có đặc tính mà những lớp tuổi khác khó thể sánh bằng: năng lực, nhiệt tình và sáng tạo. Đồng thời, tuổi trẻ sẽ là người gánh chịu toàn bộ hậu quả, một khi họ thụ động, tiêu cực, theo chủ nghĩa “mặc kệ nó”, trước mọi nan đề hôm nay.

Trong khi thử thách, khó khăn là nhiều, thuận lợi dành cho tuổi trẻ không ít. Việt Nam là nước trẻ, với hơn 60% dân số sinh sau 1975. Trong cách mạng thông tin, thống kê năm 2014 cho thấy khoảng 75% thành phần trẻ sử dụng internet mỗi ngày. Đặc tính riêng và thông tin đa chiều tạo thêm sức mạnh cho tuổi trẻ.

Đây là chặng đường mà tuổi trẻ mạnh dạn phát huy vai trò tiên phong của mình, kết hợp sử dụng phương tiện tiên tiến trong thời đại tin học, với quyết tâm thúc đẩy thay đổi tận gốc rễ.

Trong hơn một tháng qua, có rất nhiều bài viết về cuộc chiến tranh tàn khốc giữa những người chung giòng máu, về những biến chuyển từ 1975. Bên cạnh lắng nghe, tôn trọng suy nghĩ, ý kiến của người khác, tuổi trẻ Việt Nam nên hướng về phía trước, xác định ngày 30 tháng 4 năm 2015 là ngày đầu tiên trên chặng đường 10 năm.

Đây là chặng đường mà tuổi trẻ mạnh dạn phát huy vai trò tiên phong của mình, kết hợp sử dụng phương tiện tiên tiến trong thời đại tin học, với quyết tâm thúc đẩy thay đổi tận gốc rễ. Tuổi trẻ cùng các thế hệ khác, trong và ngoài chính quyền, trong và ngoài đảng, giành lại quyền làm chủ, quyền quyết định vận mệnh đất nước, quyền chọn lựa lãnh đạo có tâm, có tầm, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, thông qua bầu cử tự do và công bằng, kiên quyết thực hiện những quyền tự do như báo chí, đi lại, hội họp, phát biểu, v.v., quy định trong Hiến pháp và trong cam kết quốc tế.

Chặng đường 10 năm tới dứt khoát không là sự lặp lại giai đoạn tệ hại nào trong 40 năm qua. Chặng đường 10 năm tới là quá trình nhận thức rõ bạn và thù của đất nước, nhận thức rõ không gông cùm vô hình hay nỗi sợ hãi nào ngăn được bước chân của tuổi trẻ Việt Nam.

Nó phải là chặng đường mà ở đích đến, thời điểm 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam là của 90 triệu người, của toàn dân tộc, như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, năm 2007, nói, "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả".

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

T.V.C.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/04/150429_thai_van_cau_304

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn