Vũ khí Nga trong quan hệ Việt-Trung

Đoàn Hưng Quốc

Việt Nam hiện mua nhiều vũ khí tối tân của Nga để tân trang quân đội, nhưng thắc mắc cần nêu lên là liệu các vũ khí này thật sự có tác dụng răn đe để bảo vệ lãnh hải hay chỉ là những món đồ chơi chưng diện đắt tiền? Vấn đề phải đặt ra vì nếu Bắc Kinh nhận thấy mục tiêu chiến lược của họ bị cản trở chắc chắn sẽ phản đối với Nga, và trong hoàn cảnh hiện thời Putin bắt buộc phải đặt quan hệ Nga-Trung quan trọng hơn rất nhiều so với Nga-Việt.

Nga đang tựa vào Trung Quốc để tồn tại trong tình hình tranh chấp với Tây Phương. Mất đi thế đứng này cho dù chế độ Putin không nguy khốn thì Nga cũng rơi vào tình trạng cô lập không khác gì Bắc Hàn. Bài học lớn mà Putin rút ra từ Chiến Tranh Lạnh là Liên Xô đã sụp đổ vì Mỹ-Trung liên kết nên chắc chắn Putin sẽ không làm điều gì thiệt hại đến mối quan hệ tốt đẹp hiện thời giữa Nga-Hoa.

Ngược lại nước Nga là một cường quốc nên Bắc Kinh cũng không thể xử sự như đối với nước đàn em Việt Nam. Tập Cận Bình tỏ thái độ trân trọng mối liên hệ song phương với Putin như đã sang Nga vào dịp Thế Vận Hội mùa Đông ở Socchi hay trong dịp kỷ niệm trọng thể 70 năm ngày Chiến Thắng Phát Xít Đức khi mà các nhà lãnh đạo Tây Phương đồng loạt tẩy chay không tham dự. Thông điệp ngấm ngầm là Bắc Kinh nâng niu quan hệ Nga-Trung thì Putin cũng đừng làm gì thiệt hại đến quyền lợi cốt lõi của Hoa Lục. Dù vậy, mối thân tình giữa Putin và họ Tập cũng không khiến Bắc Kinh nhường nhịn trong đàm phán như đã từng ép giá khí đốt rẻ mạt năm 2014 khi Nga khẩn cấp cần ngoại tệ, hay ép mua cho bằng được máy bay Su-35 và hỏa tiển S400 mà Nga do dự không muốn bán vì sợ bị đánh cắp kỹ thuật quốc phòng.

Nếu không liên kết với Nga thì Trung Quốc vẫn đứng vững dù mất đi thế chiến lược hệ trọng; ngược lại chế độ Putin bị cô lập và sẽ sụp đổ. Trong hoàn cảnh đó, Bắc Kinh không phản đối Nga bán vũ khí cho Việt Nam chỉ khi nào các vũ khí này không là mối đe dọa cho Trung Quốc.

Ai cũng rõ dù Việt Nam có mua ào ạt vũ khí mới cũng không thể là đối thủ quân sự của Hoa Lục cho nên các vũ khí này chỉ có mục tiêu răn đe. Những giả thuyết được nhiều chuyên gia quốc tế nêu lên là Việt Nam có thể đe dọa bắn tên lửa hành trình vào một vài thành phố phía Nam của Hoa Lục, hay căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, hoặc nhắm vào các tàu chiến và cản trở đường giao thông hàng hải huyết mạch tại Biển Đông. Những hành động tự vệ này dù chỉ đem lại tác dụng trung bình hay nhỏ về quân sự nhưng sẽ tạo chấn động lớn trong khu vực.

Chế độ toàn trị của Bắc Kinh dựa vào tính chính danh sẽ khiến Trung Quốc thành cường quốc vô địch ở Á Châu, cho nên dù một bước sai lầm tổn hại đến hình ảnh của Hoa Lục cũng có thể làm lung lay đến địa vị của họ Tập hay ngay cả của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Bắc Kinh không thể nào cho phép một nước đàn em có khả năng tấn công vào lãnh thổ phương Nam hay đe dọa đường biển huyết mạch; hải quân Trung Quốc cũng không thể nào chấp nhận một thiệt hại đáng kể nào đến mức làm mất mặt Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và số tiền hàng trăm tỷ USD đang được bỏ ra để tân trang. Cách tốt nhất là lấn ép mà không dẫn đến tranh chấp, nhưng nếu tranh chấp có xảy đến thì uy tín của họ Tập không chỉ gắn liền với chiến thắng mà phải đè bẹp đối phương thì mới thị uy được trong vùng Đông Nam Á.

Không ai biết Tập Cận Bình và Putin bàn luận điều gì nhưng chắc chắc rằng Bắc Kinh chỉ đồng ý để Nga bán vũ khí thu vào ngoại tệ (và để Việt Nam không rơi vào thế phải mua vũ khi Hoa Kỳ) khi các vũ khí này không là mối đe dọa chiến lược hay chiến thuật đối với Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ không ra mặt cản trở khiến Putin khó xử; họ cũng không làm Putin mất mặt nếu vũ khí Nga kém hiệu quả (do chính Trung Quốc cũng mua vũ khí Nga); nhưng một cách nào đó họ sẽ vô hiệu hóa kho vũ khí của Việt Nam, và không thể loại trừ giả thuyết việc này có sự đồng tình kín đáo của Nga.

Ấn Độ hiện là khách hàng hàng đầu mua vũ khí Nga lại là đối thủ chiến lược của Trung Quốc tại Á Châu. Tuy vậy không thể so sánh mối quan hệ Nga-Ấn với Việt Nam vì Ấn Độ là một cường quốc khu vực. Hơn nữa Ấn đang đa dạng hóa các nguồn cung cấp quân sự với những hợp đồng khổng lồ mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp và trực thăng chiến đấu của Mỹ. Trong tương lai Ấn có thể hợp tác với Nhật-Úc về tàu ngầm, với Hoa Kỳ về kỹ thuật tàu sân bay, và với Nga trong việc vẽ kiểu chiến đấu cơ tàng hình T-50, các bước đều nhằm xây dựng khả năng quốc phòng nội địa.

Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn với một đối phương tính toán chi ly từng bước bao vây kinh tế, chính trị và quân sự, vậy mà giới cầm quyền Việt Nam chỉ đưa ra các đường lối chung chung như làm bạn với mọi nước kể cả đối phương, rồi bỏ món tiền lớn mua vũ khí mà không đưa ra một học thuyết quốc phòng để cùng dân chúng thảo luận như Hội Nghị Diên Hồng trước đây: ai là những đối tác đáng tin cậy? Tình hình thế giới thay đổi sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào? Các nguồn cung cấp và huấn luyện quân sự từ đâu? Sử dụng vũ khí trong hoàn cảnh nào, và như thế nào? Chỉ thấy Bộ Quốc Phòng bỏ ra hàng chục tỷ USD mua vũ khí không biết vì lợi lộc riêng tư khi ký kết hợp đồng, còn khi lâm sự xảy ra thì tiền mất tật mang!

Đ.H.Q.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn