Kỷ niệm về Lưu Trọng Lư

Vũ Đình Phòng

PHẦN MỘT

          Với tôi, ông là người thân nhất – bạn vong niên thân thiết nhất!

Mọi người xung quanh đều lấy làm lạ, tại sao tôi với ông lại hợp nhau đến thế. Chẳng là họ thấy mỗi khi gặp tôi, ông Lư lộ vẻ mừng rỡ đặc biệt… và ông với tôi dính nhau đến lạ… Giữa hai người, sự chênh lệch và khác biệt tưởng như một trời một vực. Tuy lúc ấy, cách xưng hô trong cơ quan chỉ là “anh – tôi” bất kể chênh lệch tuổi tác nên tôi gọi ông là “anh”, chứ thật ra ông hơn tôi gần hai chục tuổi. Chêch lệch và khác biệt quá lớn: hai “anh em” sinh ra trong hai kiểu gia đình khác hẳn nhau – một bên là nhà nho khoa bảng, một bên là công chức Tây học, rồi ở hai địa phương cách xa nhau: ông dân Quảng Bình còn tôi dân Bắc Ninh… Và còn bao khác biệt nữa, từ dáng người cho đến tính tình “hoàn toàn trái ngược nhau”… Ông là nhà thơ, nhà thơ “lãng mạn” bậc nhất (đa số mọi người nghĩ thế), lúc nào cũng như “sống lơ lửng” trên mây, chân đi thì bước thấp bước cao… còn tôi là “lính chuyển ngành” lăn lộn trận mạc, quen suy nghĩ thực tế, vân vân và vân vân… Thế mà lại thành đôi “tri kỷ” thì quả là lạ.

Cái gì đã khiến hai chúng tôi thấy muốn gần nhau, bất kể lúc nào? Ngay chính bản thân tôi, nhiều lúc suy ngẫm cũng thấy lạ, và bất ngờ… Cái gì “chung” làm tôi với ông thân nhau được nhỉ?

            Biết mối quan hệ gắn bó và mối tình “tri kỷ” ấy, vợ tôi nhiều lần nhắc: “Anh còn nợ một bài viết về anh Lư đấy!”. Bà ấy thấy tôi viết về Hoài Thanh, về Tô Hoài, về Bửu Tiến… và nhiều người khác, mà mãi vẫn chưa thấy tôi cho ra bài nào về người “thân thiết, tri kỷ” nhất trên đời. Thật ra tôi đã thử viết, nhưng lần nào viết được vài dòng cũng tắc tị… Tôi có cái tật cố hữu rất đáng ghét ấy. Nhớ lại cái lần viết bài “Kỷ niệm về Hoài Thanh” cũng hơi giống hoàn cảnh này và những cái khác tôi đã viết dường như cũng trong điều kiện ấy.

Thử nhớ lại: chiều hôm ấy, có dịp gặp và trao đổi công việc với Phan Hồng Giang, anh bảo tôi: “Sắp đến 100 năm ngày sinh ông cụ, Hội định tổ chức một cuộc họp long trọng và nghe những bài tham luận về ông cụ. Anh sống gần ông cụ nhiều, anh nên viết một bài”. Tôi từ chối ngay lập tức, vì biết mình không viết nổi. Hồng Giang cũng không nài thêm. Ai ngờ tối hôm ấy, lúc đã lên giường sắp sửa ngủ, trong đầu tôi bỗng lóe lên một cảm giác. Thế là tôi vùng dậy, bật đèn, ngồi vào bàn, gõ chiếc máy chữ cũ kỹ liên tục cho đến gần sáng. Hôm sau, thức dậy, tôi vội đọc lại một lần cho yên tâm, thấy “cũng tạm được” nên quyết định cứ đưa Giang xem thử, nếu được thì tốt, không thì bỏ, vì nghĩ dù sao Hoài Thanh và tôi cũng có nhiều “kỷ niệm” và hình như ông cũng mến tôi. Nếu không viết thì rõ ràng có lỗi, còn nếu viết dở thì chẳng sao.

Anh Tiến sĩ văn học ngồi đọc một mạch, xong, ngẩng đầu lên nhìn tôi: “Tốt quá! Tôi đã nhận được hơn chục bài tham luận về ông cụ, nhưng chưa thấy bài nào sánh được với bài của anh! Anh viết hay quá, vượt lên tất cảHay nhất trong tất cả những bài tôi đã nhận được…”. Một tuần sau, anh gặp tôi, nói: “Ông anh tôi lại không thích, lạ thật…”. Nhưng tôi hiểu ngay nguyên nhân. Ông anh Giang chờ đợi những bài nói về cống hiến của cụ thân sinh của họ đối với dân tộc, với nền văn hóa - văn nghệ nước nhà, về giá trị văn chương của cây bút xuất sắc, trong khi bài của tôi lại toàn nói về mối quan hệ tình cảm riêng tư… Vả lại ông anh của Giang không quen biết tôi mấy nên hiểu tôi theo cách anh đánh giá mọi người khác. Trong khi ấy Giang lại hiểu khá rõ về “bản chất ít lộ ra ngoài” của tôi… và đánh giá cao con người tôi. Kinh nghiệm cuộc đời cho tôi thấy chỉ những người tiếp xúc gần gụi và trong một thời gian dài mới “thông cảm” được với tôi.

            Bài viết về Tô Hoài cũng rơi vào trường hợp gần tương tự. Và hình như mọi cái tôi viết đều có một nét giống nhau: người ta gọi là “cảm hứng”, nhưng tôi thấy hai chữ ấy mơ hồ thế nào ấy. Rồi ý tưởng, lập trường… Ôi trăm thứ “bà Dằn”. Riêng đối với tôi những thứ ấy là tự nó toát ra. Tôi cho rằng quan trọng nhất là “thành thật”, không dối trá, không “cố” đề cao ai mà cũng không “cố” hạ thấp ai. Và muốn nói lên được điều mình muốn nói thì phải tìm ra được “giọng điệu” thích hợp. Hầu hết những gì tôi viết ra được đều nhờ thấy ra được “giọng điệu” thích hợp. Chưa “thấy” hoặc chưa tìm ra nó thì tôi chịu, chỉ cắn bút mà không ra chữ nghĩa gì hết, hoặc viết ra rồi đọc lại, thấy “dở òm”, “nhạt thếch”.

Điều này tôi đọc thấy trong kinh nghiệm của Antonov, nhà văn xô-viết chuyên viết truyện ngắn và nổi tiếng về thể loại ấy… Tôi rất tâm đắc cái “lời khuyên bạn trẻ mới vào nghề” ấy của Antonov, thấy nó hoàn toàn thích hợp với kiểu cách sống và tính chất tư duy, viết lách của tôi. GIỌNG ĐIỆU! Đúng rồi: GIỌNG ĐIỆU!

Lần viết về Hoài Thanh, tôi phát hiện ra được “giọng điệu thích hợp” vào cái buổi tối hôm ấy, nhưng viết vể Lưu Trọng Lư thì mỗi lúc tôi lại áp dụng một kiểu giọng điệu, và tất cả đều thất bại. Có nghĩa chưa tìm ra được “đúng” cái “giọng điệu” thích hợp cần thiết. Kết quả là cái món nợ “với anh Lư” mà vợ tôi bao nhiêu lần nhắc nhở, thúc giục, vẫn còn treo đấy!

May thay, sáng nay lúc ngồi uống tách cà phê, hít hơi thuốc lá, phả khói lên trần, tôi chợt tìm thấy hướng “trả” cái món nợ mà bản thân tôi rất hiểu, và đã bao nhiêu lần ngồi vào bàn, cầm bút, hý hoáy rồi đành chịu… đau đớn buông bút…

Tức là tôi chưa tìm ra “đúng” cái giọng điệu thích hợp! Nguyên nhân chính là tôi vẫn còn cảm thấy chưa hiểu được tại sao hai anh em quý nhau, thân nhau đến thế… Đành tạm gác lại “món nợ” kia. Và nếu hôm nay tôi thành công, viết ra được thì may quá, bởi tôi đã ngoài tám mươi tuổi, chẳng còn sống được bao năm nữa, chưa kể mắt cứ mờ dần, tay cứ run dần, trí nhớ cứ mai một dần… Mà nếu nhắm mắt xuôi tay, về với đất, vẫn chưa trả được “món nợ” kia thì tôi sẽ hối tiếc biết bao.

Thấy tôi trì hoãn mãi, vợ tôi cho là tôi “lười”. Khốn nỗi bà ấy đâu hiểu chỗ yếu của chồng… Tuy nhiên ngồi gõ bàn phím tôi vẫn hồ nghi, đã tìm ra “giọng điệu” thích hợp chưa – cái giọng điệu có thể nói lên được bản chất của vấn đề, cái lõi của tình bạn hiếm có kia không? Thôi thì cứ viết may ra lần này thành thì tốt, không thành thì đành thở dài, đứng dậy và để nguyên cái món nợ kia trong tim…

*

            Tôi thử nhớ lại lần đầu tiếp xúc với ông Lư.

Lúc ấy tôi đã về công tác ở Vụ Nghệ thuật (thuộc Bộ Văn hóa) được hơn một tháng, đã nhìn thấy anh vài lần ngoài sân ngôi nhà 23 Ngô Thời Nhậm, nhưng hoàn toàn chưa hiểu gì về con người gầy gò xương xẩu, với cặp mắt lơ đãng ấy, mặc dù biết anh trong ban lãnh đạo Vụ, cùng với Hoài Thanh và Lưu Hữu Phước… Thế rồi tối hôm ấy, anh bước vào phòng của tôi. Anh không chào hỏi gì cả, bước thẳng đến chiếc giường cá nhân của tôi, kéo chiếc gối đệm sau lưng, rồi ngả người lên bức tường phía sau, chìa ra một tờ giấy, một mảnh giấy thì đúng hơn.

            - Mình vừa viết xong, cậu đọc thử

            Tôi đỡ tờ giấy, đọc những hàng chữ, nét bút cứng cỏi nhưng nguệch ngoạc, các hàng xiên chéo, nghiêng ngả, nhiều chỗ gạch xóa… trong lòng hơi bất ngờ và cũng ngỡ ngàng. Đọc xong, tôi trả lại anh, không biết nói gì, vì tôi thấy mấy câu thơ không có gì đặc biệt, nhất là tôi không giỏi về nhận xét, đánh giá thơ. Sau đấy tôi không nhớ mấy câu thơ ấy như thế nào nữa. Anh đỡ tờ giấy, lơ đãng đưa mắt nhìn quanh căn phòng nhỏ lần đầu tiên anh bước vào, rồi từ từ đứng dậy, lê đôi dép mỏng, chân thấp chân cao bước ra, không nói thêm một câu nào.

            Tôi bàng hoàng, không còn biết nghĩ ra sao nữa. Anh là Vụ phó, là lãnh đạo, mà không hề hỏi tôi, một nhân viên dưới quyền, quê quán ở đâu… bố mẹ làm gì, có mấy anh chị em… như hầu hết (có lẽ tất cả) những “cấp trên” của tôi trước đây, trong quân ngũ cũng như ngoài cơ quan dân sự, nơi tôi đã công tác sau khi chuyển ngành, đã hỏi khi lần đầu tiếp xúc.

PHẦN HAI

Hôm sau, gặp tôi ngoài sân Vụ Nghệ thuật, anh không nhắc gì đến chuyện tối qua. Rồi sau đấy vài ba ngày, nhìn thấy tôi dưới sân, anh hỏi: “Bận gì không? Đi với mình xuống Khu Văn công được chứ?” Tôi đáp: ”Vâng”,  ” rồi vội lên phòng, mặc quần áo, chạy xuống sân. Chiếc xe “command-car” đã nổ máy ầm ĩ. Anh bảo tôi lên xe rồi bước vào theo. Khoảng nửa giờ sau, xe rẽ vào Khu Văn công, lúc ấy còn là những dãy nhà mái tranh làm tạm.

Anh xuống xe. Tôi ngoan ngoãn theo sau. Từ lúc ấy đến lúc ra về, tôi cứ theo anh như cái bóng. Anh gặp và làm việc với ban phụ trách các đội văn công (lúc ấy mới gọi là “đội” và tất cả nằm trong Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương: Đội Ca múa, Đội Tuồng Khu Năm, Đội Ca kịch Trị-Thiên… Còn mấy “đội” nữa không đóng trong Khu Văn công mà ở trung tâm thành phố: Đội Kịch Bắc, Đội Kịch Nam Bộ, Đội Xiếc, Đội Cải lương Khu Bốn, Đội Cải lương Nam Bộ, v.v…).

“Khu Văn công” chiếm một khuôn viên khá lớn trong Quận Cầu Giấy. Mỗi “đội” văn công sử dụng một hoặc hai dãy nhà tạm bợ bằng tre lá. Mỗi dãy cách nhau một khoảng vừa đủ để diễn viên có thể tập thể dục buổi sáng và tụ tập ca hát, trò chuyện, giải trí buổi tối.  Sau này người ta xây Khu Văn công bề thế, bằng bê tông kiên cố ở Mai Dịch, cũng vẫn thuộc Quận Cầu Giấy, cách nơi cũ vài km. Các nghệ sĩ chuyển lên đấy. Ở thì lịch sự và tiện nghị hơn nhưng thiếu đi chất “thơ” mộc mạc lúc trước. Tôi nghĩ thế có “hâm” không nhỉ?

Tôi có cảm giác Anh Lư muốn tôi đi cùng để tôi làm quen với các đội. Cứ sau vài ngày, anh lại xuống Khu Văn công và lần nào cũng rủ tôi đi. Tôi chỉ theo sau và nghe anh bàn công việc với mọi người. Tôi thấy rõ ai cũng mến phục anh, phụ trách đội cũng như các diễn viên. Thì ra trong Ban phụ trách Vụ Nghệ thuật anh được giao chuyên trách khối văn công.  Sau mấy lần theo chân anh xuống Khu Văn công, tôi bắt đầu cảm thấy anh “thích” tôi, thấy tôi có gì đấy gần gụi chất con người của anh, không “léo nhéo” làm phiền anh.

Và do đấy, anh thích đi cùng với tôi dường như đến bất cứ đâu, nhà một diễn viên, một người quen, thậm chí đến bạn (Anh Hoài Thanh chẳng hạn), có khi đến nhà một cán bộ cấp cao, Bộ trưởng hoặc ai khác. Tôi thấy ở anh Lư thêm một nét tôi cho là hiếm thấy ở hầu hết mọi người, và tôi rất quý, là thái độ bình đẳng với bất cứ ai. Chênh lệch tuổi tác, khác biệt nghề nghiệp, vị trí trong xã hội đối với anh hoàn toàn vô nghĩa. Càng tiếp xúc về sau, tôi càng thấy đặc điểm này của anh. Hình như chính vì thế, nhiều người lấy làm lạ, nhất là những “cấp dưới” của anh.

Tôi chợt nghĩ, rất có thể ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên anh Lư đã thấy mến tôi, hoặc nói theo kiểu anh Xuân Diệu, là “phải lòng” tôi. Có lẽ vì anh thấy tôi ít nói và không “ra cái vẻ” gì hết, nhất là không “tỏ ra” ta đây hiểu biết, xem mấy câu thơ của anh mà không khen, không chê, cũng không “phát biểu” gì. Đọc xong, chỉ lẳng lặng trả lại. Bản thân tôi cũng ngày càng mến anh vì thấy anh không cần biết lai lịch tôi, mà đối xử với tôi theo cách đúng như tôi lúc này… cũng không có ý định “dạy dỗ” hay “khuyên bảo” nhằm “thay đổi” tôi. Rõ ràng anh tôn trọng tôi mặc dù chưa biết tôi là người thế nào, quê quán, xuất thân, cha mẹ làm gì… Và anh “chấp nhận” tôi đúng như tôi đang hiện hữu. Các cán bộ khác, lãnh đạo Vụ hoặc Trưởng, Phó phòng cũng tôn trọng tôi, nhưng không ai có được thái độ đối với tôi “hoàn toàn” bình đẳng như Anh.

Thì ngay tôi cũng có quan tâm quê quán anh đâu?… Mãi rất lâu sau này, tình cờ đọc bài giới thiệu của Hoàng Trung Thông, tôi mới biết quê anh ở Cao Lao Hạ, thuộc tỉnh Quảng Bình. Hơn mười năm sau, trong những chuyến “đi thực tế chiến trường Khu Bốn” có một lần xe command-car ghé vào đấy. Hôm ấy có chị Lư cùng đi, chị ghé vào tai tôi, khẽ bảo: “Quê anh Lư đấy!” tôi mới biết và cũng ít quan tâm… Và hình như cũng chỉ ghé một lần, rất có thể do ý muốn của chị, bởi sau đấy không lần nào tôi thấy anh ghé vào nữa, mặc dù chúng tôi đi đi về khu vực ấy hàng chục lượt trong mấy năm “chống chiến tranh phá hoại của Mỹ”…

Còn quê tôi, anh cũng không cần biết. Riêng một lần trên đường từ Lạng Sơn về, xe chạy đến Đáp Cầu, tôi nói “Quê tôi đây”, anh chỉ nghe, không nói gì, cũng không tỏ thái độ ra sao. Xe không đỗ lại, mà chạy thẳng đến Đình Bảng, để ghé thăm đạo diễn Trần Hoạt nghe nói đang ốm, nằm ở quê.

Cứ đà ấy, hai anh em ngày càng thân thiết nhau hơn. Phải chăng vì ở bên nhau, cả hai đều cảm thấy thoải mái, và an toàn, nhất là thấy “người kia” không vì lấy lòng mình mà giả dối.

*

Thế rồi một dịp khiến hai anh em gần gụi nhau thêm, mà thêm nhiều, rất nhiều nữa. Đấy là khi hai anh em cùng nhau đi một chuyến dài ngày.

Chẳng là khi ấy (đầu năm 1959), Bộ Văn hóa yêu cầu Vụ Nghệ thuật lựa một tốp diễn viên ca và múa xuất sắc nhất để tham gia vào Đoàn Đại biểu nước ta đi dự Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới (Festival) lần thứ VII ở thành phố Vienne (Thủ đô Áo - Tháng Tám 1959). Lãnh đạo Vụ yêu cầu tôi xuống ăn ở với tốp nghệ sĩ ấy mấy ngày để chuẩn bị cùng đi với họ. Đột nhiên lại có lệnh cử tôi lên đường trước, cùng với anh Trần Bảng (đạo diễn kiêm biên kịch Chèo) dự cuộc Gặp gỡ Đạo diễn Sân khấu các nước XHCN, do Hội Sân khấu Toàn Nga (Всеросское Театральное Общество) đăng cai và tổ chức ở Moskva vào Tháng Năm. Nghĩa là tôi sẽ đi dự nó trước khi đi cùng Đoàn đại biểu Thanh niên và Sinh viên khoảng hai tháng.

Trước hôm tôi đi, chị Lư bảo tôi: “Anh sang sau, nhưng chị vẫn giao anh trước cho chú trông nom. Anh sẽ mang cái va-li to. Sang đấy, gặp anh, chú bỏ tất cả đồ đạc của chú vào vẫn vừa. Hai anh em mang chung một va-li cho gọn… Tính anh chú lơ đễnh lắm, chú phải trông nom cẩn thận thay chị. Tóm lại, chị giao anh cho chú đấy. Lỡ làm sao chị cứ chú chị bắt đền!”

Liên Xô lúc ấy đang “hoàng kim” và thời kỳ ấy được mệnh danh là “Băng tan”. Khrushov đã loại bỏ những cấm đoán vô lý thời Stalin, nhiều tù nhân chính trị được tha, dân chúng được “cởi trói”, mức sống tăng vọt, các cửa hàng ở những thành phố nước Nga tràn ngập hàng hóa. Dân chúng ai cũng hồ hởi… Giới trí thức được phát huy tài năng… xuất hiện nhiều công trình văn hóa - nghệ thuật (đặc biệt là Điện ảnh) và khoa học (đặc biệt là khoa học vũ trụ) vượt bậc. Nhiều trí thức được “cởi trói” (thật sự) đã phát biểu nhiều ý kiến đóng góp quý báu.

Gây ấn tượng với tôi nhiều nhất là bài tham luận của nhà văn Leonid Leonov tại Đại hội Nhà Văn Xô-viết (thứ mấy tôi không nhớ, chỉ biết là đại hội đầu tiên sau khi “tan băng”). Ông nhận định, nguyên nhân của tình trạng văn học xô-viết thấp kém là do “chúng ta đã tạo cho công chúng một cách thưởng thức phi nghệ thuật”. Cái câu “cách thưởng thức nghệ thuật phi nghệ thuật” dường như là ý chính của toàn bài tham luận của nhà văn lúc ấy được coi là lớn nhất nước Nga. Ý tưởng ấy có giá trị phát hiện lớn ở chỗ, không phải nhà văn viết kém mà vì nhà nước đã tạo cho công chúng một cách đánh giá “phi nghệ thuật”. Tôi quý cách nhìn ấy của Leonov; và sau này, nó giúp tôi lý giải hiện tượng kỳ quái là những thứ tôi “làm ra” (kịch bản hoặc công trình đạo diễn) của tôi bị công chúng chia ra hai cách đánh giá trái ngược.

- Có kịch bản khi đưa ra đọc cho các “chuyên gia” văn học nghệ thuật, bị phê “nhạt thếch”, rồi “Anh Phòng viết sách dạy người ta viết kịch” mà anh viết không theo trong ấy chút nào…[1]. Trong khi ấy một số (may thay) lại đánh giá hết sức cao…

Cuộc Gặp gỡ Đạo diễn Sân khấu các nước XHCN diễn ra tưng bừng và thân ái nhưng chỉ trong hai tuần lễ và ở hai thành phố lớn: Moskva và Leningrad (bây giờ lấy lại tên cũ là Saint-Petersburg), đồng thời vui vẻ và bổ ích vô cùng. Anh Trần Bảng và tôi có dịp tìm hiểu nền sân khấu xô-viết và làm quen với đồng nghiệp từ nhiều quốc gia… Và qua đấy cũng hiểu được tình hình của mỗi nước XHCN cũng như những vấn đề đặt ra cho từng nước về cách thức phát triển nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng.

Hai tuần trôi qua nhanh hơn chúng tôi tưởng. Tôi được nghe nhiều câu chuyện kỳ lạ. Thí dụ ở Nam Tư, khi Hồng quân mới giải phóng Nam Tư, mỗi người lính Hồng quân được coi là “anh hùng”, được tiếp đãi quá với sự nồng nhiệt. Nhiều gia đình đem những thứ quý giá nhất trong nhà ấn vào tay họ, thậm chí còn bảo phụ nữ trong nhà ngủ với họ, để tỏ lòng biết ơn. Nam Tư gửi hàng ngàn thanh nên ưu tú sang Liên Xô học và khi về nước họ đều được trọng dụng. Thế rồi đột nhiên tình hình xoay chuyển 180 độ. Khi Stalin khai trừ ĐCS Nam Tư ra khỏi Quốc tế CS vì tội “phản bội”, thì số thanh niên đã sang học tập hoặc thực tập trong các cơ quan liền bị bắt, giam lại. Đến gần đây, khi Khrusov nối lại quan hệ giữa hai Đảng thì số người ấy được thả ra. Tuy nhiên cho đến hôm nay, cuộc đàm phán chưa kết thúc nên chưa biết họ có được yên ổn không, hay lại bị bắt giam…

Một chuyện nữa cũng hết sức thú vị là chị phiên dịch cho chúng tôi (là công dân nước Cộng hòa XHCN Moldavie, cũng thuộc Liên bang Xô-viết nhưng chị nói tiếng Pháp rất giỏi vì tiếng Moldavie chính là tiếng Rumania, rất giống tiếng Pháp – cùng gốc Latinh). Đến lúc thân tình, chị kể là đang rất lo vì mấy tháng nay không nhận được thư của “anh”. [Anh tên Raun, là người Cuba]. Hai người yêu nhau trong thời gian anh được phong trào “26-7” cử sang làm đại diện bên cạnh Chính phủ Liên Xô, chính thời gian này chị quen rồi hai người yêu nhau. Chinh do tác động của ĐCS Liên Xô mà Raun quyết định thành lập Đảng Cộng Sản Cuba. Lúc ở Liên Xô anh lấy bí danh là Raphael… Chị phiên dịch lo vì nghe tin ở Cuba đang có nhiều chuyện rắc rối… Hai chúng tôi (Trần Bảng và tôi) rất thương chị và cố an ủi. Sau này, có dịp trở lại Liên Xô, tôi có ý tìm chị, và theo địa chỉ chị ghi sẵn cho tôi, thì khi tôi đến được [địa hỉ trên để tìm chị, không thấy] trả lời, chị không còn ở đấy nữa, và nghe đâu chị đã sang Cuba… Tôi thỉnh thoảng nhớ đến chị và thầm nghĩ, không biết chị còn sống không, và sang đấy chị có lấy anh Raun không, tóm lại bây giờ chị ra sao…

Hôm dự bữa tiệc chia tay giữa các đại  biểu đến dự “Cuộc Gặp Gỡ” ở Khách sạn của Hội B.T.O. bên cạnh Quảng trường Pushkin, kết thúc hội nghị, tôi chợt nhớ đến câu hát thuở nhỏ: “Cuộc vui ngắn chửa tầy gang…”. Hai chúng tôi đã xong việc, nhưng  chưa thấy tăm hơi Đoàn đại biểu Thanh niên và Sinh viên của ta đâu.

Tiễn anh Trần Bảng ở ga Yaroslav về, tôi trả phòng ở Khách sạn Ukraine, chuyển sang ở khách sạn Sentralnaya, một khách sạn cổ kính từ thời Nga hoàng, các phòng sơn son thếp vàng, buồng tắm lát đá hoa cương, kiểu dành cho các Công tước, Hầu tước… nói chung là giới quý tộc thời xưa. Khách sạn này nằm gần đúng Trung tâm thành phố, trên Đại lộ Gorki (nay lấy lại tên cũ là Tverskoy) giữa Quảng trường Puskin và Quảng trường Đỏ.

Vì giá phòng ở đây rất đắt, mà tôi chỉ ngồi chờ, nên một tuần sau, Bộ Văn hóa Liên Xô đề nghị với Đại sứ ta chuyển tôi về sống tại Nhà khách của Sứ quán trên phố bờ sông Moskva. (Tại đây tôi có diễm phúc được gặp và làm quen lần đầu với hai anh Đặng Thai Mai và Hà Huy Giáp, sang Moskva họp gì đấy). Tôi sử dụng gần hai tháng chờ đợi, để lang thang, tìm hiểu sinh hoạt và tâm tính của người Nga. Rồi phong tục, tập quán và tính cách khá độc đáo của “Người Nga”.

Cuối tháng Bảy (năm 1959) nhận được tin Đại sứ quán báo, tôi xách toàn bộ hành lý ra ga Yaroslav, định để nhập vào đoàn tham dự Festival rồi đi luôn cùng Đoàn. Không ngờ vừa nhìn thấy tôi, anh Lư đã hoảng hốt nói ngay: “Chết rồi, quên chưa đăng ký vé đi Budapest cho cậu Phòng…”. Rồi lập tức dẫn tôi đến gặp Trưởng đoàn của ta là Hoàng Minh Chính. Anh Chính bèn viết thư cho Đại sứ quán ta tại Moskva nhờ mua vé ngay chuyến tàu sau cho tôi đi Budapest, địa điểm tập kết của các đoàn đại biểu thanh niên và sinh viên khối XHCN để cùng kéo nhau sang Vienne, lần đầu tiên tổ chức ở một nước không thuộc “phe” XHCN.

Thế là hôm sau tôi lên xe lửa, các toa trang hoàng long trọng, cờ hoa rực rỡ, nhưng rất vắng khách vì đây là chuyến “vét”, chỉ có những đại biểu do bận chưa kịp theo đoàn chính, đa số là của mấy nước châu Á: Trung Hoa, Mông Cổ, Triều Tiên.

Mấy ngày sau, tôi đến Budapest và bắt đầu nhập đoàn. Tại đây, tôi làm theo lời dặn của chị Lư: cho toàn bộ quần áo của tôi vào chiếc va-li da to tướng của anh Lư… rồi xách.

Xong một tuần tưng bừng và bận rộn đến mức quay như chong chóng trong Liên hoan ở Vienne, đoàn quay về Budapest và chia tay mỗi đoàn về nước mình. Tại đây tôi gặp Trần Văn Khê, vừa từ Paris sang để gặp các diễn viên ca múa ta. Anh đem theo đủ thứ máy móc: máy ảnh, máy ghi âm, máy quay phim,… để chụp và ghi làm tư liệu sau này viết sách giới thiệu nghệ thuật âm nhạc và dân gian Việt Nam ra thế giới. Sau này về Việt Nam, khi anh từ Paris sang, tôi có giúp anh sưu tầm thêm tư liệu về nghệ thuật dân gian nước ta, đặc biệt là nghệ thuật múa rối. Xung quanh chuyện này đã xảy ra một sự việc không vui. Anh Khê viết về múa rối ở VN, sách được xuất bản ở Pháp, rồi được hoan nghênh. Thật ra tư liệu trong ấy là của anh Nguyễn Huy Hồng, sau đấy được Nhà xuất bản Văn hóa của ta in. Tôi đưa anh Khê đọc, tưởng chỉ để anh tham khảo, ai ngờ anh bê nguyên xi, rồi dịch sang tiếng Pháp, và đem công bố lấy tên anh! Anh Hồng (sau này là Chủ tịch Hội Múa rối VN trong Liên đoàn Múa rối quốc tế) kêu với tôi, tôi chứng nhận và cuối cùng anh Khê đã phải nhận lỗi “đạo văn” và trao lại tiền nhuận bút cho tác giả đích thực!

Đoàn Đại biểu Thanh niên và Sinh viên về nước, riêng tốp văn công tách ra, ở lại Budapest để nhận thêm một số diễn viên người dân tộc miền núi vừa mới sang, lập  thành một Đoàn có bề thế một chút, cho ra dáng một “Đoàn Ca múa” để đi biểu diễn “hữu nghị” độc lập ở lần lượt tám quốc gia “bạn” ở Đông Âu (Hung, Tiệp, Đông Đức, Ba Lan, Bungari, Rumani, Anbani)… và Liên Xô.

Trước đấy do chỉ là một “tốp nghệ sĩ”, nên  Lưu Trọng Lư làm Trưởng, và Phó là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Nay thành “Đoàn”, được bổ sung thêm anh Chu Đình Xương, Vụ phó Vụ Đối ngoại của Bộ Văn hóa, làm Phó đoàn (Trưởng vẫn là anh Lư). Đoàn đi lần lượt đủ tám nước, mỗi nước dừng lại từ 15 đến 20 ngày để tổ chức những buổi biểu diễn ca múa nhạc ở các địa phương. Chuyến đi hết sức thú vị, vì đến thành phố nào của mỗi nước cũng được “bạn” tiếp đãi chu đáo và tổ chức cho tham quan danh lam thắng cảnh cũng như những công trình lớn của mỗi nước.

Trong chuyến đi khá dài ngày này, tôi thường xuyên ở bên cạnh anh Lư, cả lúc biểu diễn, hoặc tham quan, lẫn những lúc đi dạo, lang thang trên đường phố tại những địa điểm khác nhau. Đồng thời nhờ đó, hai chúng tôi cũng biết thêm nhiều về tình hình xã hội, chính trị của mỗi nước, tuy cùng là XHCN nhưng rất khác nhau. Đồng thời, càng đi hai anh em càng gần nhau, hiểu nhau và quý nhau hơn.

Rất nhiều chuyện lý thú chúng tôi gặp trên đường. Thí dụ hôm hai anh em ngồi uống cà-phê ở một quán nhỏ trên hè phố Budapest, với một người bạn Hung. Anh bạn này trỏ lên chiếc cột đèn gần đấy: “Năm kia, dân sục vào các nhà, tìm xem ai là đảng viên cộng sản bèn lập tức trói lại treo cổ lên cái cột đèn kia!”. Tôi chợt nhớ vụ Imre Nadje, một chính khách khi lên nắm quyền năm 1956 đã âm mưu xóa bỏ CNXH, nhưng sau đấy bị Liên Xô “mời” sang “thăm” Moskva rồi quản thúc luôn… để xóa phong trào, sau đấy vận động để Hung có ban lãnh đạo mới “ngoan ngoãn”, tuyệt đối tuân theo “gậy chỉ huy” của Điện Kremli…

Còn nhiều thí dụ nữa khiến hai chúng tôi thấy “tan băng” chỉ nhất thời, “chữa cháy” chứ chưa chắc đã thật sự…

Hoặc một hôm ở Ba Lan, tôi rủ anh Lư bỏ một cuộc tham quan nhà máy, để đi thăm thú vùng nông thôn. Ra khỏi thành phố Krakov (kinh đô cổ của Ba Lan thời quân chủ, giống như Huế ở ta), xe chở hai chúng tôi chạy ra cánh đồng khá xa, nơi những cánh rừng “rất châu Âu” nối tiếp nhau chạy dài hai bên đường. Chợt gặp một ông già đang chở cỏ khô. Anh Lư bảo lái xe đỗ lại, hai anh em chúng tôi ra ngoài, bắt chuyện với ông già kia. Ông ta kể: “Các nông trường giải tán hết cả rồi, bây giờ “tự do”. Nông  trường là trò dớ dẩn của bọn Nga… Dân Nga hèn, chính phủ bảo gì cũng phải chịu, chứ dân Ba Lan chúng tôi thì không chịu đâu…”

Còn rất nhiều chuyện lý thú khác nữa. Nếu cứ ngoan ngoãn tuân theo ý “bạn” (ban đón tiếp của nước sở tại) tham quan hết nhà máy này đến công trình khác, dù hiện đại đến mấy cũng làm sao hiểu được tính cách người dân địa phương và tình hình thật ở mỗi nơi… Tôi nhận thấy anh Lư rất thích những cuộc dạo chơi như thế và lần nào anh cũng tỏ ra thích thú… Tôi thầm nghĩ “hóa ra anh ấy cũng có máu “giang hồ” và giống mình hơn mình tưởng…”.

Trong chuyến đi này của Đoàn Ca múa Việt Nam, tôi làm nhiệm vụ “tiền trạm” nghiã là đến trước từng địa điểm, chuẩn bị sân khấu để tối đoàn biểu diễn. Công việc ấy khiến tôi có thêm nhiều điều kiện thuận tiện để gần gũi anh Lư, và tất nhiên cả hai anh Thương và Xương, rồi các diễn viên. Nhưng tôi hợp tính và thân nhất với các nhạc công thuộc tổ nhạc, đặc biệt rất thân với Chỉ huy Dàn nhạc – anh Trịnh Kính… một người có cái tai kỳ lạ và thành thạo mọi nhạc cụ, nhưng sau chỉ vì phát hiện ra “lý lịch” là đã chơi nhạc trong dàn nhạc của quân đội Pháp nên bị loại và sau đấy cuộc đời khốn khổ…

Anh Lư và tôi rất hợp tính, nên khi có điều kiện, sẵn sàng bỏ một buổi tham quan để đi dạo ngoài thiên nhiên, nếm phong vị nông thôn châu Âu. Anh Xương (vốn là anh em họ với tôi ở quê) luôn nhắc: “Rủ tớ cùng đi với nhé!”. Nhưng anh rất bận, vì là phụ trách công tác chính trị của Đoàn, và cũng không hợp tính nhiều với anh Lư và tôi. Cũng nhờ thế anh Lư và tôi càng có nhiều dịp đi với nhau, trò chuyện, để hiểu nhau và quý nhau hơn…

Cuối tháng Mười hai năm 1959, Đoàn đi thăm hữu nghị các nước XHCN ở Đông Âu xong, đang biểu diễn ở Liên Xô thì nhận được lệnh từ trong nước, của Bộ Văn hóa ta, là đi thăm Hữu nghị thêm hai quốc gia “trung lập” là Ấn Độ và Miến Điện. Tại đây chúng tôi thấy thành phố New Delhi dán rất nhiều áp-phích chống Trung Quốc, và nghe nói chiến sự giữa hai nước lớn nhất châu Á đang diễn ra tại biên giới. Đoàn được thăm mộ Gandhi, tiếp kiến thân tình với hai [Cố] Thủ tướng Nehru và Unu. Tôi nhớ mãi một câu trong nhiều “tâm sự” của Nerhu: “Tôi làm Thủ tướng từ những ngày độc lập đầu tiên, vậy mà cho đến nay tôi vẫn cảm thấy chưa hiểu rõ người Ấn Độ…”.

Khi đoàn đến biểu diễn ở “điạ phương”, thú vị nhât là hôm ở Lucknow, tôi rủ anh Lư lang thang ra phố và thấy rõ Thủ tướng Nehru quả là tinh và có trách nhiệm “hiểu dân” và chân thành lo “cải thiện” cuộc sống cho dân.

Cũng tại Ấn Độ tôi may mắn được gặp, làm quen và làm việc với anh Nguyễn Cơ Thạch lúc ấy là Đại sứ và anh Đinh Nho Liêm lúc ấy là Tổng lãnh sự ta ở New Delhi. Thú vị cái lần tôi đang trông coi phu phen chuyển dụng cụ âm nhạc và đạo cụ biểu diễn từ khoang máy bay ra tại sân bay New Delhi thì một nhà sư mặc áo nâu dài, đi chân đất đến, hỏi xem tôi có cần giúp gì không. Nhà sư nói tiếng Việt, nhưng bằng thứ tiếng Việt cổ, hết “huynh”, “túc hạ” lại “đệ”, “đa tạ”… khiến cuối cùng tôi phải đề nghị anh nói bằng tiếng Anh. Nhà sư này cho biết sắp tốt nghiệp học viện quốc tế Phật giáo ở Nêpan và sẽ về nước… Sau này tôi không gặp lại hoặc nghe thấy tin tức gì của ông nữa… Rất có thể ông trong số mấy nhà hoạt động Phật giáo nổi tiếng thường dùng họ “Thích”, nhưng tôi không biết trong số ấy ai đúng là vị sư tôi gặp ở sân bay New Delhi.

Để chuẩn bị đi hai nước (chưa phải XHCN) nên cấp trên điều thêm anh Nguyễn Đức Quỳ, lúc ấy là Vụ trưởng Đối ngoại thì phải, một cán bộ ngoại giao có tiếng của Đảng từ hồi bí mật, sau này làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, sang làm Trưởng đoàn, còn anh Chu Đình Xương về nước.

Tháng Giêng năm 1960 đoàn đáp máy bay từ Rangoon đến Côn Minh, rồi đáp xe lửa từ Côn Minh (lúc ấy Côn Minh thiếu điện trầm trọng. Các khu chia nhau sử dụng lượng điện cung cấp quá ít. Ban đêm đứng nhìn qua cửa sổ khách sạn, thấy toàn thành phố tối om, chỉ một khu có đèn sáng. Lát sau lại đến lượt khu khác…

Về đến Hà Nội, Đoàn giải tán. Anh Lư và tôi quay về Vụ Nghệ thuật tiếp tục làm công việc như cũ.

Thế rồi đến một hôm… Tối hôm ấy, do muốn nghe lại nhạc Traikovsky, tôi mò đến Nhà hát Lớn, nơi Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng đang công diễn vở opera “Evgueni Oneghin”. Vào cổng sau (cổng diễn viên) rồi bước lên thang gác tôi chợt nhìn thấy anh Lư. Anh không ngồi trong phòng khán giả để xem mà đang bước chầm chậm ngoài hành lang mờ tối, dáng suy nghĩ. Thấy tôi, anh ngạc nhiên hỏi:

- Chưa xem “Oneghin” à?

- Tôi xem rồi, tối nay đến chỉ để xem lại.

Tôi thấy vẻ mặt anh cau lại, dáng như băn khoăn điều gì đấy. Anh bảo:

- Xem một lần là đủ. Đi dạo một chút đi! Trời nóng quá!

- Vâng.

Hai anh em xuống thang gác, ra ngoài. Tôi linh cảm thấy anh muốn nói với tôi điều gì nhưng còn ngập ngừng. Trong lúc đi dạo, hai anh em cũng trò chuyện nhưng chuệch choạc. Chợt anh dừng lại:

- Cho cậu xem cái này, để nghe cậu ý kiến ra sao.

Lúc này đêm đã rất khuya. May còn một hàng nước bên hè với ngọn đèn leo lét. Mấy chiếc ghế dài trơ trụi, không còn khách.

Anh Lư lấy trong túi áo ra một chiếc phong bì dày, đưa tôi.

Ngoài bì đề tên nữ diễn viên Đ.L. lúc ấy đang rất nổi tiếng, và tôi biết, từ lâu anh Lư đã đặc biệt mến cô ấy. Anh vốn là người có tính rất quý bất cứ ai có tài và có sắc, và tôi chứng kiến nhiều lần anh quá thân tình với một nữ diễn viên nào đấy, gây dư luận không tốt. Gần đây anh tỏ ra rất mến Đ.L., một nữ diễn viên có thể nói là hiếm thấy, cả tài và sắc đều vượt trội. Ngay bản thân tôi cũng phải thừa nhận Đ.L. đẹp một cách sắc sảo, đa tình, chưa kể cô yêu nghề đến mức không ai bằng, không ngại tập luyện khổ công cho thuần thục cả những động tác khó khăn, oái oăm nhất của nghệ thuật biểu diễn Tuồng Cổ, không tiếc công sức.  Tuồng Cổ là môn nghệ thuật cực kỳ tinh tế, mỗi cử chỉ động tác, tư thế rất nhỏ đều mang ý nghĩa nhất định. Nhờ thế, cô biểu diễn có sức hút đặc biệt quyến rũ và hết sức thuyết phục.

Tôi ngồi xuống ghế dài của quán nước, mở phong bì ra thấy một tập khá dày. Đọc chưa xong trang đầu, tôi đã đưa ra trên ngọn đèn dầu leo lét, định đốt.

Anh Lư vội giật lấy.

Tôi nói luôn:

- Anh phải đốt ngay! Anh phải nhớ là mấy thằng viết kịch trẻ chúng tôi đang dựa vào anh đấy. Anh mà gặp chuyện gì thì…

Anh Lư im lặng.

Tôi không buông:

- Chuyện này mà lộ ra thì chị Mừng đau khổ lắm. Rồi các cháu nữa… Không! Anh phải đốt đi! Đốt ngay đêm nay… Chưa đốt mà còn chần chừ, để nó trong túi thì còn...

Anh Lư lặng lẽ nhét chiếc phong bì và mấy trang viết vào túi, đứng lên:

- Về thôi.

Sau đấy anh lảng sang chuyện khác. Tôi không tha:

- Anh phải đốt cái ấy ngay bây giờ. Trước mặt tôi. Chứ lúc khác anh lại không đủ gan…

Anh im lặng. Cảm thấy không thể “ép” anh được, tôi đành đứng dậy đi theo. Từ đấy về đến nhà anh ở 66 ter Nguyễn Thái Học, không ai nói với ai câu nào.

Và lạ chưa? Trong lòng tôi bỗng bùng lên một niềm thương xót vô hạn. “Yêu” đâu phải tội lỗi? Tất cả chỉ vì cái quy tắc luân lý khốn kiếp kia. Phải “chung thủy”. Tất cả chỉ vì hai chữ “phản bội”… Nhưng thế nào là phản bội? Hai chữ nghe khắc nghiệt quá mức! Rồi “Lương tâm”! Tôi chợt nhớ đến kịch bản Henry IV của Shakespeare, trong một lớp quần chúng có hai tên lính quèn trò chuyện.

Một tên hỏi: “Đố mày biết tao căm thù nhất cái gì? “– “Không biết. Cái gì?” – “Lương Tâm!” – “Sao mày căm thù nó? Mà lại căm thù nhất?” – “Vì nó làm tao tai hại đủ đường. Mày biết không, bên cạnh nhà tao có con vợ thằng hàng xóm đẹp như tiên nga giáng thế. Thằng chồng thì vừa xấu, gù lưng lại ác, suốt ngày phang vợ… Con vợ thích tao lắm, cứ kiếm cớ đụng chạm vào người tao, khêu gợi, nhưng cái Lương Tâm khốn kiếp kia nó lại ngăn tao: “Ấy, ấy, không được!” Thế là tao đành nhịn, ai ngờ con bé tưởng tao khinh nó, chê nó, đâm thù tao…gây đủ thứ chuyện. Đấy là một chuyện, chứ còn nhiều chuyện khác nữa. Ngay mới hôm vừa rồi, tao nhặt được chiếc túi của ai đánh rơi trên đường. Mở ra toàn tiền vàng chói lóa. Đang tính trên đường về nhà mua cho vợ con vài cái bánh mì kẹp thức ăn, kẻo mấy mẹ con nhịn đói gần tuần nay rồi. Nhưng cái Lương Tâm khốn kiếp kia lại ngăn: “Ấy, ấy, không được. Của người ta phải trả lại cho người ta”. Thế là tao đành cất công tìm đến cái lão bá tước chủ cái bọc tiền ấy, mà lão ta giầu nứt đố đổ vách… lão đánh rơi rồi quên luôn, có coi cái bọc tiền vàng ấy là cái ra gì đâu!”

Chúng ta còn bị đắm chìm, còn phải ngụp lặn trong cái tập quán gọi là đạo đức cộng đồng ấy, chưa thoát ra được để sống độc lập, tự do, để phát huy óc sáng tạo cá nhân. Mà gia đình cũng là một thứ cộng đồng, tuy nhỏ nhưng sức mạnh lại rất lớn… Anh Lư là một trong những người cổ vũ hăng hái nhất cho phong trào Thơ mới. Mà thơ mới đâu chỉ phá các kiểu thơ Đường luật cố hủ, theo cách hình thức, mà là phá hủy tận gốc kiểu nghĩ xưa cũ, đang kìm hãm sáng tạo! Cái quan trọng nhất của Thơ mới, tôi nhớ Anh Hoài Thanh đã nhận định, là gì? Trong kiệt tác “THI NHÂN VIỆT NAM”. Hoài Thanh viết, đại ý: Thơ mới quan niệm Thi nhân, từ chỗ nhân danh “chúng ta” đã chuyển sang nhân danh “tôi”, (hoặc “ta” nhưng số ít)… Trước đây nhà thơ nhân danh cộng đồng lớn hoặc nhỏ, bây giờ nhân danh bản thân mình… Thế mà tối nay tôi nỡ yêu cầu anh Lư, nhà thơ mới kiệt xuất, phải gạt đi tình cảm riêng chỉ “vì” quyền lợi của mấy thằng viết trẻ chúng tôi – cũng là một kiểu cộng đồng – ư? Bỗng tôi thấy đăng đắng trong lòng… Nhưng cũng không thể để chị Lư và đám nhỏ khổ! Ôi, khốn khổ cái xứ sở nước mình! Còn đắm chìm trong cách nghĩ “cộng đồng” kìm hãm tự do sáng tạo của từng cá nhân đến tận bao giờ?

Đến bao giờ con người mới được giải thoát khỏi gông cùm của đủ loại “cộng đồng”? Cái phong trào Thơ mới và tư tưởng tự do kia vừa mới nhen nhóm lên đã bị dập tắt phũ phàng, chính là do những kẻ nhân danh nó – cái gọi là “cộng đồng” ấy! Nào gia đình, gia tộc, dòng họ, xóm làng, huyện “ta”, tỉnh “ta”, miền chúng ta… Rồi nhân danh trăm thứ bà Dằn khác để bóp nghẹt tự do sáng tạo của từng con người… Ôi, đến bao giờ cá nhân mới được sống theo ý mình, được tự do phát huy tài năng? Đến bao giờ mới không kẻ nào, tổ chức nào, đoàn thể nào được phép ép buộc phải nghĩ theo kiểu khác? Buồn quá đi mất thôi.

Lên đến nhà, nhìn thấy tôi, chị Lư nói:

“Hai anh em ghé chơi đâu hay mải nói chuyện gì mà về muộn thế? Chú Phòng còn thảnh thơi, chưa vợ con, ngủ lại đây luôn, khuya rồi. Sáng mai hãy về”. Nói rồi, chị vén cái màn chăng dưới sàn nhà lát đá hoa lên, đẩy hai ba đứa trẻ đang ngủ say vào, chừa ra một khoảng nhỏ vừa đủ để tôi nằm.: “Chú nằm tạm…”.

Tôi chui vào màn, đặt lưng mà đầu óc cứ nghĩ lung tung, và thấy thương ông anh quá. Nhưng biết làm sao được? Thì ngay anh Hoài Thanh… Hôm tôi than phiền mỗi khi phải phát biểu, không được nói ra điều mình suy nghĩ thật lòng, Hoài Thanh đã đáp lại “Có gì lạ? Đến như mình, đường đường một Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật chứ có ít đâu, mà khi phát biểu cũng có được nói ra ý nghĩ thật của mình đâu!”. Nghĩa là phải nói theo ý ai? Chà, buồn quá! Tôi nhè nhẹ ngồi dậy chui ra khỏi màn…

“Sao? Chúng nó đạp phải không? Thôi được, chú về nhà ngủ cho thảnh thơi, mai Chủ nhật, mấy giờ dậy cũng được”.

Tôi khe khẽ mặc quần áo, chào hai anh chị rồi xuống thang gác… Hà Nội đêm khuya thanh vắng đến kỳ lạ.

*

Lúc ấy quan hệ giữa nước ta với Liên Xô rất khăng khít. Các ngành nghệ thuật đua nhau mời chuyên gia Liên Xô hoặc Trung Hoa đến giúp đỡ. Riêng về Sân khấu… Lúc ấy anh Lê Liêm làm Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Văn hóa lại là người rất “mê” Liên Xô (sau này mỗi lần sang đấy, anh thưởng bảo tôi dẫn đi chơi. Còn nhớ một lần vào Điện Kremli, anh vào tòa nhà chính, nhìn những cụm đèn treo bằng pha lê, những tác phẩm nghệ thuật trên tường, lẩm bẩm: “Đẹp quá! Mình cũng làm được chứ, phải không cậu?...”

Do Bộ Văn hóa ta đề nghị giúp đỡ, Bộ Văn hóa Liên Xô cử Nghệ sĩ Đạo diễn Vassiliev sang mở lớp huấn luyện cho nghệ sĩ sân khấu ta (đạo diễn và diễn viên các Đoàn, và dựng tiết mục “Lu-ba” làm chất liệu thực hành phục vụ học tập. Trong quá trình làm việc, ông chuyên gia (đã có tuổi, lịch lãm và giàu kinh nghiệm thực tế, am hiểu cuộc sống (rất tiếc ông không phải đảng viên CS nên không tìm được tiếng nói chung với Giám đốc Nhà hát Kịch lúc ấy). Ông Vasiliev đặc biệt quý tài năng và tâm hồn hai anh Lưu Trọng Lư và Bửu Tiến. Ba mươi Tết năm ấy, anh Bửu Tiến rủ hai ông bà Vassiliev ra Hồ Hoàn Kiếm đón Giao thừa. Tôi đề nghị rủ thêm anh chị Lư, vì hai ông bà chuyên gia kia cũng rất quý anh Lư, thậm chí còn đề nghị Bộ Văn hóa ta, khi thành lập Nhà hát Kịch “chính quy”, cử Lưu Trọng Lư làm Giám đốc. Vì, như ông nói, người lãnh đạo sân khấu trước hết phải là người am hiểu văn chương, nếu là nhà văn hoặc nhà thơ tên tuổi thì còn gì quý bằng. Cái chức Vụ trưởng hay Vụ phó sao vinh quang bằng chức Giám đốc một nhà hát có uy tín…

Anh Bửu Tiến tán thành. Thế là anh chị Lư, anh chị Bửu Tiến, vợ chồng Vassiliev và tôi (lúc ấy còn độc thân) lững thững ra Bờ Hồ xem dân Thủ đô đón Giao thừa ở đền Ngọc Sơn và Tháp Rùa. Cuộc đi chơi đêm Giao thừa năm ấy càng khiến hai ông bà chuyên gia quý anh chị Lư thêm rất nhiều.

Năm sau, ông Vassiliev phải đưa vợ về Moskva chữa bệnh hiểm nghèo, Bộ Văn hóa Liên Xô cử một đạo diễn trẻ sang làm tiếp công việc huấn luyện, đấy là Monakhov – ông này khá trẻ, đâ có vợ nhưng chị ấy bận công tác nên không đi theo chồng được. Lúc đầu Monakhov lấy tôi làm trợ lý, rồi khi thấy tên tôi trong danh sách những người được “tiêu chuẩn” đi học nước ngoài, ông bèn đề nghị nếu cho tôi sang Liên Xô học thì nên cho học Khoa Đạo diễn ở Trường Đại học Sân khấu Moskva. Bộ Văn hóa đồng ý (Sau này Vụ Tổ chức Bộ định gạt tên tôi, anh Lê Liêm biết tin đã phải đích thân yêu cầu giữ quyết định cũ, thậm chí còn “bảo lĩnh” cho tôi…).

Vì tôi đã biết tiếng Nga khá tốt nên ông Monakhov đề nghị tôi được miễn sinh hoạt tập trung ở lớp “chuyên tu” để học tiếng mà tiếp tục làm trợ lý đạo diễn tiết mục “Câu chuyện Iêc-cút” cho đến ngày lên đường mới sang Gia Lâm, đến Trường Chuyên tu nhận Hộ chiếu, va-li, áo quần…

Vài tháng sau tôi đến địa điểm tập trung những sinh viên đi học nước ngoài rồi lên tàu.

Trong suốt bốn năm Đại học tại Moskva, tôi không viết lá thư nào cho anh Lư và anh cũng không gửi lá thư nào cho tôi. Đơn giản cả hai đều hiểu, nói với nhau trực tiếp thì được, vì tùy theo cảm hứng tức thời, chứ viết thư thì… Tôi rất hiểu điều ấy. Rồi tôi nhận được tin bạn bè trong nước cho biết anh bị bảo vệ bắt quả tang dưới vệ đê Hồ Tây cùng cô diễn viên Đ. L. kia. Và bị kỷ luật, rất có thể sẽ không làm lãnh đạo nữa… Tôi choáng váng nhưng thầm nghĩ, chuyện ấy khó thể không xảy ra. Trong lịch sử, chuyện chết vì tình đâu có hiếm?

Lúc gần học xong, sắp sửa về nước thì tôi nhận được thư của anh Lư. Tôi ngạc nhiên, mở ra thì chí có một mảnh giấy chép một bài thơ mà anh ghi trên đầu mấy chữ nguệch ngoạc: “Để Phòng đọc”. Mảnh giấy tôi vẫn giữ. Và mấy câu thơ nay tôi đã thuộc lòng:

            “Em đến cùng anh
Như vì sao đêm nọ
Lướt qua song cửa sổ
Buông lạnh ánh sao xanh
Em đến tận lòng anh
Từ buổi đó
Em nói những gì
Anh không nhớ rõ
                                 Chỉ biết lúc ra đi
                                 Trên tay áo còn ghi
                                 Ngấn vàng đôi giọt lệ…

Bài thơ còn dài, nhưng tạm dẫn thế thôi. Bài thơ tôi cho là tuyệt hay. Sau này tôi đem ra khoe với mấy bạn thân và hầu như bạn nào cũng yêu cầu tôi đọc lại thật chậm để họ chép. Đến khi thấy tuyển tập thơ của anh do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, không có bài này, mà tôi cho là một trong những bài hay nhất của anh, và bộc lộ đúng “chất mơ mộng và chân thành kiểu Lưu Trọng Lư”, tôi vội đạp xe về nhà lấy đưa anh. Anh cầm đọc và lúc ấy mới chợt nhớ ra… Tính anh như thế đấy, làm thơ đâu để nổi tiếng, để “đươc khen”! Chẳng thế, nhà giáo kiêm phê bình văn học Hoài Thanh có lần nhận xét, “Lưu Trọng Lư là nhà thơ ít thuộc thơ của mình nhất”. Chị Lư phải mất rất nhiều công thu thập những mẩu “viết theo hứng” của anh, nhiều khi chỉ là mảnh báo xé ra từ tờ báo nào đấy.

Bài thơ làm tôi nghĩ đến nhà thơ Nga Essenin: mỗi bài là một cảm xúc nảy sinh bất chợt, được tác giả ghi lại. Chính vì thế mỗi bài của Essenin không được ông đặt tên, sau này để gọi, người ta lấy mấy từ đầu tiên làm tên bài… Thí dụ một bài của ông tôi rất thích “Tôi chẳng tiếc, chẳng rên rỉ, khóc lóc / Trái tim đã một khi nhuốm lạnh / Đâu còn rộn rã đập như xưa /… Và bãi rộng với mầu xanh dương liễu / Đâu còn quyến rũ gót chân trơn, v.v...” được độc giả và người hâm mộ ông đặt tên là bài “Tôi chẳng tiếc”.

Thơ anh Lư có lẽ bị anh đặt tên vì độc già ở ta chưa quen với cách làm thơ và cách tự động đặt tên kiểu kia.

PHẦN BA

Mùa hè năm 1964 tôi về nước, lúc đầu định chỉ để “nghỉ hè”. Trước đấy anh Lê Vinh Quốc (chỉ huy cũ của tôi, nay gặp lại ở Moskva) đã khuyên tôi hè này đừng về, vì về tức là sẽ không được sang học tiếp nữa. Hội nghị Trung ương vừa ra Nghị quyết 9, phê phán Liên Xô đi theo hướng “xét lại”, chắc chắn sẽ rút hết sinh viên ta không cho sang học tiếp, sợ ảnh hưởng.

Nghe anh Quốc nói, tôi thầm nghĩ “Không  sao!”. May mà mình đã học hết chương trình, không sang nữa cũng chẳng có gì đáng phải suy nghĩ. Mình chưa có bằng tốt nghiệp Đạo diễn Sân khấu ư? Chẳng thành vấn đề. Tấm bằng chỉ là hình thức – tôi nghĩ thế. Xưa nay tôi chúa coi nhẹ mọi thứ hình thức, cho rằng cái chính, cái quan trọng là nội dung, là thực lực. Tôi đã học hết chương trình, tức là nội dung, và học rất tốt. Nay chỉ còn phần thực hành, nghĩa là phần hình thức. Bởi theo quy định của trường, sinh viên nước ngoài học xong chương trình, khi về nước, dàn dựng một tiết mục rồi không cần sang, chỉ cần gửi báo cáo, kèm theo các ảnh tiết mục và một hoặc hai bài nhận xét trên báo bất kỳ nào đấy. Trường sẽ xét và cấp bằng. Thường không học viên nào bị không cấp. Rõ ràng chỉ là chuyện hình thức! Mà tài năng và tác phẩm đâu do bằng cấp? Tôi rất tự tin vào khả năng của mình.

Thêm vào đấy, tôi thấy có vẻ Liên Xô đang đi vào một bước ngoặt, xem chừng chẳng hay ho gì… Trí thức vừa mới được “cởi trói” nay đang bắt đầu bị “trói lại”… Mấy ông thầy của tôi để lộ ra tâm lý chán nản… Về là phải. Và không sang nữa cũng là phải.

*

Trước đấy tôi được thư bạn bè ở nhà cho biết Vụ Nghệ thuật đã tách ra thành hai vụ: Sân khấu và Âm nhạc - Múa. Ông Hoài Thanh chuyển sang Viện Văn học làm [Phó] Viện trưởng. Anh Lưu Hữu Phước làm Vụ trưởng Vụ Âm nhạc - Múa. Lẽ ra Vụ Sân khấu do anh Lư làm Vụ trưởng, nhưng sau vụ Đ.L. anh bị tạm giáng xuống làm Vụ phó. Mới về làm Vụ trưởng Vụ Sân khấu là một người tôi chưa gặp và nghe tên bao giờ.

Về đến Hà Nội, tôi chạy ngay đến cơ quan, đóng trong Nhà hát Nhân dân (khu Đấu xảo cũ) và lần đầu gặp ông. Một người dong dỏng cao, gầy, tươi tắn, có vẻ dễ gần. Thấy tôi, ông nheo mắt cười niềm nở “Về rồi hả?”. Câu hỏi đơn giản, thân tình khiến tôi yên tâm, thầm đoán, sống với con người này chắc không khó khăn gì mấy. Vả lại, mình là cán bộ chuyên môn, đúng nghiệp vụ thì làm và cố làm tốt, có thế thôi. Cấp trên là ai không quan trọng.

Gặp vài người cũ, tôi hỏi thăm thì được biết Vụ trưởng mới tên là Mai Vy. Một anh bạn kể tôi nghe, ông là “cán bộ chính trị thuần túy, chuyên nghiệp, lại chuyên ngành an ninh, (khiếp chưa?). Đã từng tù Sơn La, sau 8/45 làm Trưởng ty Công an Hà Đông, rồi làm Chủ tịch tỉnh Yên Bái, do mắc khuyết điểm gì đấy, nghe đâu chỉ về sinh hoạt, bị giáng về Bộ…” Ừ, thì cũng biết thế – tôi thầm nghĩ. Cán bộ chính trị thì mình không ưa rồi, nhưng ông này nếu “mắc khuyết điểm” thì có khi lại tốt. Bởi khi ấy con người ta mới “tỉnh” ra. Vả lại cách ông ta hỏi mình vừa rồi rất khác thường, thậm chí “đáng yêu”: “Về rồi, hả?” Câu hỏi đơn giản với cái nheo mắt và nụ cười mỉm như thể đã quen mình từ lâu. Hy vọng mình đoán đúng…

Hôm sau tôi đến nhà anh Lư. Anh cho biết anh vừa nhận quyết định sang Hội, làm Tổng thư ký. Sau đấy vài hôm, đến chơi, anh Lư cho biết tối hôm qua hai anh chị duyệt lại chi tiêu xem có thể “bớt” khoản nào không, thì thấy không bớt được. Chị đã tiêu hết sức có tính toán, và cân nhắc chu đáo. Tôi rất thông cảm và nghĩ, anh Lư là cán bộ lãnh đạo cao cấp, lương cao hơn anh em rất  nhiều, lại có sổ mua hàng bìa A bìa B, được rất nhiều ưu tiên mà còn thế. May mình chưa có gia đình, chưa có cả một gánh nặng đè lên.

Một lần, lĩnh nhuận bút một kịch bản xong[2], tôi lấy cớ kịch bản đề tên hai người: tôi và anh, vả lại tôi độc thân, nên nhường toàn bộ cho hai anh chị. Anh Lư “giẫy nảy”, nhưng chị nhận, và xúc động nói: “Cảm ơn chú. Đúng ra chị chỉ nên nhận một nửa, nhưng thế này… Cảm ơn chú”. Thật ra kịch bản do tôi viết, nhưng về đề tài Huế nên tôi đưa anh nhuận sắc. Anh đã làm rất tận tình, và nhiều lớp anh gần như viết lại. Sau đấy, tôi ghi cả tên anh vào hàng chữ tên tác giả. Sau này, một số người ở Tạp chí SÂN KHẤU cho là không hợp lý, bèn đặt tên anh Lư lên trên tên tôi. Anh Lư phản đối rất mạnh nhưng tôi lại nghĩ “chẳng sao”. Đứng tên với một nhà thơ lớn, trước hay sau thì quan trọng gì?

*

Ngồi trò chuyện hàn huyên, tôi bảo với anh là chỉ về nghỉ hè rồi tháng Chín lại sang Nga học tiếp. Anh cho biết do Nghị quyết 9 nhận định là Đảng Cộng sản Liên Xô đã biển chất, thành “xét lại” nên ta sẽ rút toàn bộ chuyên gia và lưu học sinh về hẳn. Có nghĩa tôi cũng sẽ “về hẳn” không sang học nốt nữa. Thì ra anh Quốc nói đúng.

Anh Lư hỏi tôi “Liên Xô ra sao”? Tôi biết anh quan tâm đến Liên Xô vì những ngày anh ở đấy, đang thời “băng tan”, không khí phấn khởi, tươi vui biết bao.

Tôi kể vài chuyện gần đây “đáng buồn”. Khrushov thấy mình đang lên và được cả thế giới ngưỡng mộ, đâm huênh hoang và “bốc”. Ông ta dám nói trong Đại hội KOMSOMOL là “Thế hệ các đồng chí (tức là lớp trẻ – Komssomol giống như Đoàn Thanh niên Cộng sản của ta), những người ngồi trước mặt tôi, trong Hội trường này, sẽ được nhìn thấy xã hội cộng sản hình thành trên quê hương mình...”. Huênh hoang hay ảo tưởng? Lão ta giải thích XHCS là không còn mua bán, không còn đồng tiền, công cụ bóc lột của “Tư bản”. Và Đảng Liên Xô đang thực hiện việc tiêu diệt nó. Cách làm sẽ từng bước, “miễn phí” dần mọi thứ nhu cầu. Bước đầu bánh mì ăn không phải trả tiền, các nhà ăn, khách sạn chỉ tính tiền thức ăn, đồ uống, còn bánh mì “cho không”! Bước thứ hai: không bán và thu vé các phương tiện giao thông công cộng, trước tiên là hệ thống xe bus, tramway, trolleybus trong thành phố, tức là đi các loại xe ấy không mất tiền. Tiếp đến bỏ chuyện mua vé ở cả các tuyến đường dài, thậm chí đi máy bay cũng không phải mua vé... Cứ lên máy bay ngồi và máy bay sẽ đưa anh đến nơi nào anh cần đến, dù Paris, New York, Amsterdam… hay Bắc Kinh, Tokyo…Bình Nhưỡng! Nhưng chưa kịp thi hành bước hai thì Moskva đã loạn lên. Có gì đâu? Các cửa hàng, hiệu ăn chật ních đám người gầy gò, râu ria không cạo, áo quần nhem nhuốc, vào ngồi chật các ghế, gọi bia. Họ chỉ cần trả tiền bia còn bánh mì ăn thỏa thích, no thì thôi, không mất xu nào… Bia và bánh mì là đủ tồn tại rồi. Cuối cùng, nhà nước đành vội ngưng cái “cải tiến” trên con đường xây dựng Xã hội Cộng sản mơ ước kia!

Anh Lư chỉ nghe, mặt hơi cau lại, nhưng không nói gì.

Nhân đà, tôi kể chuyện ông thầy tôi – Alexey GONTSAROV – (chức danh là “Chỉ Đạo nghệ thuật của Khóa đạo diễn 1961-1964), xưa nay được giới nghệ thuật coi là nghệ sĩ trẻ (tương đối) nhiểu triển vọng nhất, và sinh viên chúng tôi càng học càng phục, thường kháo nhau, chúng mình vô cùng may mắn được học một ông thầy “quá mức tuyệt vời” như thế, thì vừa rồi ông bị Chi bộ ĐCSLX của Nhà hát, nơi ông là Chỉ đạo Nghệ thuật, mang ra đấu, và nghe đâu Thành ủy Moskva định khai trừ ông. Tôi thuật lại cho anh Lư nghe cái buổi tối rất lạ hôm ấy…

Đến giờ học (môn học “Đạo diễn” bắt đầu lúc 19 h, vì lúc ấy thầy mới được giải phóng khỏi công việc Nhà hát) sinh viên ngồi chờ mãi chưa thấy thầy đâu, đang lo lắng, thì ông Hiệu trưởng Gorbunov, học giả nổi tiếng (có ba bằng Tiến sĩ) xuống gặp sinh viên, nói đại ý: “Thầy các anh đang trong tâm trạng hoang mang cùng cực. Những giây phút như thế, nghệ sĩ Nga dễ tự tử lắm. Bao nhiêu thí dụ, các anh học lịch sử văn học Nga đã thấy rồi. Lúc này các anh hãy ra vườn hoa, tôi tin thầy các anh đang ngồi một mình ngoài ấy… Các anh hãy an ủi, động viên…”. Chúng tôi kéo nhau ra thì đúng là thầy đang ngồi ghế công viên, ôm đầu, nghĩ ngợi. Chúng tôi phải tỏ ra vui vẻ, lái ý nghĩ của thầy sang chuyện khác… Thầy bình tĩnh lại, nhoẻn miệng cười và cảm ơn chúng tôi… Rồi cả thầy trò dắt tay nhau cùng về Trường.

Câu chuyện này có vẻ làm anh Lư xúc động mạnh. Anh đứng dạy, ra ngồi mép giường, tôi đoán anh đang cố gạt đi những ý nghĩ buồn phiền. Tôi thấy nếu kể thêm khéo anh không chịu nổi cái đất nước báo chí tâng bốc lên đến mây xanh ấy.

*

Quả nhiên mấy tháng sau, chúng tôi đọc báo thấy đưa tin Khrushov “đổ”… Và tưởng đâu, lên thay lại là một thằng cha tồi tệ, kém xa cả Khơ. Chính hắn, Brejnev, sau này đã đẩy Liên Xô vào ngõ cụt mà những người kế cận hắn (Andropov, Tsernenko, rồi Gorbatsov) mắm môi mắm lợi cố vực lên mà không nổi, kết quả Liên bang Xô-viết hùng mạnh như thế, cuối cùng đành phải “tan”…

*

            Theo chủ trương, các sinh viên học ở Liên Xô về (đã tốt nghiệp hay chưa) đều phải học một lớp chính trị và viết kiểm thảo “thành khẩn và nghiêm khắc” (làm tôi nhớ lại những cuộc chỉnh huấn hồi cuối Kháng chiến). Trong “lớp học” tôi bị phê phán rất nặng nề, nghe nhiều lời “đao to búa lớn” về mối quan hệ với anh Lê Vinh Quốc là sĩ quan cao cấp đã “chạy sang” phía Liên Xô và sau đấy bị ở nhà truy tố, kết án phản bội, tử hình vắng mặt. Tôi bị phê nặng nề nhất là chuyện, sau khi chạy sang phía Liên Xô, khi lưu học sinh ta bên ấy đua nhau cầm gậy đi các phố lùng sục, để nếu tìm thấy tên Quốc thì đánh cho chết, anh còn viết thư cho tôi.

Anh cẩn thận không đề tên người gửi ngoài bì, nhưng cầm phong bì, nhìn nét chữ tôi biết ngay của ai. Tôi nhát, sợ rắc rối, và cũng tin rằng anh Quốc không đời nào có những lời có hại cho đứa em từ hồi ở Đại đoàn 308 cho đến gần đây, khi anh sang học Trường Quân sự cao cấp Liên Xô, gặp lại nó, nên tôi quyết định không bóc ra vội, mà báo cáo Chị bộ (tôi không phải đảng viên). Sau đấy Đảng ủy Đại Sứ quán ta cử phái viên xuống họp cùng Chi ủy Trường Đại học Sân khấu. Trước mặt đông đủ “quan chức”, tôi mới bóc lá thư, đọc to lên, rồi nộp “tổ chức”. (Ba năm sau, Đại tá Quang Phòng – người ra lệnh bắt Dương Thu Hương – mời tôi đến Bộ Công an nói chuyện về Nghệ thuật Sân khấu cho Câu lạc bộ của Bộ, tôi liền hỏi: “Anh hiểu rõ lý lịch tôi chưa mà dám mời?” Đại tá Quang Phòng cười: “Tất nhiên tôi phải đọc hồ sơ của anh. Còn cả lá thư của Lê Vinh Quốc trong ấy…”. Thì ra lá thư về sau được nộp cho Bộ Công An lưu trữ!)

Kết thúc lớp học chính trị tôi được biết Bộ Văn hóa ra quyết định là các du học sinh ở Liên Xô chưa được công tác ở Hà Nội mà phải đi một địa phương nào đấy trong vài năm để “gột rửa chất độc “xét lại”. Anh thì đi Khu tự trị Tây Bắc, anh thì đi Hải Phòng… Ông anh họ tôi, Chu Đình Xương, sau khi bị giáng chức (cũng về tội sinh hoạt), làm Phó văn phòng Bộ, cho tôi biết bạn thân với anh, cùng hoạt động thời bí mật và cùng ngồi tù ở Sơn La, là Nguyễn Thọ Chân, gần đây được “Đảng tìm thấy lưu lạc trong đám dân lao động”, mới được bổ sung vào Trung ương và cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, nên nếu phải đi địa phương thì nên về đấy.

*

Vào thời điểm ấy, tỉnh Quảng Ninh vừa được thành lập, đang là tỉnh hứa hẹn nhất. Sau khi nhập tỉnh Hải Ninh vào, tỉnh Quảng Ninh nở ra rất rộng, được ca ngợi là có đầy đủ các lợi thế của một nước Việt Nam thu nhỏ: nông nghiệp (tỉnh Quảng Yên cũ), công nghiệp (mỏ than Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả…), biển với Vịnh Hạ Long (đế phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế) và vùng núi rừng biên cương (giáp Trung Hoa).

Anh Xương viết thư giới thiệu tỷ mỷ và gửi gắm, nhờ anh Chân tạo điều kiện giúp tôi làm việc có hiệu quả… để tôi cầm xuống đưa tận tay.

*

            Giữa lúc ấy nổ ra “sự kiện 5-8” ở Vịnh Hạ Long. Không quân Mỹ oanh tạc căn cứ Hải quân của ta ở Bãi Cháy, mở đầu cuộc “chiến tranh phá hoại”. Không khí chiến tranh lại bắt đầu. Anh Lư như người đang buồn phiền đột nhiên thay đổi hẳn. Hình như “máu giang hồ” trong anh trỗi dậy.

Vốn bản chất hăng hái, anh Lư (lúc ấy là Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu) lập tức tổ chức một đoàn các nhà viết kịch đi vào nơi “nóng bỏng” nhất: Quảng Ninh, Bãi Cháy, Vịnh Hạ Long… Đoàn gồm 4-5 nhà viết kịch trẻ, đến Hòn Gai, ở lại tiếp xúc với bộ đội hải quân cũng như dân chúng vùng “chiến sự” trong gần một tháng. Không khí chuyến đi đúng là đậm đặc chất Thủy hử.

Vừa về đến nhà được ít hôm, xem chừng còn thòm thèm, anh Lư tính lại tổ chức một “chuyến đi” thứ hai. Một số thoái thác, bảo phải tiêu thụ những ấn tượng được ghi lại trong sổ tay của chuyến đi trước. Lần này chỉ có hai anh em: anh Lư và tôi. Tỉnh ủy Quảng Ninh được tin, bèn đón hai chúng tôi, đưa đến “trú” tại Nhà khách của tỉnh. Nhà khách lúc ấy chỉ lèo tèo vài ngôi nhà cấp 4 nằm cheo leo trên vách núí gần như dựng đứng, trông xuống bến phà Bãi Cháy (bấy giờ chưa có cầu treo). Ngồi ở đấy có thể nhìn ra toàn cảnh Vịnh Hạ Long bên dưới, ngay trước mắt. Tóm lại, địa điểm rất chi là “tuyệt vời”, nhất là với những ai “để tâm hồn treo ngược trên cành cây[3].

Đến ngày thứ hai, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, đang công tác ở Ty Văn hóa Quảng Ninh, nghe tin, từ Bãi Cháy sang chào anh Lư và tôi, đồng thời trò chuyện (Tuệ là bạn tôi từ lâu). Nhân tiện Tuệ cũng khoe với hai chúng tôi tác phẩm anh mới viết xong cách đây vài ngày. Đấy chính là bài “Xa khơi”, một trong những ca khúc đã giúp nhiều ca sĩ nổi danh (Tân Nhân là một thí dụ)… Tuệ vừa hát vừa, do bị lời nhạc kích động, anh đứng lên, mắt  nhìn ra Vịnh, giọng hát say sưa, quyến rũ, nghe rất sướng tai.

            Nghe xong, cả ba ngồi trò chuyện xoay quanh đủ mọi vấn đề văn học nghệ thuật. Tài Tuệ tỏ ra là một nghệ sĩ hiểu biết rộng và có nhiều suy nghĩ độc đáo nhưng laị rất thích hợp với cả hai chúng tôi. Và hôm ấy, hình như lần đầu tôi thấy anh Lư nói nhiều. Rồi như quên đi đây là “chuyến đi” đến vùng chiến sự, anh  buột miệng: “Sáng nay là khoảnh khắc đẹp nhất trong đời mình. Lâu lắm rồi mình mới có dịp được bàn chuyện văn chương, thi ca, âm nhạc thuần túy, thú vị như thế này… với hai bạn trẻ tâm đầu ý hợp Những khoảnh khắc như thế này, sao thời nay hiếm hoi thế!”

Tài Tuệ về rồi, anh Lư nhìn theo tiếc rẻ: “Cảnh đẹp, thời tiết đẹp, lại có bạn tri âm… Không còn gì sung sướng hơn…”. Rồi đưa mắt nhìn ra Vịnh Hạ Long xanh biếc, đột nhiên anh buột miệng ứng tác mấy câu thơ: “Anh Núi Sớm áo lam xanh mầu ngọc…Chị Vịnh Chiều, buồm thả cánh tiên…” Mấy câu anh sẽ đưa vào tập thơ xuất bản sau đấy vài năm…

            Lúc này nhìn anh Lư, tôi có cảm giác anh trẻ lại hàng chục tuổi, và chợt tôi hình dung cái thời anh cùng một người bạn từ miền Trung xa xôi, lặn lội ra Bắc Kỳ, tìm đến tận nhà thi sĩ Nhượng Tống ở Ý Yên Nam Định, để chúc mừng bản dịch Tây Sương Ký mà ông Nhượng vừa dịch, lấy tên là “Mái Tây”… Sau đấy cả ba đàm đạo thâu đêm về văn chương và thơ phú… Lúc ấý giao thông đâu dễ dàng như ngày nay… và chuyến đi vất vả nhường nào… nhưng không cản chân nổi những người “tri kỷ” tìm đến nhau, bàn chuyện văn chương, thơ phú.

*

            Cứ sau mỗi chuyến đi như thế, hai anh em lại thấy hợp tính nhau hơn.

Tất nhiên đồ đạc tôi mang cho cả hai, nhét chung vào một “tay nải,”nhưng tôi nghĩ đấy là chuyện tự nhiên. Tôi trẻ hơn, khỏe hơn, và tính tôi tập được từ ngày ở quân đội là không ngại vất vả. Thậm chí tôi nghĩ, càng vất vả càng “có lợi” cho sức khỏe và tính tình. Mà cũng vất vả gì đâu, so với khi hành quân ra trận hồi Kháng chiến chống Pháp, đeo đủ thứ: ba lô, súng ống, lương thực dự trữ… mấy chục ký…

Chị Lư may cho hai anh em một cái bọc lớn bằng vải bạt, kiểu như tay nải. Tôi bỏ tất cả đồ đạc vào rồi vác lên vai… Tôi còn chăm sóc anh trong nghỉ ngơi, tắm giặt (như đun nước, nếu trời lạnh…). Có người cho rằng như thế tôi chỉ là “đầy tớ”, thật là buồn cười. Thế hễ cứ ai giúp đỡ người khác đều là “đầy tớ” hay sao? Vả lại khi đã gặp “tri âm” thì khó khăn vất vả đến mấy cũng ngại gì. Được là “đầy tớ” một người vừa đáng là thầy vừa là tri âm thì còn hạnh phúc nào bằng?

*

            Thấy bà Chánh văn phòng Hội than phiền ông Lư dùng xe cơ quan nhiều quá (hồi ấy Hội chỉ có một chiếc “command-car”), tôi bảo anh: “Hai anh em mình đi phương tiện công cộng cũng được”. Anh tán thành. Thế là chuyến sau đấy tôi đạp xe đến nhà, đón anh ra ga xe lửa. Những năm ấy xe lửa chạy đêm. Đến Hải Phòng, hai anh em đi bộ ra bến ca-nô, mua vé chặng Hải Phòng - Hòn Gai. Ca-nô cũng chạy đêm. Ra khỏi ca-nô, chúng tôi lên bến Núi Bài Thơ rồi ra phố, ghé vào nhà một người tôi quen, làm Giám đốc Viện Bảo tàng của tỉnh. Nghỉ ngơi, ăn uống, rồi tối hôm ấy quay ra bến xe mua vé đi Cẩm Phả.

            Trong chuyến đi này tôi hiểu thêm về anh rất nhiều. Càng hiểu càng thấy hai anh em có rất nhiều “cách suy nghĩ” giống nhau. Anh tỏ ra rất tin tôi, tâm sự với tôi nhiều câu chuyện, nhiều điều mà tôi tin anh không kể với ai, có lẽ cả chị, hoặc nếu kể cũng không chi tiết như kể với tôi (tôi chủ quan chăng?).

Trong số “tâm sự” ấy có một tâm sự anh thổ lộ với tôi mà hôm nay tôi rất ngập ngừng khi có ý định thuật lại. Nay anh đã không còn trên cõi đời và tôi nghĩ chuyện không phải “bí mật” gì ghê gớm lắm.

Hôm dạo chơi trên bãi cát Vân Đồn, bỗng nhiên anh kể ấn tượng về lần đầu tiên “gặp Bác”, ấn tượng rất xấu mà từ đấy về sau, cho đến lúc bấy giờ, anh phải cố gắng hết sức để xóa đi trong trí óc. Câu chuyện anh kể có thể tóm tắt như sau.

Sau Hiệp nghị Genève, anh Lư được chuyển ra Hà Nội. Suốt thời gian Kháng chiến, từ Cách mạng Tháng Tám đến lúc ấy, anh chỉ ở Khu Bốn (miền Trung), chưa được nhìn thấy Bác bao giờ, cho nên ra Hà Nội, anh vẫn ao ước được “nhìn thấy” Bác bằng xương bằng thịt. Năm sau anh được phân về tham gia ban lãnh đạo Vụ Nghệ thuật, và được phân công đặc trách “khối Văn công”. Cuối năm ấy (1956), đột nhiên Vụ nhận được điện thoại từ Phủ Chủ tịch yêu cầu một điều, đại khái: “Mấy hôm nay Bác có vẻ buồn. Yêu cầu Vụ Nghệ thuật cử vài diễn viên ca múa và ngâm thơ lên tiêu khiển cho Bác”. Lệnh còn nói rõ: “Nhất thiết phải có nghệ sĩ ngâm thơ bằng giọng miền Trung”. Nhận được lệnh, anh Lư bàng hoàng, vậy là nhất định phen này sẽ được gặp Bác, thỏa nỗi ao ước bấy lâu, vì chắc chắn anh sẽ phải đích thân dẫn tốp văn công ấy lên Phủ Chủ tịch và có mặt trong lúc các diễn viên biểu diễn. Anh hồi hộp chờ cho mau đến giờ đi.

Lên đến Ba Đình, trong lúc các diễn viên vào một phòng nhỏ trang điểm và thay quần áo, anh thơ thẩn ngoài hành lang tòa nhà, bước chân lững thững và hồi hộp chờ… Đột nhiên anh thấy có bóng người từ cuối hành lang đi đến. Hành lang hơi tối nên lúc đầu anh không nhìn thấy mặt, nhưng anh đoán chính là “Bác”. Dáng người mảnh khảnh và bước chân nhanh nhẹn. Anh thấy tim mình đập mạnh. Anh đứng lại, chờ Bác đến để chào và tỏ lòng tôn kính. Nhưng bất ngờ thay, Cụ bước nhanh đến, cau mặt, gắt luôn: “Không có việc gì để làm à? Mà đứng thơ thẩn, lại hút thuốc thế này? Đi tìm xem có việc gì mà làm đi chứ”. Và trong lúc ông anh của tôi còn đang đứng ngẩn người, chưa biết đối đáp ra sao thì “Cụ” đã thoăn thoắt đi khuất vào hành lang phía đối diện và biến mất…”. Đột nhiên anh cảm thấy không ngờ “ông Cụ” thô lỗ, cục cằn thế!”. Bao nhiêu điều trước đây anh tưởng tượng ra, về một con người lịch lãm, biến mất sạch. Thay vào đấy là một cảm giác thất vọng tràn trề… ”.

Kể xong câu chuyện này anh kết luận. “Đấy là một ấn tựơng rất xấu về Bác mà suốt thời gian qua và có lẽ còn lâu sau này nữa, mình phải cố xóa nó đi trong ký ức. Cho đến hôm nay chưa phải đã xóa được hết!”

Về cách thức xử sự này của ông Hồ, về sau tôi đã được ông Hà Huy Giáp kể, sau khi ông nghe tôi đọc bản phác thảo ban đầu kịch bản “Kể chuyện Bác Hồ” (kịch bản sau đấy được viết lại rồi “bị” cưỡng bức nhận thêm tác giả thứ hai… Chính ông này đổi tên kịch bản thành “Người Công dân số Một”)[4].

Ông Hà Huy Giáp kể rằng sau Đại hội Hai, Đảng ra công khai, đổi tên thành Đảng Lao động, Sau Đại hội, “Cụ” giữ ông Hà Huy Giáp ở lại (đoàn đại biểu Nam Bộ ra họp hình như chỉ có ba người) giúp Cụ. Ông Hà Huy Giáp ở bên Bác vài tháng. Và ông kể đại khái: “Bác rất nghiêm, nghiêm đến mức khó tính. Nghe thấy tiếng cười bên ngoài là Bác đang gõ máy chữ, cũng chạy ra mắng: “Không có việc gì à? Mà nhăn răng cười cợt thế kia? Tìm việc gì mà làm chứ. Có đống củi kia, ra mà bổ đi…”. Cụ khó tính đến nỗi không ai dám bén mảng đến gần phòng của Bác. Chỉ khi Bác cho ai đi gọi thì mới dám đến…

Rồi ông Đỗ Đức Dục (Thứ trưởng Bộ Văn hóa, đảng viên Đảng Dân chủ, sau bị Lê Duẩn cách chức, cho về Viện Văn học). Hôm ấy, nhìn thấy tôi đi ngoài hành lang cơ quan Viện, ông gọi vào để trò chuyện. Nhân nói đến ông Hồ, ông Dục kể: “Một con người vô văn hóa. Đầu năm 1946, hôm Chính phủ Liên hiệp ra mắt ở Nhà hát Lớn, ông ta nhìn thấy Cụ Tố (Nguyễn Văn Tố) mặc âu phục, ông thô lỗ chạy đến, kéo chiếc cà-vạt Cụ Tố đang đeo ra, gắt: “Sao ông ăn mặc thế này?” (Lúc ấy ông Đỗ Đức Dục là Thứ trưởng Giáo dục)…

*

            Qua câu chuyện tôi thấy ra một vấn đề! Chẳng là anh Lư bị mọi người trong cơ quan kêu là “mê Đảng”, bởi mỗi lần anh lên diễn đàn hay viết bài đều ca ngợi công ơn của Đảng hết lời. Thật ra, đấy là cách anh “tự kỷ ám thị”, cố gạt đi những ấn tượng, hoặc sự việc sai trái của “Đảng”… Do tính anh mơ mộng, chỉ muốn nhìn thấy những mặt đẹp…

Tôi nhớ có lần anh (với tư cách Tổng Thư ký) lên diễn đàn kêu gọi văn nghệ sĩ “đi thực tế” để có tác phẩm hay. Sau cuộc họp, vì anh đau chân nên tôi đèo xe đạp anh về nhà. Dọc đường, anh hỏi tôi: “Cậu có tin cứ đi thực tế về là sẽ ra tác phẩm giá trị không?”. Tôi cười: “Thế sao lúc nãy đứng trên bục, anh hô hào hăng thế, đập cả tay xuống bàn, đau điếng, phải xoa mãi?”. Anh không trả lời và hình như đã “mơ màng” sang chuyện khác.

Đến lúc đi ngang trước cổng Nhà Hát Nhân dân, đột nhiên anh nói: “Sao bây giờ Hà Nội bẩn thế nhỉ?”. Tôi cười thầm, tưởng tượng ra cái thời anh ra Hà Nội, trọ ở Phố Phạm Phú Thứ (cạnh Chợ Hàng Da)… hàng ngày đi trên đường, ngó lên cô con gái không quen biết ngồi trên gác, sau chấn song cửa sổ (anh đã có lần trỏ cho tôi cái cửa sổ ấy) mơ màng:

Ai bảo em là giai nhân
Cho lòng anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vướng nợ thi nhân?

Vào cái thời ấy, chắc Hà Nội sạch lắm lắm!

*

Hai anh em cứ vài ngày lại có một chuyến “đi Hạ Long” như thế, khiến tôi phát hiện ra ở anh thêm một nét giống tôi, là máu “giang hồ”, thích “lang thang”. Ở tôi là tính thích “nay đây mai đó” để hiểu thêm cuộc sống của nhiều loại người, nhiều dân tộc, còn ở anh hình như để có nhiều cảm giác lạ…  Rồi tôi đột nhiên nhớ đến mấy câu thơ anh viết đã lâu: “Anh là mây bốn phương trời. Anh theo cánh gió chơi vơi…” Cái “máu” mà bây giờ giới trẻ gọi là thích “phượt” ấy!

Trong một chuyến đi như thế, xảy ra một chuyện mà sau này anh Lư hay nhắc đến bằng giọng thích thú: “Có lần hai anh em bị cho là hai thầy trò ba-gác!” rồi cười vang sảng khoái. Chẳng là sáng mùa Đông năm ấy trời chuyển gió Đông Bắc, mưa phùn và rất lạnh. Hai anh em đang ở Hòn Gai, quyết định dậy sớm ra bến ca-nô núi Bài Thơ mua vé, đón chuyến ca-nô đêm từ Cẩm Phả ghé vào Hòn Gai đón khách đi Hải Phòng. Ra đến nơi mới khoảng ba giờ sáng, trời còn rất tối. Khách mới chỉ lác đác. Hai anh em đứng run rẩy. Gió từ biển thổi vào ào ào. Anh Lư co ro trong tấm áo may kiểu va-rơi dày màu nâu quấn chặt, ngoài choàng một tấm vải mưa bằng ni-lông màu xanh thẫm, kéo mũ mưa sụp xuống, che kín mặt. Tôi cũng mặc chiếc áo bông bộ đội và choàng tấm vải ni-lông màu xám. Gió Đông Bắc thổi lạnh buốt, mỗi lúc một dữ dội hơn, hai anh em phải níu chặt tấm ni-lông để khỏi bay tung. Lại thêm mưa quất vào mặt như roi.

Gió thổi mỗi lúc một hung hãn. Tôi co ro, anh cũng run rẩy. Rồi thấy một mô đá dưới chân núi Bài Thơ, anh ngồi xuống. Tôi cũng ngồi bên cạnh. Lúc ấy khoảng ba giờ sáng. Trời vẫn tối.

Chúng tôi ra sớm, vì sợ khách đi đông, hết chỗ. Lúc chúng tôi ra, khách mới chỉ vài ba người, nay dần dần lục tục kéo đến. Nhưng cũng không nhiều. Chắc rét quá, ai cũng ngại, bất đắc dĩ lắm mới phải chịu ra khỏi nhà. Hai anh em đứng lánh ra, tôi đặt tay nải khá nặng lên mô đá. Đột nhiên tiếng máy nổ vẳng đến rồi to dần. Mọi người nhốn nháo, đứng dậy, ra sát bến chờ. Ca-nô đến, máy nổ ầm ĩ và ca-nô tắp vào bờ. Khách lục tục lên bờ. Chúng tôi đứng lại, chờ cho họ lên hết…

Chợt một người đàn ông quần xắn cao, cũng khoác tấm ni-lông chạy đến bên chúng tôi: “Hai bác chở cho tôi số hàng này đến Phố Chợ!”

Hai anh em chúng tôi ngơ ngác, lát sau mới hiểu, thì ra ông ta thấy hai thầy trò ăn mặc nhếch nhác, ngồi bệt lên mô đá, bên cạnh lại có chiếc xe ba-gác không biết của ai, tưởng là người chở thuê! Khi hiểu ra, tôi đáp:

– Xe ba-gác của ai chứ không phải của chúng tôi.

Lát sau, khách Cẩm Phả lên hết, khách đi Hải Phòng bắt đầu xuống. 

*

Trong một chuyến đi, Ty văn hóa thu xếp cho hai chúng tôi nghỉ trong Nhà nghỉ dành cho khách nước ngoài. Hôm sau, một cán bộ đến tìm “nhà thơ Lưu Trọng Lư”. Thì ra ông Lê Duẩn cũng đang nghỉ ở Bãi Cháy (tại nhà nghỉ của Trung ương Đảng). Nghe tin có hai nhà văn, một là thi sĩ Lưu Trọng Lư, ông Duẩn mời hai chúng tôi sáng hôm sau cùng đi dạo trên bãi biển và trò chuyện. Lúc phái viên kia về, tôi bảo anh Lư “Tôi không đi đâu!” Nhưng anh không chịu. Thế là sáng hôm sau có người báo tin, mời hai chúng tôi xuống bãi tắm.

Ông Duẩn mặc chiếc áo màu ghi giản dị, chào và bắt tay thân tình, lịch thiệp, rồi cả ba cùng dạo chơi, trò chuyện. Ông thổ lộ tâm tư của ông. Đại ý “Nhân dân ta khổ quá… Ta không muốn đánh nhau, nhưng không thể không đánh. Quyết tâm một lần, sau đấy sẽ không đế quốc nào dám nhòm ngó nữa. Rồi ta tập trung xây dựng kinh tế. Nước ta giàu có. Núi nhiều quặng quý, biển tôm cá tha hồ…”. Vân vân và vân vân. Ông vẽ lên cả một tương lai xán lạn.

Ông nói say sưa và hồ hởi đến nỗi, sau khi chia tay về nhà nghỉ, anh Lư bảo tôi: “Nước ta may mắn có được một lãnh đạo có tấm lòng rộng lớn như thế!

Tôi bèn cãi: “Thế tại sao cách chức anh Lê Liêm, bắt giam anh Hoàng Minh Chính?”. Nhưng anh Lư không trả lời. Tôi nghiệm thấy anh không muốn nghe mặt tối của mọi thứ…

*

Trong một chuyến đi khác cũng bằng ca-nô, khi hai chúng tôi chui vào khoang dưới. Trời mưa nên sàn ướt đẫm nước mưa. Tôi trải tấm ni-lông để anh Lư nằm rồi ghé nằm bên cạnh, cố thu mình giữa đám hành khách chen chúc nhốn nháo. Dù sao, thế vẫn là may, còn có chỗ mà len.

Trong lúc khách gọi nhau ồn ào, í ới, hai chúng tôi im lặng lắng nghe và thỉnh thoảng mới thì thầm một câu. Nghe thấy chúng tôi bàn chuyện dính đến văn chương, một người khách rất trẻ nằm sát bên cạnh hỏi: “Hình như hai bác là nhà thơ?”. Tôi nói: “Đây là nhà thơ Lưu Trọng Lư”.

Anh ta mừng rỡ: “Ôi, cháu nghe danh Bác đã lâu, hôm nay mới được gặp. May quá! Còn cháu là lính Hải quân, cũng rất thích thơ... thỉnh thoảng cũng ti toe làm mấy câu…”. Vài hôm sau, anh ta đến tìm chúng tôi ở nhà khách Thành ủy Hải Phòng, nơi chúng tôi dừng chân vài ngày. Anh đọc cho hai chúng tôi nghe một số bài thơ của anh ta và xưng tên là Hải Ba, lính Hải quân. Thì ra đấy là một cây bút trẻ, sau này nhập vào đám bạn viết văn trẻ quây quanh anh Lư và là một trong những người thân thiết nhất của cả hai chúng tôi.

Trong những chuyến lang thang như vậy, tôi càng nhận thấy anh Lư bao giờ cũng xử sự bình đẳng với bất cứ ai, không hề có một chút phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội, thậm chí không quan tâm người ấy là ai… Đặc biệt ông rất thích gần lớp trẻ. Về mặt này tôi thấy tôi tuy trẻ hơn ông nhiều, nhưng lại chưa có được cách suy nghĩ bình đẳng như vậy đối với những người ít tuổi hơn mình.

*

Và thêm nữa, anh Lư rất hờ hững nghe ai khen hoặc tỏ lòng thán phục… Đấy cũng là một cái tính có phần giống tôi. Được khen thì ai chẳng thích nhưng tôi đã quen thói coi nhẹ cái thứ ấy. Anh Lư hình như còn coi nhẹ hơn tôi. Trong suốt những năm quen thân nhau, luôn đi bên nhau, tôi chưa thấy anh tự đề cao mình bao giờ… mà anh là một trong những nhà thơ hàng đầu của Phong trào Thơ mới! Danh vọng địa vị đối với anh không quan trọng chút nào. Không biết thời trẻ, chúng có quan trọng với anh không? Có lẽ không. Vì đấy là thuộc bản chất, không phụ thuộc tuổi tác.

Anh còn có một tính hình như giống tôi: không “tranh luận” với ai, và rất ít nói. Về điểm cuối cùng này thì tôi hơi khác, hơi thôi. Tôi có tật, không nói thì thôi, nhưng đã “lỡ” mở miệng là không ghìm được, lại hay nói dai nói dài… Như thể tôi cố trình bày hết ý nghĩ của mình xung quanh đề tài ấy. Một thói xấu mà tôi cố gắng sửa chữa, nhưng cho đến lúc này, tuổi đã cao nhưng thỉnh thoảng vẫn còn rơi rớt.

*

            Sau đấy tôi không được ở luôn bên anh nữa. Tôi được (hay “bị”) Bộ điều xuống Ty Văn hóa Quảng Ninh. Anh Phạm Chính, Phó Ty Văn hóa lúc ấy, rất mừng có “bạn đồng nghiệp” (vì anh cũng học nghề đạo diễn sân khấu, tuy chỉ là trong nước). Quý tôi nhưng xem xong giấy tờ của tôi, anh nhăn nhó: “Lương anh thấp quá, anh Phòng ạ! Hay anh quay về đề nghị với Bộ tăng lương đã… Mà anh lại chưa phải đảng viên. Ở tỉnh, chuyện tăng lương với chuyện kết nạp Đảng khó khăn lắm. Tranh nhau, đánh nhau vỡ đầu ấy chứ…”. Lúc ấy tôi không thể ngờ sau này anh lại thành bạn chí thiết của tôi.

… Đấy là năm 1976, Ty Văn hóa và Ban Tuyên giáo Tỉnh nhận kịch bản “Sao Thần Nông”[5] của tôi, Phạm Chính ra Hà Nội, mời tôi xuống đạo diễn. (Lúc này anh đã là Trưởng Ty, – hay Giám đốc Sở?). Nhưng do bận nhiều thứ tôi từ chối, bảo anh mời người khác. Thế là anh quyết định đưa cả Đoàn kịch của Tỉnh lên Hà Nội để lúc rảnh rỗi tôi tranh thủ dàn dựng. Chuyện đưa cả một đoàn kịch bốn năm chục người lên Hà Nội đâu đơn giản: phải thuê chỗ ở, thuê Hội trường tập, thuê người nấu ăn… trăm thứ phức tạp, nhưng anh vẫn quyết định, chỉ cốt để tranh thủ tôi.

*

Thời gian mới xuống Quảng Ninh, anh chị em Đoàn kịch có vẻ không phục tôi. Đạo diễn, mà lại học Liên Xô về mà ăn mặc quá xoàng xĩnh. Tôi không thanh minh, cứ lẳng lặng làm việc. Và chỉ ít lâu sau, anh em hiểu ra, lại quý mến tôi đến mức tôi không ngờ. Cách đây ít hôm, hai vợ chồng tôi đang đi, chợt có tiếng chào sau lưng: “Chào thầy” Tôi ngoái lại. Cô tự xưng là diễn viên cũ của tôi. Sau đấy cô quay sang vợ tôi: “Anh Phòng nổi tiếng là người không biết nói dối!” Tôi xúc động, coi đấy là một niềm an ủi lớn.

*

Trong thời gian ở Quảng Ninh, một hôm tôi nhận được điện của anh Lư “Về ngay dựng kịch bản “Anh Trỗi” cho Đoàn Kịch nói Trung ương”. Do phải thu xếp công việc, gần một tuần sau tôi mới về Hà Nội được. Vừa đặt va li ở nhà xong, tôi vội lấy xe đạp phóng ngay ra Nhà hát Lớn. Ba “đồng tác giả” Lưu Trọng Lư, Đình Quang và Vũ Khiêu đứng trước cửa Nhà hát trò chuyện. Thấy tôi, anh Lư nhăn nhó: “Sao hôm nay mới về?” Rồi anh cho biết, trong lúc chờ tôi, đạo diễn N. P. đề nghị cho làm và ba “đồng tác giả” đành phải đồng ý vì không thể chờ tôi lâu hơn, vả tôi lại không điện trả lời đến hôm nào có thể về. Tôi không tự ái, mà chủ động đến gặp N. P. (bạn học thời Liên Xô) nhận làm trợ lý, đặc trách phần làm việc với diễn viên, là công việc tôi thích nhất và cũng tự tin nhất. N. P. tán thành ngay và còn rất mừng, vì cũng cho là tôi “giỏi” hơn anh ta về mặt ấy.

Tôi bắt đầu làm việc với tốp diễn viên Nhà hát, lúc ấy gọi là “đội Thanh niên”. Nhưng ngay trong buổi làm việc đầu tiên này tôi đã “vấp”. Tính tôi hay nói thẳng nên hình như mất lòng nhiều diễn viên đang kiêu căng về khả năng vì đã có chút danh tiếng qua tiết mục “Ni-la”, không quen nghe ai “chê”… Một nam diễn viên (H.V.T.) đề nghị đạo diễn cho nghỉ sớm nửa giờ để “rút kinh nghiệm”. Tôi đồng ý. Anh em góp ý kiến về cách làm việc của tôi. Và mấy ý kiến có tính đả kích và lên án rất thô bạo. Tôi nhận hết và nói sẽ rút kinh nghiệm. Lúc tôi ra cửa Nhà hát, ba anh (Lư, Quang và Khiêu) xúm lại hỏi: “Có chuyện gì mà có vẻ căng thẳng thế?” (thì ra cả ba anh ở ngoài sân nhìn vào qua cửa kính, thấy). Tôi thuật lại nhẹ nhàng. Đình Quang, vốn là “thầy dạy” của đám diễn viên này, kêu lên: “Không được!” và anh chạy đi triệu tập cả đội, bất chấp lúc này đã quá 12 giờ trưa, một số đã về phòng, đang ăn cơm. Khi tất cả ngồi đông đủ trong phòng họp,  Đình Quang mắng số học trò của mình: “Các cậu góp ý với anh Phòng thế là hỗn…!” Sau đấy anh Lư phát biểu, nói: “Lỗi tại tôi! Tôi chưa kịp giới thiệu Vũ Đình Phòng với các bạn. Xin nói ngay, tôi đánh giá anh Phòng là đạo diễn có năng lực nhất hiện nay!” Anh em có vẻ nhận lỗi… H.V.T. nói: Vâng, đấy là tại các anh không giới thiệu từ trước!” Riêng Đình Quang thì thêm: “Nhưng thái độ đối với đạo diễn như lúc nãy vẫn là hỗn. Tôi xấu hổ với anh Phòng, vì tôi là thầy đã dạy các anh các chị”.

*

Tôi không nói gì, nhưng sau đấy tôi báo N. P. biết, vì đã có đạo diễn, tôi quay về Quảng Ninh… Sự việc trên càng chứng tỏ, tôi chỉ “có giá trị” với những ai gần gụi lâu và hiểu tôi. Anh Lư hiểu và quý tôi vì hai chúng tôi gần gụi nhau (và cũng hợp tính nữa) trong một thời gian dài…

Tôi trở về Bãi Cháy, tiếp tục dàn dựng mấy vở nhỏ với diễn viên của Đoàn kịch Quảng Ninh.

Năm sau ông Hà Huy Giáp can thiệp mạnh, đến mức quyết liệt, với Ủy ban tỉnh Quảng Ninh, kiên quyết yêu cầu trả tôi về Bộ.

Tôi về và cưới vợ luôn, thấy Thúy chờ đã quá lâu. Về nhà, tôi lại lao ngay vào công việc. Một trong những việc ấy là viết lời giới thiệu cuốn “NGƯỜI CON GÁI SÔNG GIANH” của anh Lư, do anh Hoàng Trung Thông, Viện trưởng Viện Văn học đặt. Người chuyển yêu cầu ấy của Tạp chí Văn học đến cho tôi là Phan Hồng Giang, sau này cũng sẽ thành một trong những bạn “tri âm” của tôi.

*

Việc ông Hà Huy Giáp đòi tôi về bị Vụ Tổ chức Bộ phản đối, lấy cớ anh Giáp không hỏi ý kiến họ. Mọi việc thuyên chuyển phải do Vụ Tổ chức làm. Lãnh đạo Bộ phải hỏi ý kiến Vụ Tổ chức đã. Nhưng tôi biết người phản đối mạnh nhất là một cán bộ Vụ Tổ chức căm ghét tôi từ lâu, vì chuyện gì tôi không biết. Anh Mai Vy, Vụ trưởng Vụ Sân khấu thấy vậy, mà không can thiệp được, bèn đặt tôi dịch “thuê” kịch bản nước ngoài cho Vụ. Tiền nhuận bút dịch đâm gấp mấy lần tiền lương mà anh cán bộ Vụ Tổ chức kia cố tình làm tôi không được lĩnh ở đâu vì khăng khăng không ra quyết định thu nhận tôi về Bộ! Tiền dịch đủ cả cho việc đong gạo ngoài (tôi chưa có Hộ tịch do Vụ Tổ chức Bộ chưa làm quyết định thu nhận, nên chưa có “Sổ gạo”).

*

            Sau đấy tình hình biển đổi rất nhanh, không quân Mỹ oanh tạc cầu Long Biên, một số Khu phố… Chính quyền Hà Nội ban bố lệnh “Triệt để sơ tán”. Sở Văn hóa Hà Nội mời tôi đạo diễn kịch bản “All My Sons” của Arthur MILLER (kịch bản do tôi dịch, lấy tên là “CON TÔI CẢ”). Chúng tôi phải tập trong nhà để xe của Sở, nơi đã đào sẵn nhiều hầm trú ẩn. Hôm “ra mắt”, khách Bộ và Hội đến rất đông, tất nhiên anh Lư cũng đến. Và đúng lúc hạ màn lần cuối, Ban lãnh đạo Sở Văn hóa Hà Nội ra trước màn báo tin. Một đoàn B.52 đang tiến về phía Thủ đô và đề nghị mọi người nhanh chóng ra về… Tôi vội ra lấy xe đạp, chở anh Lư về nhà ở phố Nguyễn Thái Học rồi mới về nhà tôi trong khu Nhà hát Nhân dân (Đấu xảo cũ) đưa vợ và con cấp tốc rời khỏi Hà Nội…

Tình hình chiến sự căng thẳng. Ngưng oanh tạc Hà Nội, không quân Mỹ bắt đầu chuyển xuống, bắn phá Khu Bốn. Và mấy đứa viết văn trẻ quây quanh anh Lư lại bắt đầu thực hiện những chuyến đi vào “chiến trường” Khu Tư! Càng đi, chúng tôi càng thân nhau, tôi nghĩ trước hết vì thái độ bình đẳng và chân tình hiếm có của anh Lư. Tất cả bốn năm đứa chúng tôi quây quanh anh Lư như đàn em quây quanh người anh cả: cùng đi, cùng nghỉ, cùng gặp gỡ dân quân, du kích và bộ đội phòng không, và tất nhiên cùng ghi chép những ấn tượng dọc đường, những ý đồ thoáng hiện lên trong đầu, những phác thảo tác phẩm tương lai.

Những chuyến đi ấy cũng để lại nhiều ấn tượng khó quên. Chúng tôi vào Cầu Hàm Rồng, vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh… Và kỳ này lần nào cũng được sử dụng xe công của Hội, không phải chỉ mình anh Lư với tôi mà còn 3-4 cây bút viết kịch trẻ nữa, tất cả đều thân thiết. Cho nên những chuyến đi ấy phải nói là “tuyệt vời”…

Trong những chuyến đi ấy, anh Lư kể mấy đứa trẻ nghe nhiều mẩu chuyện lý thú trong quãng đời anh. Anh như người anh Cả mà chúng tôi đều yêu quý… Cũng trong những chuyến đi này, tôi còn nhận ra nhiều ưu điểm khác của anh. Thí dụ anh rất coi thường chuyện ăn uống, ghé vào đâu, gọi món gì ngon mấy, anh cũng không khen chê gì hết. (Tôi nhớ chị Lư kể những hôm mất công làm món gì cầu kỳ, khi ăn chị hỏi anh thấy thế nào, anh chỉ đáp gọn lỏn “Được!”).

Anh có sức chịu đựng khiến bọn tôi ngạc nhiên… Tôi dần dần có cảm giác, đối với anh, thích thú nhất là “mơ mộng”, là xúc cảm yêu ghét, đặc biệt là thương xót… Mọi cái khác đều mờ đi hết. Những tiện nghi, kể cả ăn uống, anh đều coi thường. Cái tính ấy rất hợp với tôi. Trong tốp đi, Xuân Trình tỏ ra tháo vát nhất, lo cho mấy anh em luôn được hưởng những điều kiện sinh hoạt tốt nhất…

*

Qua những chuyến “đi thực tế” Vịnh Hạ Long cũng như Khu Bốn, tôi càng thấy rõ máu “giang hồ” trong anh. Tất nhiên tuổi cao, anh không thể xông xáo như mấy đứa chúng tôi. Nhiệt tình đi nhất là ba đứa, cùng là Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu và đều là dân viết kịch: Xuân Trình, Tất Đạt và tôi … Những chuyến đi vào Hàm Rồng, Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh, rồi Quảng Bình, Vĩnh Linh cho chúng tôi bao nhiêu vốn sống, vốn hiểu biết về con người… Anh Lư thỉnh thoảng đọc chúng tôi nghe một bài thơ, có khi chỉ vài câu anh chợt sáng tác dọc đường. Rất nhiều bài thơ và câu thơ “xuất thần” ấy, sau khi về Hà Nội được anh sửa sang, sẽ được in trong tập “NGƯỜI CON GÁI SÔNG GIANH”.

Sang đầu năm 1975, tình hình biến chuyển rất nhanh. Tháng 5 quân đội ta tiến vào Sài Gòn… Anh Lư thuộc diện điều động của Bộ Văn hóa, vào đấy trước, cùng mấy đoàn sân khấu miền Nam. Tôi vào sau đấy vài ngày…

*

            Sau chiến tranh, chúng tôi lại về Hà Nội, ai vào việc người nấy. Thế rồi một dịp may mắn xảy đến. Một chuyến đi “tuyệt vời”, có thể nói như thế, diễn ra vào năm 1978. Chẳng là trên quyết định sẽ tổ chức Hội diễn Sân khấu toàn quốc vào năm 1980. Đấy sẽ là Hội diễn lớn vì lần đầu tiên đất nước thống nhất, tham dự sẽ có cả các đơn vị biểu diễn sân khấu các tỉnh phía Nam. Anh Lư là Tổng thư ký Hội làm Trưởng ban Trù bị. Các chi hội và các đoàn địa phương báo cáo về tình hình chuẩn bị đã đến đâu và dự định sẽ làm những gì nữa từ nay cho đến Hội diễn.

Là Trưởng ban Trù bị Hội diễn (và, xin nói riêng, vốn thích “giang hồ”), anh Lư quyết định tiến hành thêm một chuyến đi mấy tỉnh phía Bắc, lấy cớ để “kiểm tra” tình hình chuẩn bị của lực lượng sân khấu mấy địa phương ấy.

            Có điều lạ (nhưng tôi lại hiểu nguyên nhân) mà cũng hết sức thú vị là anh chỉ lấy thêm hai người đi cùng, một là tôi và một là Hải Ba, anh chàng lính Hải quân chúng tôi gặp và quen hôm đi ca nô từ Hòn Gai về Hải Phòng. Từ hôm ấy, hễ có dịp về Hà Nội là anh ta tìm đến anh Lư và tôi. Hải Ba có nhiều suy nghĩ rất giống hai anh em chúng tôi nên tình cảm gắn bó rất nhanh giữa ba người. Gần đây anh xuất ngũ, về nhận công tác tại Ban Tuyên huấn Tổng Công đoàn. Do đấy anh về ở hẳn gia đình với vợ con cũng ngay trong Nội thành Hà Nội. Anh không phải hội viên Hội NSSK nhưng anh Lư vẫn rủ đi cùng.

            Thế là chuyến đi này chỉ có ba người, ngoài lái xe của Hội (cũng là một người hâm mộ và rất quý anh Lư). Bốn chúng tôi khởi hành từ Hà Nội, chương trình là đầu tiên đến thị xã Thái Nguyên, thực hiện lời mời của Trường Sư phạm Việt Bắc đóng tại thị xã (nay là Thành phố) Thái Nguyên, rồi sang Lạng Sơn, cuối cùng ghé qua Hà Bắc, rồi về Hà Nội.

Buổi trưa hôm đầu, sắp đến Thái Nguyên thì trời chuyển gió mùa Đông Bắc và đổ xuống một trận mưa như xối. Đến Trường, chúng tôi đã thấy giáo viên và sinh viên đứng đón ở Cổng, mang theo ô và áo mưa cho chúng tôi. Vì chỉ có ba người lại thân thiết nhau như anh em ruột, mà anh Lư là anh Cả, chúng tôi sống hết sức thoải mái. Chiểu hôm ấy, anh Lư nói chuyện một chút về thơ với các học viên, sau đấy tôi nói về sân khấu – chủ yếu là kịch. Tối, Hải Ba nói về thơ trẻ…

            Ngủ lại đấy một đêm, sáng hôm sau chúng tôi lên đường theo hướng Đông, về phía Xứ Lạng. Đợt mưa cuối mùa hạ đã chấm dứt và sáng nay bầu trời trong vắt, xanh thăm thẳm. Và nắng! Nắng hanh! Thì ra chiều hôm qua là trận mưa “kết thúc mùa hè, chuyển thời tiết sang Thu”… Trong năm, mùa này đẹp nhất. Đã thế, phong cảnh dọc đường lại tuyệt vời, với núi rừng xanh thẫm. Nhưng sung sướng nhất là ba chúng tôi đi với nhau, ba tâm hồn hoàn toàn hợp tính nhau, mà người lớn tuổi lại là một tâm hồm tinh tế, tính tình giản dị, sống mơ mộng và quý nhất là chân thành. Ba chúng tôi trò chuyện thoải mái, thích gì nói nấy, nghĩ gì nói luôn, không cần một chút đắn đo… Những yếu tố ấy, nhất là yếu tố cuối cùng đã làm cho chuyến đi đối với tôi để lại một trong những kỷ niệm “tuyệt vời nhất” trong cuộc đời. Hải Ba cũng nghĩ như thế, và cả anh Lư… Sau này nhắc lại anh vẫn cho đấy là “chuyến đi” hiếm có… và anh khao khát lại được đi một chuyến như thế.

*

Đến Lạng Sơn, chúng tôi đang làm việc với Đoàn Văn công Tỉnh thì Tỉnh ủy biết và cho người đến mời chúng tôi đến nghỉ ở Nhà khách của tỉnh. Hôm sau Bí thư Tỉnh ủy cùng đông đủ thành viên trong Thường vụ Tỉnh ủy tiếp mấy chúng tôi. Trong buổi tiếp, ông Bí thư ngỏ ý muốn Hội giúp để có thể có một kịch bản “hẳn hoi” và “quy mô” về Khởi nghĩa Bắc Sơn, đề tài tỉnh ao ước từ rất lâu. Ông Phó Bí thư kiêm Trưởng ban Tuyên giáo đề nghị Hội cử cho một cây bút viết kịch, và gợi ý đề nghị Hội giao việc ấy cho tôi. Tôi còn đang ngập ngừng thì anh Lư nói nhẹ vào tai tôi: “Nhận đi!” Thế là tôi nhận, hứa sẽ quay lại đây thời gian sớm nhất để đi thực tế ở Bắc Sơn và viết. Việc này lại cho tôi được hưởng một chuyến đi khá dài ngày với anh Tô Hoài, cũng hết sức thú vị và vô cùng bổ ích cho tôi, tất nhiên là vẫn không thú vị bằng đi với anh Lư.

            Sau mấy ngày nghỉ lại ở thị xã Lạng Sơn, chúng tôi lên xe về Hà Nội. Thời tiết mùa này sao đẹp đến thế: nắng hanh rực rỡ. Ba chúng tôi (anh Lư, Hải Ba và tôi) trò chuyện thân tình, hoàn toàn thoải mái. Anh Lư kể rất nhiều kỷ niệm anh đã trải qua, một cách chân thật, tôi tin chắc lúc này, bên hai đứa “em” đồng thời là bạn “tri kỷ”, hợp tính… anh không cần giữ gìn gì hết. Thời tiết đẹp và phong cảnh hai bên đường tuyệt vời giúp thêm vào tâm trạng sảng khoái của cả ba chúng tôi.

            Gần về đến Kép, Hải Ba đề nghị dừng lại chừng một tiếng đồng hồ để chạy vào hỏi thăm “cô bạn” cũ lâu không gặp. Rồi cậu ta ra khỏi xe, lao đi… Lát sau, chưa đến nửa giờ, cậu ta đã quay lại, bước chân nặng nhọc, mặt buồn rời rợi. Cậu ta vừa ngồi vào xe, đã đọc luôn mấy câu thơ vừa nẩy ra trong óc:

                        “Tổ ở đâu rồi, cây vẫn xanh?
                        Cớ sao chim vẫn hót trên cành?
                        Năm năm trở lại thăm vườn cũ
                        Một hố bom dài đựng nắng hanh.”

Mấy câu thơ “ứng khẩu” nói lên tâm trạng của cả bốn chúng tôi: Chiến tranh đã qua đi, nhưng cũng để lại bao dấu vết đau thương…

*

            Một buổi sáng, ghé vào thăm anh Lư, tôi thấy anh vẫn nằm trên giường, mặc dù màn đã tháo. Tôi được coi như người nhà nên không cần ai tiếp. Rồi chị Lư bưng khay trà ra:

- Chú uống trà!..

- Chị mặc em!

Tôi ngồi vào sau chiếc bàn làm việc bừa bộn của anh, lơ đãng lật cuốn sách trên mặt bàn, “Autant en emporte le vent.” chắc anh đang đọc giở. Ý Nhi, con gái gần út của anh chị bước đến bên tôi hỏi:

- Chú Phòng có nhớ Bích không?

- Bích nào?

- Bích ở Vụ Nghệ thuật ấy. Vừa bẻ khóa nhà cô T. dưới sân, bị công an xích tay giải đi sáng nay rồi.

Vừa lúc ấy, chị Lư trong phòng bước ra:

- Khổ quá. Chú ấy chạy lên đây nhờ chị nói hộ. Nhưng chị nói gì được khi cô T. bắt quả tang chú ấy đang bẻ khóa và đã gọi công an…

Anh Lư lúc ấy mới tung chăn, ngồi dậy:

- Thôi, không nói chuyện ấy nữa!

Mọi người im lặng. Anh Lư quấn vội chiếc khăn lên cổ, ngồi xuống bên ấm trà chị mới pha.

- Thế nghĩa là sao nhỉ? – anh hỏi tôi.

Vì Bích ngày ấy là nhân viên của Vụ và được anh Lư và hầu hết anh em trong Vụ, kể cả tôi rất quý. Cậu ta là con một ông trưởng ga xe lửa ở Côn Minh. Ông là người Việt, làm cho Sở Hỏa xa của Pháp ở Vân Nam, tuyến đường Vân Nam - Hải Phòng… Trước 45 ông giúp đỡ cán bộ ta trú bên Trung Hoa rất nhiều (hầu hết sau này là cán bộ Đảng cao cấp). Sau 1945, ông gừi cả mấy người con về nước, tất cả đều rất có trình độ và đạo đức tốt nên được sử dụng ở tầm cao. Cậu em út, tên là Trần Quang Bích, được đưa về làm phiên dịch tiếng Hoa cho chuyên gia Trung Quốc về Sân khấu. Sạu khi chuyên gia về nước, Bích được giữ lại ở Vụ Nghệ thuật, làm phiên dịch tiếng Hoa.

*

Đột nhiên anh Lư ngồi dậy, bảo tôi: “Đi dạo đi!” Hai chúng tôi đi bộ chầm chậm về phía Cửa Nam, ghé vào môt hiệu giải khát, uống mỗi người một tách cà phê nóng, rồi lại đi. Anh Lư hỏi tôi:

- Sao lại như thế được nhỉ?”

- “Như thế nào ạ?

- Tại sao những người tốt như thế mà trở thành xấu? Đến nỗi phải tù tội?”

Tôi không biết trả lời ra sao. Nhưng tôi thấy đấy là một đề tài hình như khiến anh băn khoăn từ lâu, cố tìm lời giải đáp mà chưa tìm ra…

PHẦN BỐN

Anh Lư luôn có khá đông văn nghệ sĩ trẻ tuổi vây quanh, hầu hết là người của Hội Sân khấu. Anh có thái độ bình đẳng, chân tình và tôn trọng người khác nên tất cả đều cảm thấy dễ gần và đều yêu quý anh. Tuy nhiên không phải tất cả đều “thật sự” gắn bó với anh. Đại đa số mến anh nhưng nhiều người gần gụi anh chủ yếu vì động cơ vụ lợi, vì anh dễ dãi, nhưng lại là cấp lãnh đạo và có thể giúp họ, hoặc có ích gì đấy cho họ.

Trong số giữ quan hệ thân tình và lâu dài với anh, ngoài tôi ra, tôi cảm thấy còn hai người nữa thật sự quý anh. Đấy là Đình Quang và Hải Ba. Những người khác hình như chỉ gần gụi anh do quyền lợi, riêng hai người tôi vừa nêu tên có sự đồng cảm và quý anh đặc biệt, gần như tôi, tuy không “suốt thời gian dài” như tôi.

*

Về Đình Quang, tôi nhận thấy lúc đầu anh ta quý anh Lư như quý một nhà thơ có những thành tựu văn chương, nhưng về sau, anh ta quý anh Lư vì “cần” đến anh. Chẳng là anh Lư có những phẩm chất Quang thấy mình thiếu, nghĩa là lòng yêu mến cùa anh ta không giống những người khác. Đình Quang thấy ở anh Lư một “người anh” hiểu biết và chân tình, có khả năng nhắc nhở, cảnh báo khi Quang có cách suy nghĩ sai lệch với thực tế cuộc đời,  luôn phức tạp và đa dạng….

Theo tôi nhận xét, bản thân Quang có rất nhiều ưu điểm. Anh ta hết sức chịu khó đọc sách. Nhưng ưu điểm hiếm có của anh ta là rất có tinh thần “phục thiện”. Tôi nghĩ có lẽ anh ta là người đọc sách nhiều nhất trong ngành văn hóa (nhiều người bảo tôi, nhưng tôi có cảm giác Quang đọc sách nhiều hơn tôi). Anh ta biết nhiều ngoại ngữ, cũng thông thạo tiếng Pháp như tôi, nhưng đọc tàm tạm được tiếng Anh, sau này sang Đức học anh lại thông thạo tiếng Đức. Đặc biệt anh rất giỏi tiếng Hoa (và chữ Hán, tất nhiên), trong khi tôi chỉ biết tiếng Pháp, Anh và Nga… Nhưng vì học nhiều, học chăm chỉ và lại học kiểu hơi kinh viện (thuở trẻ anh học Trường Dòng – sau bỏ – rồi hoạt động văn nghệ và được cử sang Trung Quốc học về Sân khấu…), tư duy của anh có phần “sách vở”, khiến sau một thời gian tiếp xúc với Lưu Trọng Lư, anh ta thấy anh Lư sống bằng cảm tính và suy nghĩ “hợp lý”, có sự nhìn nhận đúng sai chính xác hơn (Tất nhiên anh Lư cũng thích đọc sách, nhưng không thể bằng Đình Quang… thậm chí không bằng cả tôi nữa), nhưng làm thơ, tìm cảm hứng trong cuộc sống, hồn nhiên hơn, và cũng do nhiểu tuổi hơn, nên anh từng trải và xem xét mọi thứ khách quan, công bằng hơn.

Lý do này (Đình Quang “dính” với anh Lư) phải rất  lâu về sau tôi mới nhận ra. Và tôi mới giải thích được hiện tượng Quang không cãi lại anh Lư bao giờ, trong khi với mọi người khác thì trái lại, Quang rất hay phản bác và “cãi lý”.

Tôi nhận được ra điều ấy qua mấy trường hợp sau đây. Đấy là lúc chuẩn bị ra “TẠP CHÍ SÂN KHẤU”. Hôm họp Hội đồng Biên tập (tạm thời) thông qua nội dung Tạp chí SÂN KHẤU số đầu tiên (Số Một). Sau khi nghe anh Nguyễn Đức Thuyết (người thư ký được giao việc chuẩn bị bài vở cho số Một) báo cáo, tôi đưa ra nhận xét là nhìn qua Mục lục dự kiến, thì thấy đề tài chính trị thời sự chiếm quá nhiều mà đề tài nghiệp vụ chuyên môn của ngành thì quá ít. Hôm ấy tôi nói không đắn đo như mọi khi vì nghĩ xung quanh tôi, những thành viên Hội đồng Biên tập, đều là bạn thân, đã hiểu nhau nhiều. Ai ngờ,  tôi vừa dứt lời thì Đình Quang bật dậy (anh có tính thích tranh luận và lại hiếu thắng) phản bác ý kiến của tôi.

Anh ta nói: “Cậu Phòng nói thế là sai. Những bài cậu ấy kể ra rồi bảo là đề tài chính trị thời sự là không đúng. Thí dụ bài của ông Hà Huy Giáp, có vẻ như thuộc số bài chính trị thời sự, nhưng nếu đọc  kỹ, cậu sẽ thấy chứa đựng rất nhiều bổ ích về nghiệp vụ, thí dụ về sự cần thiết của “đi thực tế”, về mục tiêu “phản ánh hình tượng “CON NGƯỜI MỚI”, v.v và v.v…”

Anh ta nói giọng “gây sự” khiến tôi cũng nóng mắt. Tôi nói: “Anh Quang bác ý kiến nhận xét của tôi bằng cách sử dụng thứ lô-gich hình thức. Anh đẩy lập luận của đối phương thành tuyệt đối thì lập luận nào cũng sai. Bức tường kia trắng, nhưng anh tìm ra vài vết đen hoặc không được trắng lắm rồi phản đối, bảo không thể nói nó là trắng được. Kiếu áp dụng lô-gích hình thức như thế dễ thắng trong tranh luận, dễ bác bỏ lập luận của đối phương, nhưng không giúp gì cho việc đi tìm chân lý. Nhân đây tôi cũng xin hỏi hội nghị: chúng ta họp và bàn bạc ở đây để tìm cách làm cho Tạp chí tốt hơn hay để thắng nhau?”

Tôi vừa nói xong thì Đình Quang bật dậy, nhưng anh Lư, người chủ trì cuộc họp, nói: “Phòng nhận xét đúng đấy. Tôi đề nghị giảm bớt số bài chính trị thời sự mà tăng số bài nghiệp vụ. Nhân đây, tôi đề nghị Phòng viết cho một bài, hai được thì tốt, về nghiệp vụ sân khấu. Có thể là kỹ thuật, kinh nghiệm về biên kịch, về đạo diễn, diễn viên, hoặc về mỹ thuật, âm nhạc dùng cho biểu diễn cũng được…”

Quang không nói gì mà chấp nhận, trái với thói quen xưa nay của anh ta.

Một thí dụ khác. Năm ấy anh Lư hoàn thành một mơ ước từ lâu của anh là viết một kịch thơ. Anh viết xong kịch bản “Tuổi Hai mươi”. Tôi đọc và khen vì thích thực lòng. Anh Lư  cho biết Đoàn Ca kịch Bình Trị Thiên (còn gọi là Đoàn Ca Huế) đã nhận và anh bảo muốn tôi nhận đạo diễn. Tôi đồng ý. Nhưng hai hôm sau, gặp tôi, anh Lư cho biết Đình Quang tha thiết muốn dựng vở ấy. vả anh bảo tôi “nhường” cho Quang. Tôi vui vẻ chấp thuận. Anh Lư nói thêm: “Đây là kịch thơ, mình sợ Quang quen sống nguyên tắc nên hơi khô. Vì thế mình nể thì để cậu ấy dựng thôi, nhưng cậu (tức là tôi) phải cùng với mình theo dõi và góp ý thêm cho Quang”.

Thấy tính Quang hơi nhiều tự ái và cũng có phần chủ quan, nên hầu như tôi không “góp ý” gì. Chỉ hôm cuối cùng, buổi tập “lắp ráp và tổng ôn”, anh Lư ép tôi đến Khu Văn công xem. Trên đường về, ba chúng tôi ngồi trong xe. Tôi lựa lúc Đình Quang thoải mái và dễ dãi mới “đánh liều” nói: “Ông Quang ạ, tôi nói thật điều này nhé. Những đoạn tình yêu, nhất là lớp hai đứa ngồi trò chuyện tình tự trong rừng vắng vẻ, tôi có cảm giác người dàn dựng chưa yêu bao giờ. Hoặc nếu có yêu thì cũng chưa yêu thật sự…”. Quang cao giọng bác ngay: “Cậu nói sai, ai cũng có ít nhất một lần yêu thật sự!” Anh Lư chen vào: “Không nhất thiết. Có người yêu nhiều lần mà lần nào cũng thật sự, trong khi có người chỉ yêu một lần thôi mà vẫn khộng “thật sự”!” Quang ngồi im, không cãi. Giá ai khác nói như thế, chắc chắn anh ta đã cãi lại rất hăng và rất có lý có lẽ, nhưng anh Lư nói thì anh ta ngồi im, chịu. 

Có nghĩa Quang “cần” đến anh Lư! Anh ta biết bản thân thiếu cái chất hồn nhiên mà anh Lư có, có rất nhiều là đằng khác… Không phải Quang không có tính phục thiện nhưng với anh Lư thì Quang “phục thiện” nhanh hơn và hầu như mọi lúc. Có nghĩa Quang “cần đến” anh Lư và rất cần.

  Người thứ hai là Hải Ba, anh lính Hải quân anh Lư và tôi gặp hôm ngồi trong chuyến ca-nô đêm từ Hòn Gai về Hải Phòng. Hải Ba quý anh Lư đặc biệt. Theo tôi vì Hải Ba luôn có những nhận xét táo bạo và dễ làm người khác phản đối. Người duy nhất Hải Ba có thể thổ lộ mọi điều, không cần đắn đo, là anh Lư và tôi.

Thí dụ một lần đi xem đêm Giao thừa xong, trên đường về nhà, Hải Ba nói “Hai anh nhận thấy không? Đêm Giao thừa hôm nay là kết thúc thời gian ngự trị của áo dài. Mọi năm như đêm nay thì phải phấp phới đủ kiểu áo dài, nhưng năm nay thì không! Hải Ba đã để ý, không một cô một bà nào mặc áo dài! Có nghĩa chấm hết cho “áo dài”…”

Kiểu ý nghĩ như thế, cậu ta không dám thổ lộ ra với ai, vì sẽ bị phản bác ngay, và phản bác quyết liệt. Nhưng với anh Lư và tôi thì cậu ta nói ra không chút đắn đo. Hải Ba quý anh Lư còn thêm một lý do nữa. Một hôm trò chuyện về thơ, cậu ta bảo tôi: “Anh Lư có những câu chân thật và xúc động mà không nhà thơ Việt Nam nào có được”. – “Thí dụ?” – “Anh Phòng có thích không, chứ Hải Ba thì rất thích hai câu: “Mỗi lần nắng mới hắt bên song, Xao xác gà trưa gáy não nùng”.  Tuyệt vời, anh Phòng có thấy thế không? Lời thơ giản dị và chân thành bao nhiêu… Hải Ba cũng làm khá nhiều thơ nhưng chưa lúc nào có được một câu như thế. Chỉ hai câu ấy thôi, chứ nhìn chung, nhiều câu anh ấy (tức là anh Lư) viết tầm thường. Cái bài  Tiếng thu, nói thật lòng, Hải Ba  không thích, nó gia giả thế nào ấy, như không phải của  Lưu Trọng Lư…”.

Có nghĩa Hải Ba quý anh Lư vì chất “đa cảm” nhưng “chân tình” của anh. Và phải công nhận thơ của cậu ta đều như thế, nhưng tất nhiên chưa “đạt” được như hai câu cậu ta nêu ra trong thơ anh Lư.

Khoảng năm 1978, trên quyết định, nay đất nước đã thống nhất, giang sơn trở về một mối, mỗi hội phải làm hai việc. Một là ra tờ báo chuyên ngành của mình (Hội Nhà văn đã có báo Văn nghệ). Hai là tổ chức một hội nghị học thuật, có thể thêm cả phần bổ sung kiến thức về ngành chuyên môn của mình. Ba là riêng Hội Sân khấu tổ chức Hội diễn toàn quốc.

Về việc thứ nhất, anh Lư là Tổng thư ký, nay nhận thêm chân Chủ nhiệm Tạp chí “SÂN KHẤU” và lập ra một “Hội đồng biên tập”, trong ấy có tôi. Nhưng khi danh sách đưa lên Ban Tuyên giáo thì tên tôi bị gạch, vì tôi không phải đảng viên. Anh Lư nhăn nhó, nhưng biết làm sao được. Giữa lúc ấy, Trung tướng Trần Độ (cấp trên của tôi hồi tôi ở quân đội) về Bộ Văn hóa làm Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn (thực chất là Bộ trưởng, vì ông Bộ trưởng Hoàng Minh Giám chỉ là “danh nghĩa”). Nhận ra tôi trong sân Bộ, ông Độ giữ tôi lại, bảo:

- Cậu tên gì, mình quên rồi?

- Phòng ạ.

- Thì ra Vũ Đình Phòng chính là cậu? Mình đã xem mấy tiết mục của cậu rồi.  Tốt quá! Mình đang thiếu trợ lý, mà trợ lý của mình phải am hiểu văn học, sân khấu và điện ảnh. Vậy Cậu lên Bộ làm Trợ lý cho mình!

- Không được đâu, anh ạ. Tôi không phải đảng viên.

Ông Độ ngạc nhiên:

- Sao lại thế được? Đi lính từ 49 mà bây giờ vẫn chưa phải đảng viên? À, mình hiểu rồi. Về đây mình thấy nhiều văn nghệ sĩ có tài, tư cách tốt mà vẫn không phải đảng viên. Rõ ràng công tác phát triển Đảng ở Bộ ta có vấn đề. Mình sẽ thuyết phục Đảng ủy Bộ ra nghị quyết “mở đợt tấn công vào văn nghệ sĩ” và kết nạp ngay một số. Cậu phải là “phát súng” đầu tiên, vì mình biết cậu rất rõ… Ngày trước  là lính của mình, ngày nay là tác giả mấy tiết mục mình thích nhất…

Tôi không trả lời, chỉ thầm nghĩ, vào Đảng làm gì. Về cơ quan tôi kể sơ qua với anh Lư về ý kiến anh Độ. Ai ngờ anh Lư bảo: “Mi cứ khăng khăng không vào Đảng. Bây giờ thuận tiện thế, nhận lời với anh Độ đi. Vào Đảng để làm việc. Để làm việc! Hiểu chưa? Có Đảng cậu mới tham gia Ban biên tập tạp chí. Mà mình đặt hy vọng nhiều nhất vào cậu… Thôi, chịu nhịn đi để còn làm việc. Nhận lời vào Đảng đi”.

Hôm sau, Bí thư Chi bộ Đảng ở Vụ Sân khấu bảo tôi viết đơn… Tôi thầm nhớ đến lời khuyên của anh Lư. “Vào Đảng để làm việc! Mà để làm việc thì vào cũng được”. Vì sợ địa phương làm khó dễ và lỡ có sự trục trặc nào đấy, anh Bí thư (Phạm Xuân Trường) lấy xe cơ quan đích thân đi cùng với tôi đến Đáp Cầu, gặp Đảng ủy địa phương để lấy xác nhận. Mọi thứ diễn ra chóng vánh. Hôm kết nạp tôi, ông Trung tướng Trần Độ tuyên bố: “Đây là phát súng đầu tiên đánh vào văn nghệ sĩ…”. Còn Trần Bảng (lúc ấy là Vụ trưởng SK) thì nói: “Anh Vũ Đình Phòng đã là bạn tôi, tôi rất vui thấy từ nay anh còn là đồng chí của tôi nữa… “ Sau đấy mọi việc tiến triển rất chóng vánh. Tôi được trên duyệt vào danh sách Ban biên tập rồi vào chức Thư ký Tòa soạn Tạp chí Sân khấu. Ít lâu sau lên chức Tổng biên tập…

*

Sang thập niên 1990, “quốc sách” GIÁ LƯƠNG TIỀN đẩy xã hội miền Bắc xuống tận đáy. Cơ quan Hội cũng chia rẽ. Phái Dương Ngọc Dức (lúc ấy thay anh Lư làm Tổng thư ký) thì nhút nhát, muốn yên vị, còn phải trẻ Xuân Trình thì năng nổ muốn nhanh chóng “đổi mới”. Cậu ta viết “Bạch đàn liễu” khẳng định cần phải bỏ chế độ cấm khoán ở nông thôn… Xuân Trinh còn chủ trương “làm  kinh tế” để cải thiện sinh hoạt cho Hội…

Đại hội SK năm ấy Hồ Ngọc bảo tôi: “Hai phe chỉ đưa lên những đứa nào thuộc phe chúng. Cậu và tớ không đứng vào phe nào thì “ra rìa”. Mà đúng thế. Dự kiến danh sách để  bầu không có tên tôi (vì do hai phái đã thỏa thuận riêng với nhau). Nhưng trong cuộc họp Tổ, anh Lư đề nghị thêm tên tôi. Ai ngờ kết quả bầu cuối cùng, tôi thuộc mấy người có số phiếu cao nhất.

Do  phiếu cao, tôi buộc phải nhận một chân “Trưởng  ban” của  Hội. Vì không thích và vì bị o ép đủ điều, không khí cơ quan lại căng thẳng, chia bè chia phái, chẳng vui vẻ như trước, tôi quyết định xin nghỉ hưu. Chưa đủ 60 tuổi, nhưng nhờ mấy năm tại ngũ, được tính thêm tỷ lệ, tôi vẫn đủ điều kiện hưu. Nhiều người can tôi, kể cả Dương Ngọc Đức, Tổng thư ký, nhưng tôi đã quyết. Để cuộc sống gia đình đỡ khó khăn, tôi nhận dịch thuê cho các nhà xuất bản. Ai ngờ việc dịch được tín nhiệm, các nhà xuất bản liên tiếp đặt tôi dịch. Tôi nhận hết cuốn này đến cuốn khác, nhờ thế cuộc sống tạm đủ. Sau đấy tôi lại chuyển chỗ ở, không ở Khu lắp ghép Trung Tự nữa mà xuống Khu Quân đội ở Sân bay Bạch Mai (Phố Hoàng Văn Thái) mặc dù trong ngõ. Và nhân chuyển chỗ ở, lấy cớ làm thủ tục “chuyển sinh hoạt” quá phức tạp mà tôi sức khỏe kém, tôi cũng tự ý ngừng sinh hoạt Đảng luôn.

*

Vì ở xa, lại bận “kiếm ăn” nên tôi ít lên phố và gặp anh Lư. Anh cũng đã nghỉ. Một hôm tôi ghé vào thăm anh. Thấy anh già đi rất nhiều và yếu. Thấy tôi bước vào, đang nằm anh vùng dậy mắng: “Sao hôm nay mi mới đến?” Tôi đáp vui: “Tại tôi thấy bây giờ anh đã có Xuân Trình rồi!” Ai ngờ anh gắt: “Trình-triếc cái gì? Mi mới là đứa tau quý nhất!”. Ngồi với nhau một lát anh lật đật (do giép không vừa chân) chạy ra chiếc bàn ở góc phòng, mở ngăn kéo ra, trong đầy tiền. Anh bốc một nắm đưa tôi, miệng nói: “Thằng Na mở giải khát dưới nhà, kiếm được nhiều tiền lắm. Hôm nào nó cũng nhét thêm vào ngăn kéo này để tau tiêu. Nhưng tau tiêu cái gì kia chứ?”

Thấy tôi vẫn đứng nguyên, anh nhét một nắm đầy tiền vào túi áo tôi. Nhưng tôi giữ tay anh lại “Tôi cũng đủ sống rồi, anh cứ đề đấy. Lúc nào cần tiêu gì nhiều tôi sẽ đến xin anh sau!”

Anh già, tôi cũng già. Không biết anh thế nào, chứ tôi, mỗi lần nhớ lại những kỷ nệm  với anh, lòng tôi ấm hẳn lên. Chắc hẳn anh cũng thế. Chợt tôi nhớ đến mấy câu của anh trong bài “EM THỜI GIAN, HÃY NGỪNG TAY!” Anh nói đến “những sợi tóc bạc “kinh hồn”…

Năm sau anh mất. Nghe tin, tôi vội vã đạp xe lên mặc dù trời đã tối. Đến cầu thang tôi gặp chị đang đỡ ông Hoàng Tùng xuống thang. Tôi đợi ông ra khỏi nhà, cùng chị lên. Chị vừa đưa tôi lên vừa đuổi tôi quầy quậy: “Chú về đi. Già rồi. Về đi! Cố giữ sức khỏe. Cho chị hỏi thăm cô Thúy. Chú lấy được cô là phúc lắm đấy. Chị chưa thấy đứa con gái nào xinh đẹp, dáng sang, mà lại đảm đang như nó…”

– Chị không biết đấy, chị Lư ạ! Thúy cũng luôn hết lời ca ngợi chị “Em chưa thấy phụ nữ nào vừa đẹp một cách quý phái, tươi tắn nữa chứ…vừa đảm đang như chị Lư…”. Chẳng trách anh Lư mê chị là phải…”. Phải nói Thúy sùng bái chị đấy, chị Lư ạ…

Anh Lư đã “đi” rồi. Đình Quang cũng vừa mới đi. Hải Ba thì, hôm tôi gặp họa sĩ Nguyễn Quân ngồi trên ô-tô đang chạy trên đường. Thấy tôi, xe chạy chậm lại. “Hải Ba chết rồi, anh Phòng ạ. Thôi, em phải ra sân bay, chắc ít có dịp gặp anh…” Rồi cậu ta vẫy tay trong khi xe ô-tô chạy xa dần.

Cậu ta đi rồi, tôi vẫn như người chóng mặt, phải đứng lặng trên hè một lúc. Sao Hải Ba chết sớm thế? Vóc to khỏe và đẹp trai… Tôi nhớ lại lần gặp cậu ta gần đấy nhất. Hôm ấy Hải Ba đi với Xuân Cang, nhà văn chuyên viết về công nhân, và đấy có lẽ lần đầu tiên một nhà văn được bầu vào Ban lãnh  đạo Tổng Công đoàn và nhận chức Trưởng ban Tuyên huấn Tổng Công đoàn. Hôm ấy, Hải Ba giới thiệu tôi với Xuân Cang: “Người thông minh và hiểu biết nhất Hội Sân khấu. Xuân Trình không ăn thua  gì với anh Phòng…”. Tôi nhớ hôm ấy Xuân Cang cười: “Tôi biết chứ. Anh Phòng trình độ thế nào minh biết chứ. Còn biết rõ hơn cậu…”

Mới  đấy mà bây giờ anh ta không còn nữa. Một con người thông minh và đáng yêu làm sao!

Còn Đình Quang… Nhớ lại lần cuối cùng tôi gặp anh ta, hôm ấy ở số nhà 51 Trần Hưng Đạo. Sao hôm ấy anh ta lại tỏ ra quý tôi đặc biệt đến thế: cứ đi theo tôi rều rễu, hễ tôi rẽ vào Hội nào, phòng nào làm việc đôi chút thì anh ta đứng ngoài chờ cho đến lúc tôi xong việc đi ra, anh ta đón tôi rồi lại cùng đi, nói rất nhiều, nói huyên thuyên, như thể lo tôi bỏ đi mất. Đình Quang cho biết anh ta ở gần nhà em gái tôi, chỉ cách một con mương, lúc nào tôi đến thăm cô ấy thì chịu khó ghé vào anh ta. Anh ta có rất nhiều sách Pháp mới…  Nhưng rồi, ít lâu sau em gái tôi mất, tôi cũng ít đến thăm em rể và các cháu, nên cũng không gặp lại Quang.

Hôm ấy, cuộc chia tay bịn rịn. Trên đường về tôi thầm nghĩ: “Thì ra Đình Quang nhiều tình cảm chứ không “khô khan” như trước kia mình lầm tưởng. Và rõ ràng anh ta cũng rất quý mình…”.

Mọi thứ lùi dần vào quá khứ… Không thứ gì sẽ trở lại… Có chăng chỉ là vài kỷ niệm…

HÀ NỘI - 2015
V.Đ.P.


[1] Cuốn “Tìm hiểu nghẹ thuật viết kịch”, NXB Văn hóa. Lúc ấy tôi lấy tên là Nguyễn Nam.

[2] XUÂN VĨ DẠ. Khi Đoàn Kim Phụng chuyền thành Cải lương, đổi tên là “HUẾ MÙA XUÂN”..

[3] Lời một bài thơ giễu của Sóng Hồng (Trường Chinh)

[4] Bạn nào muốn biết rõ xin đọc blog của tôi “Tôi viết kịch về Bác Hồ”.

[5] Đã in và tái bản nhiều lần.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 22-7-15

Nguồn: http://www.viet-studies.info/VuDinhPhong_LuuTrongLu.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn